Lan tỏa văn hóa Dầu khí đến với cộng đồng và xã hội

20:31' - 27/08/2024
BNEWS Văn hóa Dầu khí với nhiều giá trị cốt lõi của những "người đi tìm lửa" đang được cán bộ và người lao động Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tiếp nối, lan tỏa và chia sẻ với cộng đồng.

Tuần lễ Văn hóa Dầu khí lần thứ XV được tổ chức vào dịp ngành Dầu khí kỷ niệm 65 năm thực hiện ý nguyện của Bác Hồ, hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (3/9/1975 - 3/9/2024) và 63 năm Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 - 27/11/2024).

Tuần lễ Văn hoá Dầu khí (Tuần lễ VHDK) là sự kiện văn hóa được tổ chức thường niên vào dịp kỷ niệm ngày Thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (03/9/1975), mang truyền thống đặc trưng, bản sắc riêng của Petrovietnam. Chuỗi hoạt động hưởng ứng Tuần lễ VHDK đem lại không khí văn hóa vui tươi, phấn khởi, gắn kết, nghĩa tình, thắp sáng ngọn lửa khát vọng của người lao động Dầu khí.

Cách đây 65 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra dự báo thiên tài “Việt Nam chúng ta có biển thì ắt có dầu” và đề nghị Azerbaijan và các nước Liên Xô sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi sẽ giúp đỡ Việt Nam “xây dựng những khu công nghiệp dầu khí mạnh”. Với câu nói này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dự báo về một ngành công nghiệp khai thác dầu khí mà Người còn nhìn thấy và định hình trước về một ngành Dầu khí phát triển một cách đồng bộ, hoàn chỉnh từ tìm kiếm, khai thác dầu khí đến chế biến, phân phối các sản phẩm dầu khí cũng như các công nghiệp dịch vụ phụ trợ.

Trong 65 năm qua, tập thể cán bộ, người lao động Dầu khí qua các thế hệ đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, xây dựng và phát triển ngành Dầu khí, Petrovietnam phát triển như ngày nay, thực hiện đúng như mong ước của Người lúc sinh thời. Và những mốc son, những chặng đường phát triển của ngành luôn gắn liền với bản sắc văn hóa Dầu khí.

Trong những năm qua, toàn hệ thống Petrovietnam từ Đảng tới các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực phối hợp, tổ chức nhiều hoạt động để đưa những giá trị văn hóa “nghĩa tình” của người Dầu khí thể hiện trên các công trình, các nhà máy, các dự án khó khăn trong đội ngũ người lao động theo tinh thần của Đảng, Nhà nước là “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, văn hóa của người Dầu khí đã được lan tỏa và chia sẻ với cộng đồng thông qua các hoạt động xã hội. Rất nhiều ngôi nhà tình nghĩa, nhiều cây cầu ước mơ, nhiều ngôi trường đã được Petrovietnam và các đơn vị thành viên hỗ trợ xây dựng tại các tỉnh/thành, các địa phương, các khu vực đồng bào còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện sinh hoạt. Đó vừa là thực hiện trách nhiệm xã hội nhưng cũng vừa đem giá trị cốt lõi trong văn hóa của người dầu khí đến với cộng đồng

Tại lễ khai mạc vào ngày 23/8 vừa qua, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thuỳ Lan đã kêu gọi tập thể người lao động Dầu khí đoàn kết một lòng, với tinh thần tư duy mới, khí thế mới, với mục tiêu, chiến lược hành động vì sự phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng hàng đầu đất nước và khu vực; không ngừng bồi đắp, xây dựng, phát triển Văn hóa Petrovietnam với các giá trị cốt lõi “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”.

Tại Lễ khai mạc Tuần lễ Văn hóa Dầu khí lần thứ XV, trước hàng nghìn cán bộ, đảng viên, người lao động Dầu khí theo dõi trực tiếp và trực tuyến sự kiện, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn khẳng định: “Các cán bộ, người lao động Dầu khí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng, truyền bá và lan tỏa văn hóa dầu khí trong và ngoài ngành, góp phần đưa vị thế và hình ảnh của Petrovietnam lan tỏa. Từ đó, góp phần xây dựng niềm tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của đối tác, của xã hội và của người lao động đối với ngành Dầu khí Việt Nam”.

Theo đồng chí Lê Mạnh Hùng, văn hóa là một trong ba năng lực cốt lõi của doanh nghiệp. Đối với mỗi người lao động, mỗi lãnh đạo, cán bộ quản lý cũng dứt khoát phải có 3 năng lực. Trong đó, năng lực “văn hóa” là gốc rễ, sau đó mới đến năng lực “quản trị” là thân, cành và năng lực “chuyên môn” là hoa, lá.

Trên cơ sở đánh giá, đúc rút kinh nghiệm, kế thừa truyền thống của lớp lớp các thế hệ “người đi tìm lửa”, Đảng ủy, Hội đồng Thành viên Tập đoàn đã thống nhất ban hành Đề án Tái tạo Văn hóa Petrovietnam. Theo đó, Petrovietnam sẽ sàng lọc, loại bỏ những yếu tố không phù hợp, những yếu tố “xấu độc” trong Văn hóa Petrovietnam. Đồng thời, tiếp thu, cập nhật và củng cố những văn hóa mới, những văn hóa tiên tiến để phục vụ cho mục tiêu tái tạo Văn hóa Petrovietnam. Và trong những năm qua, việc triển khai Đề án Tái tạo Văn hóa Petrovietnam đã góp phần rất quan trọng giúp cho Petrovietnam và người Dầu khí thêm sức chống chịu, tăng cường bản lĩnh vượt qua nhiều khó khăn.

Trong rất nhiều thời điểm khó khăn với ngành Dầu khí, với Tập đoàn thì một những động lực, một trong những giải pháp giúp Petrovietnam trụ vững và vượt qua khó khăn chính là việc triển khai thực hiện tốt Đề án Tái tạo Văn hóa Petrovietnam. Kết quả có thể thấy rõ khi Tập đoàn đã về đích sớm hai năm những chỉ tiêu nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, đặc biệt là về đích sớm những chỉ tiêu rất quan trọng như lợi nhuận hợp nhất, nộp ngân sách Nhà nước và doanh thu hợp nhất. Hơn thế nữa, các kết quả này của Tập đoàn đều có tăng trưởng cao so với giai đoạn 2015-2019, thời điểm mà Tập đoàn có nhiều lợi thế, thuận lợi hơn so với giai đoạn hiện nay. Cùng với đó, Petrovietnam cũng đã hoàn thiện, hoàn thành và khắc phục được rất nhiều tồn tại, khó khăn trước đây, đưa các công trình, dự án bị kéo dài nhiều năm đi vào hoạt động...

Theo đồng chí Lê Mạnh Hùng, Petrovietnam đã kiên trì xây dựng và đạt được thành quả trong nhiều điểm. Đó là, Tập đoàn đã thúc đẩy hoàn thiện cơ bản được thể chế cho sự phát triển của ngành như Luật Dầu khí năm 2022, tổ chức triển khai Kết luận số 76 của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết 41 và một số định hướng chiến lược để phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Đồng thời, Petrovietnam đã mở rộng được không gian phát triển của ngành Dầu khí. Và việc mở rộng không gian phát triển này phù hợp với khát vọng của người Dầu khí hiện nay khi hướng tới những mục tiêu phát triển và tăng trưởng. Petrovietnam đã mở rộng không gian cả về pháp lý, cả về không gian hoạt động.

Ngoài ra, Petrovietnam đã xây dựng và củng cố được nền tảng phát triển. Trước đây, nền tảng phát triển của Petrovietnam dựa trên các hoạt động cốt lõi, nhưng hiện nay Petrovietnam đã củng cố nền tảng sẵn có, từ đó phát triển đồng bộ và hiện đại hóa nền tảng phát triển của ngành Dầu khí. Một thành quả mới nữa đó là việc cấu trúc lại cấu trúc phát triển của ngành Dầu khí theo mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó, Petrovietnam đã củng cố được nguồn lực cho sự phát triển của ngành.

“Hiện nay, Petrovietnam là một trong những doanh nghiệp có dòng tiền mạnh nhất, có nguồn lực, tiềm lực tài chính mạnh nhất trong các doanh nghiệp Nhà nước, cũng như củng cố được nguồn nhân lực và văn hóa phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập. Thành quả này có sự đóng góp rất lớn của văn hóa Petrovietnam”, đồng chí Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm hạn chế mà toàn ngành Dầu khí, toàn Tập đoàn cần phải khắc phục. Đầu tiên là phải thấm sâu và lan tỏa văn hóa Petrovietnam đến các tầng lớp, kể cả tầng lớp lãnh đạo cho đến người lao động Dầu khí ở khắp các lĩnh vực, khắp vùng miền trong và ngoài nước. Tiếp nữa là chưa biến văn hóa thành động lực phát triển. Văn hóa Petrovietnam chưa được nâng tầm và cập nhật phù hợp với mục tiêu mới, tốc độ, quy mô và không gian phát triển mới của Tập đoàn.

Trong lời ca của bài hát “Tự hào Petrovietnam” có nhắc đến hình ảnh “con tàu dầu khí chở khát vọng đi muôn nơi”. Đó cũng chính là hình ảnh thể hiện cho việc đem văn hóa, đem khát vọng của người Dầu khí không chỉ là trong không gian phát triển cũ mà vươn ra biển lớn với không gian phát triển mới của Tập đoàn. Chính vì vậy, trong thời gian tới, một nhiệm vụ cần thiết phải tập trung triển khai đó là việc bổ sung và làm rõ nội hàm của mục đích cốt lõi và các giá trị cốt lõi “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình” hiện nay, cũng như cập nhật, nâng tầm phù hợp với không gian phát triển mới.

Để văn hóa Petrovietnam được lan tỏa, thấm sâu và nâng tầm thì cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và thấm sâu văn hóa Petrovietnam trong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, người lao động Dầu khí. Lãnh đạo Tập đoàn mong muốn có thể đưa văn hóa trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và có thể đo lường được thông qua những sản phẩm cụ thể. Cùng với đó, tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động toàn Tập đoàn sẽ có trách nhiệm, nhiệm vụ tiếp tục lan tỏa và thấm sâu văn hóa vào thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục lan tỏa Văn hoá Petrovietnam trong cộng đồng và xã hội, chung tay cùng với các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác để góp phần khắc phục những khó khăn, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội ổn định, vì sự phát triển hùng cường của đất nước.

Tuần lễ Văn hoá Dầu khí gồm chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, các hoạt động hỗ trợ, thăm hỏi người lao động, các hoạt động an sinh xã hội thắm nghĩa tình của người Dầu khí. Năm nay, các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Văn hóa Dầu khí trong toàn ngành gồm: các hoạt động tuyên truyền cao điểm, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề “Một đội ngũ, một mục tiêu” và Đề án tái tạo Văn hóa Petrovietnam; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà người lao động Dầu khí có hoàn cảnh khó khăn, tri ân các thế hệ cán bộ có đóng góp xây dựng ngành; tổ chức Hội thao ngành Dầu khí các khu vực; trao khen thưởng cho các Công đoàn trực thuộc CĐ DKVN đã có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Để nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền cũng như mang đến cho khán giả là người lao động Dầu khí những cách thể hiện mới, sinh động và hấp dẫn hơn, CĐ DKVN đã xây dựng Bản tin truyền hình CĐ DKVN, sẽ phát sóng số đầu tiên vào đúng ngày 3/9/2024, ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (3/9/1975 - 3/9/2024). Bản tin sẽ được phát sóng trên hệ thống truyền thông bao gồm website congdoandaukhi.vn, fanpage và kênh youtube CĐ DKVN, gồm các tin, bài tuyên truyền các chỉ đạo lớn liên quan đến tổ chức Công đoàn và cán bộ, đoàn viên người lao động Dầu khí của Đảng, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, CĐ DKVN; các tin/bài phản ánh về các hoạt động, sự kiện lớn của các cấp công đoàn, hoạt động nổi bật của các cấp CĐ DKVN. Trong số đầu tiên phát sóng, Bản tin CĐ DKVN sẽ mang đến cho người lao động những tin tức, hình ảnh về các chuỗi hoạt động, sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa Dầu khí lần thứ XV năm 2024 cùng nhiều hoạt động liên quan khác hướng đến những ngày kỷ niệm lớn của đất nước và ngành Dầu khí.

Trong khuôn khổ Lễ khai mạc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã cho ra mắt cuốn sách “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quản trị rủi ro”. Ấn phẩm do TS. Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam làm Chủ biên. Cuốn sách gồm 5 chương và 36 đề mục nhỏ bao hàm các kiến thức về quản trị rủi ro doanh nghiệp, những chính sách pháp luật của Nhà nước, cách để xây dựng một bộ khung quản trị rủi ro cho doanh nghiệp, lộ trình, giải pháp quản trị rủi ro cho các Tập đoàn lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ban biên tập mong muốn cuốn sách sẽ góp phần phổ biến một cách sâu rộng về nhận thức và hành động, hình thành văn hóa quản trị rủi ro, góp phần nâng cao công tác quản trị biến động của Tập đoàn.

Cũng tại Lễ khai mạc, Petrovietnam đã công bố và trao giải cuộc thi sáng tác clip “Tự hào Petrovietnam”.  Sau 1 tháng diễn ra, Ban Tổ chức đã nhận được 131 tác phẩm dự thi với những thước phim, hình ảnh đầy sáng tạo, mang tính nghệ thuật cao, phản ánh chân thực, sinh động nhiều mặt hoạt động, sinh hoạt của người lao động Dầu khí. Cuộc thi đã thực sự trở thành “sân chơi” bổ ích, thiết thực cho các “đạo diễn, nhà làm phim Dầu khí” thể hiện ý tưởng, sự sáng tạo, năng khiếu sáng tác trong thiết kế video, clip. Đồng thời, thông qua những video, clip dự thi đã tôn vinh những giá trị văn hóa, nét đẹp trong lao động, học tập, sản xuất, tinh thần trách nhiệm của CBCNV và người lao động Dầu khí, về những đóng góp của Petrovietnam với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Từ những tác phẩm dự thi, Căn cứ theo thể lệ và tiêu chí Cuộc thi, sau hai vòng chấm, Hội đồng Giám khảo đã lựa chọn ra 16 tác phẩm video xuất sắc nhất.  Giải Nhất của cuộc thi đã thuộc về tác phẩm "Bảo dưỡng tổng thể lần 5 NMLD Dung Quất - “Một đội ngũ - Một mục tiêu” của nhóm tác giả đến từ Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn. Ban Tổ chức cũng lựa chọn và trao giải 11 giải cho các tập thể có nhiều tác phẩm dự thi, 4 giải cho các tác phẩm đạt được nhiều bình chọn, tương tác theo tuần. Sự thành công của Cuộc thi lần này hứa hẹn sẽ thu hút nhiều đơn vị, nhiều tác giả phản ánh thêm nhiều những “góc nhìn” rõ ràng, sinh động hơn về ngành Dầu khí trong những Cuộc thi lần sau, tiếp tục truyền cảm hứng, động lực cho người lao động Dầu khí hăng say lao động, cống hiến, cũng như mang hình ảnh và giá trị Văn hóa Petrovietnam đến với cộng đồng và xã hội.

Trong không khí đầy nhiệt huyết, hào hứng, sôi nổi, thể hiện tinh thần “Người Dầu khí”, trong 2 ngày 24 – 25/8, Hội thao ngành Dầu khí khu vực phía Bắc năm 2024 đã diễn ra tại Nhà thi đấu Cầu Giấy (Hà Nội), với 6 môn thi đấu: kéo co, cầu lông, bóng bàn, tennis, bơi lội, nhảy bao bố cùng các trận giao hữu bóng đá.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục