Lịch sử sống động qua lời kể cựu chiến binh Kiên Giang

16:54' - 27/04/2025
BNEWS Cách đây 50 năm, vào những ngày tháng 4/1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đã giành được thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đó là thắng lợi vĩ đại của sự kết tinh truyền thống dân tộc và sức mạnh thời đại, là kết quả của quá trình đấu tranh cách mạng kiên cường, dũng cảm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Nửa thế kỷ đất nước hòa bình, nhưng tinh thần chiến đấu anh dũng, sự hy sinh của quân và dân trong những ngày tháng gian khổ, ác liệt luôn là niềm tự hào, ký ức không thể nào quên đối với các cán bộ lão thành cách mạng và các tầng lớp nhân dân.

 

Hào hùng ký ức về Căn cứ U Minh

Đại tá Bành Văn Đởm (95 tuổi đời, 57 năm tuổi đảng), Thương binh, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nguyên Giám thị Trại giam Kênh 7 (Bộ Công an) ngụ xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang là người con của gia đình giàu truyền thống cách mạng (mẹ là liệt sỹ, hai người anh hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp). Năm 1945, ông tham gia hoạt động cách mạng và sau này trở thành một chiến sỹ Công an nhân dân. Sau khi tham gia vào Đội thiếu niên Tiền phong xã Vân Khánh, huyện An Biên, ông trải qua nhiều nhiệm vụ, kể cả xây dựng cơ sở mật ngay trong lòng địch (thợ mộc xây dựng đồn địch); ông đã âm thầm vẽ sơ đồ căn cứ địch giúp cách mạng. Thời gian này, ông bị địch bắt nhưng nhờ khéo léo, ông đã được thả về.

Trong thời gian tham gia kháng chiến, ông được đào tạo các lớp về chính trị và quân sự. Năm 1968, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thời gian này, ông đảm nhiệm vai trò Phó trưởng Công an xã Vân Khánh, phụ trách trinh sát địa bàn nơi Chủ tịch nước Lê Đức Anh từng hoạt động cách mạng. Năm 1972-1973, ông được phân công giữ chức Phó Ban An ninh huyện An Biên, Thường trực chiến dịch giải phóng huyện An Biên ngày 30/4/1975.

Hồi tưởng về những ngày tháng rực lửa hào hùng, ông Đởm cho biết, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, U Minh Thượng là nơi bộ đội, cơ quan, các tổ chức cách mạng của các tỉnh miền Tây Nam Bộ chọn để xây dựng và phát triển lực lượng kháng chiến đánh giặc như: Quân khu 9, Xứ ủy, Trung ương cục miền Nam, Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, U Minh Thượng là căn cứ của Khu ủy, Quân khu 9, Tỉnh ủy Rạch Giá… nên Mỹ ngụy đã rắp tâm tìm mọi cách, bằng mọi thủ đoạn dã man, hòng phá tan thành trì cách mạng U Minh Thượng. Mưu đồ “nhổ cỏ U Minh” của địch là một hành động tàn khốc, ác liệt đến mức khó tưởng tượng nổi.

Dù trong hoàn cảnh khốc liệt, tại Căn cứ U Minh Thượng, nhân dân đã đùm bọc, nuôi dưỡng, bảo vệ, chở che cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoạt động cách mạng như: đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh…

“Do U Minh Thượng là khu căn cứ cách mạng nên quân địch tập trung lực lượng càn quét quân ta bằng nhiều phương tiện, vũ khí như máy bay B52 và có 7 lần đánh bom 7 tấn, kết hợp thả dù kéo bom để tăng sức tàn phá rộng mấy trăm mét vuông, đồng thời thả quân xuống các khu vực bắn phá bằng súng AK, lựu đạn, rải chất độc hóa học. Những trận đánh này khiến quân ta hy sinh không ít, nhưng lực lượng vẫn bám chiến hào, tuyệt đối trung thành, chấp hành theo sự chỉ huy của Quân khu, khôn khéo áp dụng các chiến thuật, kỹ thuật đánh địch cho đến ngày toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam”, ông Bành Văn Đởm nhấn mạnh.

Sau hòa bình, ông Bành Văn Đởm là Ủy viên Ban An ninh tỉnh Kiên Giang, trực tiếp chỉ đạo, đập tan nhiều mạng lưới gián điệp, hòng chống phá đất nước ta. Năm 1976, ông giữ chức vụ Trưởng trại giam kênh 7 thuộc Bộ Công an, đặt tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Hơn 30 năm trên cương vị này, ông đã cảm hóa nhiều cuộc đời “lầm đường lạc lối.” Có hàng nghìn phạm nhân trước đó phạm tội giết người, cướp của nhưng qua “lò luyện” của ông đã có nghề để mưu sinh như thợ mộc, thợ hồ, thợ lò gạch, hớt tóc… Với những thành tích đạt được, năm 2000, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Tiếp nối truyền thống cách mạng

Cựu chiến binh Lê Minh Chiến (74 tuổi) nguyên bộ đội trinh sát quân tình báo Tỉnh đội Kiên Giang, nguyên Bí thư Huyện ủy An Biên, tỉnh Kiên Giang chia sẻ, tham gia cách mạng từ năm 1969. Nhiệm vụ của ông là chuyển các đoàn quân từ Campuchia về vùng căn cứ U Minh; bảo vệ Tỉnh đội; nắm tình hình và bám địch, sẵn sàng chiến đấu. Ông Chiến cho biết, năm 1969, quân ta có chủ trương rút về căn cứ phòng thủ. Từ năm 1969-1972, địch đánh ác liệt ở khắp các nơi với nhiều chiến dịch như trực thăng vận, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh, dồn dân ra ấp chiến lược, các chi khu, đồn bốt để dễ dàng tấn công, uy hiếp quân đội. Chúng quyết tâm sẽ “nhổ cỏ U Minh”. Thời gian này, địch thả nhiều bom, rải chất độc hóa học, giết hại lực lượng cách mạng...

Cuối năm 1972, đầu năm 1973, quân ta đã đánh trả, gỡ hàng loạt đồn địch, mở rộng vùng giải phóng. Đến đầu năm 1975, quân ta đã cơ bản giải phóng các vùng nông thôn ở huyện An Biên, chỉ còn một số chi khu. Khi có chiến dịch chung “Tổng động viên”, “Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975” quân ta tập trung lực lượng bao vây các chi khu còn lại.

Năm 1974, quân ta với khí thế sôi sục, quyết tâm chiến đấu để giải phóng hoàn toàn miền Nam. “Đặc biệt, tôi nhớ không khí hàng nghìn quân, dân đắp đập Thứ 6 ngang Kênh Xẻo Rô để ngăn chặn tàu thuyền của địch và không khí quân ta đánh chìm hàng chục tàu địch. Gần tới ngày 30/4/1975, quân ta đã đánh chiếm các đồn bốt của địch, chỉ còn lại 2 chi khu và quân khu. Tỉnh tăng cường lực lượng xuống phối hợp với lực lượng địa phương, bao vây quân địch ở 2 chi khu còn lại, đợi đến sáng 30/4/1975, Dương Văn Minh đầu hàng, quân ta tiếp quản địa bàn, quân dân vui mừng toàn thắng đế quốc Mỹ”, ông Chiến kể.

Sau ngày 30/4/1975, ông Lê Minh Chiến được giao phụ trách Công ty Thương nghiệp huyện An Biên. Sau khi trải qua nhiều chức vụ, ông giữ chức Bí thư Huyện ủy An Biên cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2011. Sau đó ông thường đến các trường học, hoạt động của thanh niên chia sẻ về lịch sử hào hùng của quân và dân ta đến cán bộ, đoàn viên thanh niên, học sinh. Với tư cách là một người lính Bộ độ Cụ Hồ, ông Chiến luôn nhắc nhở các thế hệ trẻ phải quan tâm đến lịch sử nước nhà, nêu cao tinh thần yêu nước; tiếp nối truyền thống cách mạng của dân tộc, tích cực học tập, lao động, làm việc để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục