Làm gì để thông quan hàng hóa đang ùn tắc diện rộng tại cửa khẩu?
Bằng mọi cách phải đảm bảo thông quan hàng hóa nông sản nhằm thực hiện các Thỏa thuận cấp cao giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc; đáp ứng quyền lợi ích hai bên và tránh bức xúc trong nhân dân, nhất là trong giai đoạn cận kề Tết Nguyên đán.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc do Bộ Công Thương chủ trì ngày 18/1 theo hình thức trực tuyến.
Cải thiện tiến độ thông quan
Theo ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu tháng 12/2021, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.
Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại tất cả các cửa khẩu, bao gồm cả cảng biển và các cửa khẩu biên giới đất liền, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ thông quan hàng hóa.
Cùng với việc nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào chính vụ thu hoạch đã gây ra tình trạng ùn tắc hàng hóa, phương tiện trên diện rộng tại 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Đáng chú ý, cao điểm ùn tắc xảy ra vào các ngày 24 và 25/12/2021, khi có tới gần 6.000 phương tiện chờ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Bên kia biên giới cũng tồn đọng hàng nghìn xe chờ làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam.
Ông Phan Văn Chinh cho biết thêm, mới đây tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã tiến hành đánh giá tình hình thực tế phòng, chống dịch đối với từng cửa khẩu để khôi phục dần hoạt động thông quan tại một số cửa khẩu; trong đó, có cụm cửa khẩu quan trọng đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam tại thành phố Móng Cái.
Ngoài ra, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cũng chính thức cho phép nhập khẩu trở lại trái cây tươi từ Việt Nam qua cửa khẩu Kim Thành; trong đó, có quả thanh long.
Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc, đến 8 giờ ngày 17/1, toàn tuyến biên giới phía Bắc đã có 12 cửa khẩu, lối mở hoạt động.
Tổng lượng xe còn tồn tại 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh là 2.643 xe, giảm hơn 3.000 xe so với thời điểm cuối tháng 12/2021.
Hàng hóa nhập khẩu cũng được giải tỏa đáng kể, đáp ứng nhu cầu vật tư, nguyên liệu cho sản xuất trong nước.
Ông Hoàng Xuân Ánh – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng chia sẻ, tại cửa khẩu Tà Lùng hiện còn tồn 80 xe xuất khẩu, chủ yếu là gỗ ván, tiêu, điều, không có hoa quả; xe nhập khẩu có 260 xe, hàng hóa chủ yếu là than cốc, máy móc thiết bị.
Phía Trung Quốc đã thông báo ngày 17 và 18/1 dừng xuất nhập khẩu để kiện toàn việc phòng, chống dịch. Từ ngày 19/1 tiếp tục thực hiện xuất nhập khẩu, nhưng đến ngày 21/1 sẽ dừng hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Tà Lùng.
Tại cửa khẩu Trà Lĩnh còn tồn một số xe thanh long; số xe chờ nhập khẩu chủ yếu là than cốc và máy móc nhưng số lượng không nhiều.
Hàng tôm cá đông lạnh đã quay đầu về thị trường nội địa. Riêng tại cửa khẩu Sóc Giang chỉ còn tồn 22 xe hạt điều.
Theo ông Hoàng Xuân Ánh, Cao Bằng đã bố trí lực lượng chức năng làm việc 24/24 giờ và liên tục trao đổi với phía Trung Quốc ở nhiều cấp. Đặc biệt, tỉnh cũng đã gửi thư cho Chủ tịch tỉnh Quảng Tây về vấn đề tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa.
Hiện nay, công tác phòng, chống dịch ở khu vực cửa khẩu Cao Bằng được triển khai tương đối tốt và tỉnh đã xây dựng mô hình cửa khẩu xanh, cửa khẩu an toàn, không COVID-19.
Ông Hồ Tiến Thiệu – Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay, tính đến 20 giờ ngày 17/1, tổng xe nông sản tồn tại các cửa khẩu trong tỉnh gồm: cửa khẩu Hữu Nghị 673 xe, cửa khẩu Tân Thanh 373 xe, cửa khẩu Chi Ma 77 xe. Đến ngày 18/1, riêng cửa khẩu Hữu Nghị thông quan; cửa khẩu Tân Thanh đã dừng thông quan; cửa khẩu Chi Ma cũng mới dừng thông quan cách đây 3 ngày khi phía Trung Quốc phát hiện một F0 làm công việc bốc xếp.
Ngày 17/1, cửa khẩu Hữu Nghị đã thông quan xuất khẩu được 103 xe và nhập khẩu hơn 300 xe. Để tháo gỡ khó khăn cho việc thông quan hàng hóa, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản đề nghị các địa phương vùng nông sản không đưa hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu để đảm bảo thông quan hết hàng hóa cũ. Tuy nhiên, ngày 17/1 vẫn có hơn 50 xe hoa quả, nông sản được đưa lên Lạng Sơn.
Hiện nay, tại Lạng Sơn, số hàng đưa lên và quay đầu về nội địa là tương đương nhau. Nếu mỗi ngày xuất khẩu được 100 xe và trong những ngày tới cửa khẩu Tân Thanh và Chi Ma mở cửa trở lại sẽ giải quyết được lượng hàng tồn. Phía bạn cũng đã thông báo 29 Tết sẽ nghỉ Tết Nguyên đán. Do đó, Lạng Sơn thường xuyên đàm phán với phía bạn để giải quyết việc thông quan.
Ông Nguyễn Tường Văn – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, tỉnh có 2 cửa khẩu là Móng Cái – Bắc Luân 2 là cửa khẩu chính ngạch; đường mòn lối mở km 3,4 chủ yếu là xuất nhập khẩu tiểu ngạch.Từ ngày 11/1 đến nay, các cửa khẩu của Quảng Ninh đã thông quan được 1.076 xe, trung bình 100 xe/ngày qua 2 cửa khẩu. Tuy nhiên, hàng ngày vẫn có xe lên cửa khẩu nên vẫn còn 1.367 xe đang chờ thông quan.
Hơn nữa, Trung Quốc đã thông báo làm xuyên Tết để thông quan hàng hóa, nhưng cán bộ tại cửa khẩu khi quay về quê sẽ bị cách ly từ 7 - 28 ngày nên tốc độ thông quan hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng người làm ở cửa khẩu.
Giải pháp trọng tâm
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, mặc dù liên tục khuyến cáo các địa phương vùng trồng nông sản tạm dừng đưa hàng lên cửa khẩu, nhưng thực tế các địa phương cũng không thể nắm bắt được mỗi ngày địa phương mình có bao nhiêu chuyến xe, mặt hàng bởi đây là hợp đồng của các doanh nghiệp, người dân, nhà vườn với nhau. Vì vậy, phải họp bàn để nắm tình hình cụ thể của các địa phương, qua đó giúp điều hành dễ hơn.
Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng Ban chỉ đạo.
Lãnh đạo các Bộ Y tế, Tài chính, Ngoại giao và Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai là thành viên Ban chỉ đạo.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc áp dụng các biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải quyết tình trạng ách tắc hàng hóa, nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Thường xuyên cập nhật tình hình và cung cấp thông tin cho các địa phương liên quan về tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc điều tiết vận chuyển hàng hóa lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 55/QĐ-BCT thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc nhằm tham mưu giúp Ban chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa.
Để thực hiện những nhiệm vụ này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo các đơn vị tiếp tục khắc phục khó khăn, nỗ lực thông quan hàng hóa qua cửa khẩu, cơ bản đảm bảo an toàn phòng dịch, tránh thiệt hại cho các bên.
Bên cạnh đó, các địa phương có cửa khẩu cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương thiết lập vùng an toàn dịch bệnh để tập kết hàng hoá, xử lý kỹ thuật, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho hàng hóa và người vận chuyển hàng hóa.
Đồng thời, tổ chức tốt việc phân luồng giao thông, tránh ách tắc; đảm bảo chỗ ăn nghỉ cho lái xe, chủ hàng và các dịch vụ cần thiết cho lưu trú, bảo quản tạm thời hàng hóa; tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông và thông quan qua cửa khẩu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các chủ hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ quy tắc, áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh trên người, phương tiện vận tải, nhất là trên bao bì sản phẩm; bảo đảm chất lượng hàng hóa như cam kết, tuân thủ quy định về bao bì đóng gói, bảo quản, giao nhận.
Mặt khác, các chủ hàng thường xuyên giữ mối liên hệ và khuyến cáo với chính quyền, cơ quan chức năng địa phương có hàng nông thủy sản xuất khẩu trong việc hợp tác chặt chẽ với Ban chỉ đạo để việc đưa hàng lên biên giới, tổ chức thông quan qua cửa khẩu thuận lợi. Về lâu dài, chỉ đạo sản xuất có quy hoạch, kế hoạch, tổ chức sản xuất theo tín hiệu thị trường./.
Tin liên quan
-
DN cần biết
Khoảng hơn 600 xe hàng nông sản vẫn đang tồn tại cửa khẩu Lào Cai
17:18' - 18/01/2022
Theo thống kê sơ bộ từ ngày 12-18/1, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 xe hàng được làm thủ tục xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai; trong đó, có khoảng 20 xe là hàng thanh long và mít.
-
Kinh tế Việt Nam
Xe nông sản, đông lạnh vẫn ra cửa khẩu Móng Cái bất chấp khuyến cáo
17:35' - 17/01/2022
Bất chấp khuyến cáo tạm dừng tiếp nhận xe nông sản, đông lạnh từ ngày 17/1, nhiều phương tiện vẫn ra cửa khẩu Móng Cái chờ xuất khẩu.
-
Kinh tế Việt Nam
Lào Cai tạm dừng nhận xe chở trái cây tươi qua Cửa khẩu Kim Thành
19:12' - 16/01/2022
Lào Cai vừa gửi thông báo về việc tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở trái cây tươi đến Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) – Bắc Sơn (Trung Quốc) để xuất khẩu.
-
Kinh tế Việt Nam
Quảng Ninh dừng tiếp nhận hoa quả, thủy sản đông lạnh qua cửa khẩu Móng Cái
07:56' - 16/01/2022
Từ 17/1 đến Tết Nguyên đán, tỉnh Quảng Ninh sẽ tạm dừng nhận phương tiện chở hoa quả tươi, thủy sản đông lạnh đến cửa khẩu, lối mở biên giới của thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để xuất khẩu.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng: Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam với các điều kiện vượt trội
20:37' - 22/05/2025
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam với môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng; hạ tầng hiện đại, thông suốt...
-
Kinh tế Việt Nam
Thông cáo đặc biệt về Lễ tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương
20:10' - 22/05/2025
Thông cáo đặc biệt về Lễ tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
-
Kinh tế Việt Nam
Phân cấp, phân quyền triệt để trong lĩnh vực xây dựng, giao thông
19:58' - 22/05/2025
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện dự thảo các nghị định, xác định rõ phạm vi phân cấp, phân quyền từ thẩm quyền.
-
Kinh tế Việt Nam
Công tác nội chính phải hướng mục tiêu giữ vững ổn định để phát triển đất nước
19:29' - 22/05/2025
Chiều 22/5, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì làm việc với Ban Nội chính Trung ương về kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay và phương hướng công tác thời gian tới.
-
Kinh tế Việt Nam
Gọng kìm dẹp buôn lậu, hàng giả: Định hình lại cuộc chơi trên thương mại điện tử
19:27' - 22/05/2025
Các đối tượng đã nhắm tới khoảng hơn 80% người dùng Internet mua sắm trực tuyến, lợi dụng những kẽ hở để tiêu thụ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại.
-
Kinh tế Việt Nam
Phiên họp thứ hai của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
19:15' - 22/05/2025
Theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến 16 giờ ngày 22/5/2025, đã có 10.760.937 người dân, với tổng 70.946.231 lượt, trong đó 70.913.737 ý kiến tán thành (bằng 99,95%), 32.494 không tán thành (0,05%).
-
Kinh tế Việt Nam
Công bố quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ tại Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
19:06' - 22/05/2025
Chiều 22/5, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ.
-
Kinh tế Việt Nam
5 chính sách đột phá trong dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi)
18:40' - 22/05/2025
Ngày 22/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về việc triển khai xây dựng dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) với 5 chính sách đột phá.
-
Kinh tế Việt Nam
Miễn học phí, bước tiến quan trọng đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục công bằng
18:21' - 22/05/2025
Các ý kiến đại biểu Quốc hội hoan nghênh chủ trương miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông.