Lãnh đạo Chính phủ làm việc với Tòa án nhân dân tối cao

19:11' - 18/04/2018
BNEWS Thủ tướng cho rằng, ngành Tòa án tổ chức tốt việc hòa giải trong các vụ án dân sự, đối thoại trong các vụ án hành chính.

Chiều 18/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc giữa lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành với lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 15/NQLT/CP-TANDTC-VKSNDTC ngày 31/3/2010 về phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Thời gian qua, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao được triển khai thường xuyên, chặt chẽ trên nhiều mặt như: Xây dựng Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật; trao đổi, cung cấp thông tin; bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, kinh phí hoạt động; phối hợp trong việc giải quyết các vụ án hình sự; vụ việc dân sự và các việc khác theo quy định của pháp luật…

Tại buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao đời sống, thu nhập cho Thẩm phán, cán bộ Tòa án còn đang ở mức hạn chế.

Ngành Tòa án cũng đề nghị Thủ tướng, Chính phủ hỗ trợ xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, phòng xét xử của hệ thống Tòa án các cấp phù hợp với tính chất từng loại vụ án và quy định mới của pháp luật, nhất là các vụ án về hôn nhân gia đình. Bởi thực tế, mỗi năm, Tòa án nhân dân các cấp xét xử khoảng 499.000 vụ án, trong đó hơn 40% là các vụ việc, vụ án về hôn nhân gia đình, nhưng hiện đang gặp nhiều khó khăn về bố trí phòng xét xử phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Tòa án là trung tâm của cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị và trên thực tế, hoạt động của Tòa án các cấp đã có nhiều biến chuyển tích cực, nâng cao uy tín của ngành. Hoạt động xét xử có nhiều đổi mới quan trọng và đồng bộ, nâng cao tính minh bạch, công khai, công bằng và chỉ tuân theo pháp luật; đồng thời đảm bảo đúng người đúng tội, đúng pháp luật, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, răn đe, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi phạm tội.

Thủ tướng cho rằng, ngành Tòa án tổ chức tốt việc hòa giải trong các vụ án dân sự, đối thoại trong các vụ án hành chính. Kết quả công tác của ngành Tòa án đã trực tiếp đóng góp quan trọng vào những thành tích chung của đất nước, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng đánh giá cao kết quả phối hợp giữa ngành Tòa án và Chính phủ, được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả, nhất là trong thi hành án dân sự; xây dựng, hướng dẫn áp dụng pháp luật; phòng ngừa tội phạm và phối hợp xử lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài.

Thủ tướng khẳng định, từ trước đến nay, Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tư pháp nói chung nhằm triển khai tốt Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nhất là tăng cường hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất ngành Tòa án. Tuy nhiên, vẫn còn 35 đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện chưa có trụ sở, phải đi thuê địa điểm để làm việc; việc ứng dụng công nghệ thông tin còn nhiều khó khăn, hạn chế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Về những phương hướng cụ thể để đẩy mạnh hợp tác giữa Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị hai cơ quan thực hiện quy chế phối hợp mang tính thường xuyên, chặt chẽ hơn; phối hợp làm tốt nhiệm vụ đào tạo các chức danh tư pháp, cán bộ Tòa án bởi đây cũng là một chức năng quản lý Nhà nước.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở, trụ sở, nâng cấp trang thiết bị; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho ngành Tòa án để triển khai mô hình một cửa trong cải cách tư pháp.

Thủ tướng đề nghị hàng năm, Văn phòng Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao tổ chức họp kiểm điểm phối hợp công tác, xác định các nội dung phối hợp cụ thể, phù hợp trong từng năm, từng thời kỳ, đem lại hiệu quả thiết thực hơn đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của mỗi cơ quan./.

>>>Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục