Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn, Hà Nội năm 2018 có gì mới?

17:43' - 30/01/2018
BNEWS Việc tổ chức lễ hội Gióng đền Sóc Sơn được đặc biệt coi trọng trong bối cảnh một số nghi lễ tại nhiều lễ hội đang bị thương mại hóa, xảy ra một số hành vi mang tính bạo lực.
Sẽ có nhiều thay đổi trong việc tổ chức Lễ hội Gióng 2018. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Ngày 30/1, Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội Gióng đền Sóc Sơn, Hà Nội nhằm đảm bảo lễ hội diễn ra văn minh, an toàn, đúng bản sắc truyền thống.

Việc tổ chức lễ hội Gióng đền Sóc Sơn được đặc biệt coi trọng trong bối cảnh một số nghi lễ tại nhiều lễ hội đang bị thương mại hóa, xảy ra một số hành vi mang tính bạo lực. Tại lễ hội Gióng đền Sóc Sơn cũng đang tồn tại tục cướp lộc, gây nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận.

Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết: Những năm trước, giò lộc hoa tre và trầu cau sau khi lễ Thánh ở đền Thượng được rước xuống đền Hạ (đối với giò hoa tre) và đền Mẫu (đối với giò trầu cau), do đó thường xảy ra tình trạng cướp lộc giữa đường đi, gây lộn xộn.

Những mùa lễ hội gần đây, huyện Sóc Sơn yêu cầu các thôn, làng rước lộc không mang theo gậy tre để bảo vệ lễ phẩm và cắt cử lực lượng Công an đi theo bảo vệ.

Nhận thấy lực lượng bảo vệ quá đông sẽ làm mất đi tính chất lễ hội của cộng đồng, do vậy, mùa lễ hội năm 2018, Ban tổ chức quyết định thay đổi hình thức cướp lộc. Theo đó, các nghi lễ không thay đổi mà chỉ thay đổi cách thức tất lộc (tán lộc) để hạn chế việc tranh giành, xô đẩy trong cướp lộc.

Vừa qua, Ban tổ chức lễ hội đã họp với đại diện thôn Vệ Linh (rước giò hoa tre) và thôn Đan Tảo (rước giò trầu cau) và nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân về chủ trương trên. Đại diện các ban chi ủy, đoàn thể, trưởng thôn đều khẳng định, nếu tiếp tục giữ tục cướp lộc như trước sẽ gây hình ảnh phản cảm, làm mất đi nét đẹp của lễ hội truyền thống.

Việc thay đổi hình thức tất lộc cũng nhằm để lễ hội diễn ra văn minh hơn song Ban tổ chức lễ hội cần có kịch bản cụ thể trong việc tổ chức tất lộc.

Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, theo truyền thống tục cướp lộc tại hội Gióng đền Sóc Sơn chỉ diễn ra ở phạm vi các thôn làng trong vùng nhưng nay nhiều du khách thập phương cũng tham gia cướp lộc; tục cướp lộc đang bị biến tướng. Vì vậy, việc thay đổi phương thức cướp lộc là cần thiết và cần trả lại nghi lễ truyền thống cho lễ hội.

Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, lễ hội Gióng đền Sóc Sơn lễ hội lớn, thu hút sự tham gia không chỉ của người dân Hà Nội. Vì vậy, việc tổ chức lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh mà còn phải đảm bảo an toàn.

Cục Văn hóa cơ sở ủng hộ chủ trương và việc thay đổi cách thức tất lộc tại lễ hội Gióng; đồng thời đề nghị để quản lý, tổ chức lễ hội tốt hơn cần có sự liên kết giữa Cục Văn hóa cơ sở, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và chính quyền huyện Sóc Sơn.

Hiện, Ban tổ chức lễ hội Gióng đền Sóc Sơn đã xây dựng phương án tất lộc tại lễ hội, dự kiến vào đầu tháng 2 sẽ tiến hành họp thống nhất phương án chính thức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục