Lắp đặt 8 trạm quan trắc động đất tại Kon Tum

15:21' - 24/02/2023
BNEWS Việc hoàn thành 8 trạm quan trắc góp phần phục vụ công tác báo tin động đất kịp thời, thu thập đủ dữ liệu chi tiết về các trận động đất để nghiên cứu, đánh giá mức độ nguy hiểm.

Kể từ năm 2021 đến nay, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra hàng trăm trận động đất có độ lớn từ 2.4 đến 4.7. 

Trận động đất mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây (4.7 độ) xảy ra vào tháng 8/2022, trước đó 4 tháng cũng xảy ra trận động đất 4.5 độ. 

Mới đây, các đơn vị chủ đầu tư thủy điện đã hoàn thành lắp đặt 8 trạm quan trắc động đất trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Cụ thể, 6 trạm được Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh (chủ đầu tư dự án Thủy điện Thượng Kon Tum) phối hợp cùng Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) lắp đặt trên địa bàn huyện Kon Plông.

Hai trạm còn lại được Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh lắp đặt tại xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) và xã Sơn Hải (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi).

 

Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, trong suốt thời gian vừa qua, hoạt động động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy ra thường xuyên, nhưng chủ yếu có độ lớn dưới 4 (không gây rủi ro thiên tai).

Việc hoàn thành 8 trạm quan trắc góp phần phục vụ công tác báo tin động đất kịp thời, thu thập đủ dữ liệu chi tiết về các trận động đất để nghiên cứu, đánh giá mức độ nguy hiểm.

Đồng thời, các bên liên quan cần thực hiện ngay nhiệm vụ tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho nhà quản lý và người dân tại khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận.

Trước đó, ngày 19/4/2022, các chuyên gia thuộc Viện Vật lý Địa cầu đã khảo sát thực địa, đánh giá hoạt động động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và lân cận.

Theo đánh giá, các trận động đất tại khu vực vày với cường độ chấn động chưa đến mức độ nghiêm trọng. Các kết quả nghiên cứu trước đây về chế độ kiến tạo và hoạt động động đất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết để có thể đánh giá về nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của động đất đối với các công trình dân sinh và thủy điện; đồng thời, chưa có những nghiên cứu chi tiết về động đất kích thích trong khu vực.

Vì vậy, cần có nghiên cứu chi tiết để phục vụ xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp. Bên cạnh đó, cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị quản lý khai thác thủy điện trên địa bàn.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giao Viện Vật lý Địa cầu thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng, thiết kế các tài liệu và tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng tránh động đất cho cộng đồng”.

Tiến sỹ Bùi Thị Nhung, Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết: Việt Nam có tổng cộng 46 hệ thống đới đứt gãy sinh chấn chính trên lãnh thổ, thềm lục địa và Biển Đông.

Để giảm thiểu những thiệt hại do động đất gây ra, điều quan trọng đầu tiên là phải đảm bảo tính bền vững của các công trình xây dựng; đồng thời tuyên truyền tới người dân các biện pháp phòng tránh rủi ro và giải quyết hậu quả do động đất gây ra.

Nhằm cung cấp đến người dân những kỹ năng cần thiết trong phòng tránh rủi ro do động đất, Viện Vật lý Địa cầu đã biên soạn, tổng hợp và xuất bản cuốn sách “Những hiểu biết cơ bản đề an toàn với động đất tại Việt Nam”.

Cuốn sách hướng dẫn người dân những biện pháp cụ thể như: gia cố nhà cửa, lập kế hoạch phòng tránh thiên tai của mỗi gia đình đang sinh sống ở nơi dễ xảy ra động đất; những việc cần làm khi động đất xảy ra; xử lý sự cố, kiểm tra thiệt hại và cứu chữa người sau khi động đất xảy ra...

Theo đó, nếu động đất xảy ra khi người dân đang ở trong một tòa nhà, nhận thấy tòa nhà đang rung lắc và nhìn thấy các đồ vật rơi xuống hoặc kính đang vỡ thì cần bình tĩnh, tránh hoảng loạn và cố gắng chấn an những người khác. Không bao giờ được rời khỏi tòa nhà khi động đất đang tiếp diễn. Để bảo vệ bản thân, người dân cần áp dụng biện pháp quỳ gối xuống và dùng tay che đầu.

Nếu gần đó có một cái bàn hay đồ vật chắc chắn, hãy chui xuống bên dưới để trú ẩn và dùng một tay giữ chặt vào vật đang che chắn.

Nếu trong phòng không có bàn hoặc đồ vật để trú ẩn, ít nhất hãy tránh xa các cửa sổ có kính, tới góc tường và ở nguyên vị trí đó, cúi xuống nhiều nhất có thể để bảo vệ các bộ phận quan trọng của cơ thể như đầu, ngực; cố gắng giữ nguyên tư thế đó đến khi các rung động ngừng lại.

Trường hợp người dân gặp động đất khi đang đi ngoài đường, cần sẵn sàng giúp đỡ mọi người, không vào trong các tòa nhà và không chạy xung quanh chúng, hãy ở yên bên ngoài, di chuyển nhanh tránh các đường dây điện, tòa nhà cao tầng; cố gắng tìm chỗ an toàn như khu vực đất trống.

Đối với người khuyết tật, gặp động đất khi đang ngồi xe lăn, cần nhanh chóng tới chỗ trú ẩn gần nhất hoặc khu vực thoáng, rộng, sau đó khóa bánh xe lại, che đầu và cổ bằng tay hay bất cứ thứ gì khác sẵn có như: sách, chăn hoặc gối và nắm giữ thật chặt vật che chắn.

Nếu người dân bị mắc kẹt trong trận động đất và không thể ra khỏi đống đổ nát, cần giữ bình tĩnh, không nên di chuyển, bảo vệ mũi, miệng bằng áo hoặc khăn, không dùng bật lửa hoặc diêm để đốt sáng, không la hét khi khói bụi vẫn còn. Để những người cứu hộ có thể tìm thấy, việc hiệu quả nhất là dùng còi, khi không có còi, người dân cần cố gắng báo hiệu vị trí bị kẹt của mình bằng cách gõ hoặc đập mạnh vào các tấm hoặc ống kim loại gần đó.

Trong trường hợp cần giúp đỡ, người dân có thể liên lạc tới Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn hoặc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam... /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục