Làm rõ việc chậm phân bổ vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Các Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/3/2022. Tuy nhiên, đến ngày 19/4/2022, Chính phủ mới có Tờ trình là quá chậm so với thời gian quy định. Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, sự chậm trễ này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt bố trí kế hoạch vốn sau gần 1,5 năm chưa được phân bổ cụ thể đến các bộ, ngành, địa phương gây lãng phí nguồn lực của quốc gia. Chính phủ cần báo cáo làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chậm triển khai các Nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội đã quyết nghị về mức bố trí vốn đầu tư phát triển để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 là 100.000 tỷ đồng. Tại Tờ trình này, Chính phủ đề nghị phân bổ 95.000 tỷ đồng, chưa phân bổ 5.000 tỷ đồng đối với một số nhiệm vụ, đề án, chương trình chuyên đề chưa được phê duyệt. Về nội dung này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ giải trình về việc phân bổ kế hoạch trung hạn 95.000 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã đủ thủ tục, cơ sở để triển khai tổ chức thực hiện theo quy định. Đối với số chưa phân bổ 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển (gồm 2.000 tỷ đồng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và 3.000 tỷ đồng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới), Chính phủ cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Về phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2022, ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, Chính phủ cần xây dựng phương án phân bổ toàn bộ số vốn 34.049 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đối với các nhiệm vụ, đề án cụ thể tại thời điểm hiện nay chưa hoàn thiện về cơ sở pháp lý, đề nghị bố trí nguồn lực trong các năm sau để thực hiện. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cơ bản thống nhất với nguyên tắc phân bổ vốn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022, đồng thời đề nghị, Chính phủ tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các nghị quyết của Quốc hội trong phân bổ vốn. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc lưu ý việc bảo đảm phân bổ vốn có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các địa bàn khó khăn, giải quyết những vấn đề bức xúc, vướng mắc; bố trí nguồn lực bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp, phân tán, dàn trải, lãng phí... Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, sau gần một năm rưỡi, nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ cụ thể đến các bộ, ngành, địa phương đã gây lãng phí nguồn lực. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của sự chậm trễ và trách nhiệm của các cơ quan để báo cáo Quốc hội. "Chậm ở đâu, bộ ngành nào, địa phương nào? Không nói chung chung mà phải có địa chỉ", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ. Đồng thời, Chính phủ cần có kế hoạch triển khai cụ thể, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ và bộ ngành, địa phương nào thực hiện yếu kém thì quy trách nhiệm, kiểm điểm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, tác động rộng lớn đến đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên đến nay, việc triển khai thực hiện rất chậm. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá, phân tích làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, chậm trễ ở đâu, do ai. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 quyết định lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2023 về việc tổ chức thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia này. "Giám sát để có đổi mới, cải tiến, không chỉ hậu kiểm mà giám sát ngay trong quá trình tổ chức triển khai, như giám sát về quy hoạch vừa qua thì mới có tác dụng trực tiếp, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Đề nghị các bộ, ngành, các cấp quán triệt ý thức trách nhiệm của mình đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, công việc giờ đã chậm thì phải làm nhanh, song "nhanh nhưng phải đúng" về mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn mà các Nghị quyết của Quốc hội đặt ra. Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương phân bổ vốn ngân sách trung ương cho giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện phương án phân bổ vốn. Việc phân bổ vốn phải tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải... Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan rà soát các nhiệm vụ dự án để xác định mức vốn phân bổ, hoàn chỉnh báo cáo và dự thảo Nghị quyết xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản. Trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét việc bổ sung kế hoạch ngân sách trung ương năm 2022 trong nước phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Khai mạc Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
10:21' - 11/05/2022
Sáng 11/5, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 11.
-
Kinh tế Việt Nam
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)
20:24' - 14/04/2022
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 10, chiều 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thêm một công ty Việt Nam mở rộng hợp tác lao động với Đức
21:08'
Dự án cam kết cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng cao cho học viên Việt Nam, đảm bảo hỗ trợ toàn diện từ thủ tục hành chính, nơi ở, đến việc làm sau tốt nghiệp.
-
Kinh tế Việt Nam
Hà Nam trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án khu công nghiệp hơn 2.600 tỷ đồng
20:46'
Dự án được triển khai tại xã Thanh Nguyên và xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được Nhà nước cho thuê đất.
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Không cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng giá trị nhỏ
19:08'
ại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng. Luật Thuế giá trị gia tăng gồm 4 chương, 17 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Thanh Oai (Hà Nội) phát triển đô thị xanh, sinh thái ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô
19:07'
Thanh Oai có vị trí chiến lược trong phát triển phía Tây Nam Hà Nội. Địa phương "cửa ngõ" của Thủ đô được định hướng sẽ trở thành quận xanh, sinh thái đến khoảng năm 2030.
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ động chiến lược quản trị nhân sự trong doanh nghiệp
18:46'
Với 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam hiện đang ở quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ, khu vực này hiện đang đóng góp khoảng 60%GDP của cả nước và tạo ra khoảng 30% việc làm cho toàn xã hội.
-
Kinh tế Việt Nam
Bảo đảm sự linh hoạt thực hiện dự án đầu tư xây dựng đô thị và nông thôn
18:11'
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 5 chương, 59 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam đã sử dụng 5,9 triệu liều vaccine dịch tả lợn châu Phi
16:19'
Nhiều tỉnh đã từng có dịch bệnh rất nghiêm trọng như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh… nhưng sau 1-2 tháng sử dụng vaccine, dịch bệnh đã được kiểm soát, khống chế tốt.
-
Kinh tế Việt Nam
Bố trí vùng nuôi cá lồng bè phù hợp với quy hoạch không gian biển
13:30'
Thời gian gần đây, nghề nuôi cá lồng bè đối mặt với không ít khó khăn, hiệu quả kinh tế giảm sút, cần những giải pháp đồng bộ nhằm giúp cho ngành nghề phát triển bền vững hơn.
-
Kinh tế Việt Nam
Thu hồi số tiền hơn 26.215 tỉ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế
13:06'
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26/11, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.