Lấy ý kiến quy định mới ngăn ngừa các tổ chức tín dụng che giấu nợ xấu

14:08' - 14/10/2021
BNEWS Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2015 quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quá trình thực hiện mua bán nợ theo Thông tư số 09/2015, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo có phát sinh một số khó khăn vướng mắc do Thông tư số 09/2015 chưa có hướng dẫn cụ thể để xử lý một số trường hợp phát sinh trong thực tế về định giá khoản nợ, xử lý chênh lệch tỷ giá, xử lý tài chính đối với trường hợp bên mua nợ là tổ chức tín dụng.

Cũng theo phản ánh của Ngân hàng Nhà nước, thời gian gần đây có hiện tượng tổ chức tín dụng thực hiện bán nợ cho bên mua nợ không phải là tổ chức tín dụng và được thanh toán chậm tiền mua nợ. Hoạt động này có thể dẫn đến việc phản ánh thiếu khách quan về tình trạng của các khoản nợ cấp tín dụng tại các tổ chức tín dụng. Do đó, cần phải sửa đổi Thông tư số 09/2015 để ngăn ngừa phát sinh hiện tượng các tổ chức tín dụng cho vay khách hàng chéo để che giấu nợ xấu.

Theo dự thảo sửa đổi, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ không được cấp tín dụng cho khách hàng để mua nợ của chính mình hoặc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác. Điều này nhằm bảo đảm việc mua nợ được minh bạch, ngăn ngừa khả năng tổ chức tín dụng có thể lợi dụng mua bán nợ để che giấu nợ xấu.

Dự thảo nêu rõ, khoản nợ chưa hoàn thành việc mua, bán nợ khi các bên đã ký hợp đồng mua bán nợ và đang trong thời gian thực hiện hợp đồng. Bên mua chưa hoàn thành việc thanh toán tiền theo hợp đồng và bên bán chưa thực hiện chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ. Khoản nợ vẫn thuộc sở hữu của bên bán nợ. Trạng thái sở hữu khoản nợ là cơ sở để xác định rõ quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu khoản nợ trong việc quản lý, theo dõi, chịu rủi ro trong quá trình các bên thực hiện mua, bán nợ.

Tuy nhiên, Thông tư số 09/2015 hiện chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Do vậy, theo Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng có thể lợi dụng việc mua bán nợ nhằm mục đích che giấu nợ xấu.

Theo dự thảo mới, các khoản nợ chưa hoàn thành việc mua bán vẫn thuộc sở hữu của bên bán nợ. Do vậy, bên bán vẫn phải quản lý phân loại nợ và trích lập dự phòng theo quy định. Số tiền bên mua đã trả (chưa đủ) được xem là số tiền trả trước. Dự thảo cũng chỉ rõ, trong trường hợp khoản nợ được bán cho nhiều bên thì việc quản lý khoản nợ cần được các bên thoả thuận với nhau về tỷ lệ tham gia, phương thức thực hiện, quyền và nghĩa vụ của các bên, phân chia tài sản bảo đảm.

Trong trường hợp bên bán nợ còn sở hữu một phần khoản nợ thì bên bán cần tiếp tục làm đầu mối thực hiện quản lý hồ sơ, tài liệu,.. của khoản nợ để đảm bảo không làm phát sinh thêm vấn đề có thể gây ra rủi ro đối với tổ chức tín dụng. Bên bán cũng có thể tiếp tục làm đầu mối nếu các bên mua nợ đề xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục