Lao động Anh đối mặt với giai đoạn suy giảm tiền lương tồi tệ nhất trong hơn 200 năm

12:39' - 13/05/2018
BNEWS Theo người đứng đầu Liên hội Công đoàn Thương mại Anh (TUC), người lao động ở Anh đang phải trải qua một giai đoạn sụt giảm tiền lương tồi tệ nhất trong hai thế kỷ qua.

Ngày 12/5, người đứng đầu Liên hội Công đoàn Thương mại Anh (TUC) đã phát biểu tại một cuộc biểu tình lớn tổ chức tại công viên Hyde Park rằng những người lao động ở Anh đang phải trải qua một giai đoạn sụt giảm tiền lương tồi tệ nhất trong hai thế kỷ qua.

Hàng chục ngàn công nhân từ khắp nơi trên nước Anh đã cùng tụ họp tại công viên Hyde Park để tham gia cuộc tuần hành "New Deal for Working People" (tạm dịch là Thỏa thuận mới cho Người lao động). Những người tham gia cuộc tuần hành đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, bao gồm giáo viên, y tá, nhân viên văn phòng, nhân viên y tế, lái xe cứu thương, cũng như công chức.

Tại cuộc tuần hành, ông Frances O'Grady, Tổng thư ký của TUC, đã phát biểu với những người tham gia rằng nghiên cứu mới của TUC cho biết 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, tiền lương thực nhận của người lao động vẫn thấp hơn 32,5 USD mỗi tuần so với mức hồi năm 2008. Trong khi đó, tiền lương được dự báo sẽ chưa trở lại tương đương mức trước khủng hoảng cho đến năm 2025.

TUC đã so sánh mức lương hiện tại của người lao động với tất cả những cuộc khủng hoảng thu nhập chính trong vòng 200 năm qua. Ngay cả trong thời kỳ Đại suy thoái và giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, mức lương thực nhận của lao động Anh còn phục hồi nhanh hơn hiện tại khi chỉ mất lần lượt là 10 năm và 7 năm.

Bên cạnh đó theo ước tính của TUC, kết quả của việc tăng lương không theo kịp với chi phí sinh hoạt gia tăng là việc mỗi công nhân Anh trung bình sẽ mất khoảng 25.000 USD thu nhập thực tế tính đến năm 2025.

Số liệu mới nhất của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho thấy kinh tế nước này trong quý I/2018 tăng trưởng ở mức thấp nhất trong hơn 5 năm qua. Các nhà kinh tế cho rằng kinh tế Anh mất đà tăng trưởng trong quý đầu năm 2018 ngoài yếu tố thời tiết xấu còn phải kể tới tình trạng các hoạt động kinh tế tiếp tục tăng chậm.

Bên cạnh đó, mối lo ngại liên quan đến Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), được coi là “cơn gió ngược” mỗi lúc một mạnh vào thời điểm chưa có được một sự đảm bảo đầy đủ về một thỏa thuận cho giai đoạn chuyển tiếp cũng như một thỏa thuận cho giai đoạn hậu Brexit. Ngoài ra, lạm phát giảm xuống mức mục tiêu nhanh hơn dự báo và đà tăng lương vẫn ì ạch cũng tác động đến nền kinh tế của “xứ sở sương mù”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục