Làm gì để hệ thống thu phí tự động không dừng vận hành minh bạch?

08:28' - 22/05/2018
BNEWS Nhà đầu tư các dự án BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên chậm nhất đến ngày 31/12/2018 phải thực hiện việc thu giá theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng, nhà đầu tư các dự án BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên chậm nhất đến ngày 31/12/2018 phải thực hiện việc thu giá (thu phí) theo hình thức điện tử tự động không dừng. Đối với các trạm khác, thời hạn này là chậm nhất đến ngày 31/12/2019. Xung quanh việc triển khai quyết định này, BNEWS có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Phóng viên: Bà có thể thông tin hiện nay đã có bao nhiêu trạm thu phí triển khai việc thu phí tự động không dừng?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Theo Quyết định 07/2017/QĐ-TTg, các trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh phải triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) trước 31/12/2018. Đến nay, có 18/36 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đã đưa vào vận hành, 6/36 trạm đang vận hành thử nghiệm, 12/36 đang tiến hành các thủ tục để triển khai.

Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang đôn đốc các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà đầu tư BOT triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng nhằm đảm bảo tiến độ đề ra.

Phóng viên: Một thực tế là hiện nay nhiều người chưa biết đến quy trình dán thẻ E-tag (sử dụng cho thu phí tự động không dừng) và nhiều đơn vị đăng kiểm cho rằng số lượng phương tiện có nhu cầu dán thẻ E-tag rất hạn chế. Vậy đơn vị có biện pháp gì để người dân biết tham gia nhiều hơn?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Trong thời gian tới, để đẩy mạnh dán thẻ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ triển khai một số giải pháp như tăng cường tuyên truyền về hệ thống ETC, lợi ích của hệ thống thu phí tự động không dừng đến các chủ phương tiện.

Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng qua các phóng sự, tin, bài trên các kênh truyền hình, báo chí trung ương, 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đài, báo địa phương…

Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức 2 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến tại 2 khu vực với thành phần tham gia là Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Sở Giao thông Vận tải địa phương, các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, các Hiệp hội vận tải, doanh nghiệp vận tải…

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bổ Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền lồng ghép tại các hội nghị về an toàn giao thông của Tổng cục; Đề nghị cơ quan các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ thu giá đường bộ vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động sở hữu phương tiện là ô tô dán thẻ đầu cuối theo lộ trình (theo hình thức dán thẻ tại trụ sở các cơ quan, đơn vị). Cùng đó, tổng cục phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ thu giá sử dụng đường bộ tuyên truyền trực tiếp tại các trung tâm đăng kiểm, trạm thu phí, bến xe, trạm dừng nghỉ…;

Song song với đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ mở rộng các hình thức nạp tiền vào tài khoản như nạp tiền qua điện thoại, qua ví điện tử, qua thẻ tín dụng, … để tạo sự tiện lợi cho người sử dụng; Đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ…

Phóng viên: Theo đánh giá việc áp dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng sẽ giúp tránh được tiêu cực, giảm kinh phí... Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn lo ngại quy trình thu phí này dễ bị can thiệp, vô hiệu… hoặc thẻ E-tag có thể bị làm giả. Vậy Tổng cục Đường bộ Việt Nam có đánh giá gì về quy trình hoạt động của hệ thống đang triển khai?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Hệ thống thu phí tự động không dừng được vận hành tự động hoàn toàn. Khi có xe qua trạm, giao dịch sẽ được tự động gửi về hệ thống back-end và thông tin giao dịch được gửi tới lái xe thông qua tin nhắn hoặc lái xe có thể truy cập vào cổng thông tin dành cho người sử dụng để tra soát lại lịch sử giao dịch của mình. Đồng thời, Nhà đầu tư BOT cũng có thể truy cập vào cổng thông tin dành cho Nhà đầu tư để kiểm soát trực tuyến các giao dịch qua trạm thu giá của nhà đầu tư.

Đặc biệt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam với tư cách là cơ quan giúp Bộ Giao thông Vận tải quản lý về mặt nhà nước có thể truy cập vào cổng thông tin dành cho cơ quan quản lý nhà nước để kiểm soát trực tuyến toàn bộ các giao dịch trên toàn bộ các trạm.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang triển khai xây dựng hệ thống quản lý, giám sát khai thác dữ liệu thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Thông qua các hệ thống này, việc thu phí sẽ được minh bạch.

Về thẻ E-tag được mã hóa theo cấu trúc GIAI khuôn dạng GIAI-96 tiêu chuẩn dữ liệu Tag Data Standard do tổ chức mã số mã vạch quốc tế GS1 ban hành. Do đó khó có thể bị làm giả.

Ngoài ra, mã thẻ sẽ do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học Công nghệ cấp sau khi có sự thống nhất với Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Việc sử dụng mã thẻ theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ tăng cường được tính bảo mật và chống làm giả thẻ.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục