Liên kết nội dung báo chí - các "Big Tech" đang hưởng lợi miễn phí?

06:30' - 10/01/2024
BNEWS Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, những tranh cãi liên quan tới mối quan hệ giữa báo chí truyền thông và các nền tảng mạng xã hội đã trở nên khó "tháo gỡ".
Tờ The Globe and Mail (Canada) vừa đăng bài phân tích của nhà báo Andrew Coyne, với ý kiến cho rằng các hãng công nghệ khổng lồ (thường được gọi là Big Tech) đang được cho là “đánh cắp” nội dung của báo chí truyền thông, với sự tinh vi mà con người chưa thể điều chỉnh được, thông qua luật pháp.

Theo bài báo, truyền thông Canada nhiều năm qua đã cố gắng thuyết phục mọi người rằng "Big Tech" đã “đánh cắp” nội dung báo chí bằng cách gắn liên kết chúng trên các nền tảng mạng xã hội do các công ty công nghệ sở hữu.

Cách gắn liên kết nội dung báo chí được thực hiện như thế nào? Tác giả cho rằng nó không chỉ đơn thuần là việc quảng cáo nội dung với độc giả, mà còn dẫn dắt họ truy cập thông qua cú nhấp chuột. Điều đáng lưu ý là các liên kết này không phải thanh toán bất kỳ khoản phí nào mà đáng ra phải các tòa soạn phải nhận được. Giá trị của chúng có thể lên tới hàng trăm triệu đôla mỗi năm.

Hành động của các "Big Tech" có thể bị coi là hành vi trộm cắp, nhưng nó chưa bao giờ được giải thích một cách rõ ràng. Điều này giải thích cho việc vì sao việc kinh doanh của các tòa soạn ngày càng gặp khó khăn, vì phần lớn doanh thu quảng cáo, lẽ ra “chảy vào túi” các tòa soạn thì nay đã bị các nền tảng mạng xã hội “hút” mất.

Không những vậy, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), việc “đánh cắp” nội dung báo chí càng trở nên dễ dàng hơn. AI tạo sinh, nổi lên sau sự ra mắt của ứng dụng ChatGPT, được huấn luyện dựa trên hàng tỷ trang văn bản “lượm lặt” trên mạng Internet, mà phần lớn trong đó là các trang tin tức. Chính từ nguồn thông tin này, AI giờ đây thậm chí có thể tự sáng tạo ra nội dung bài báo.

Thật vậy, trong khi chúng ta còn đang trút giận lên Facebook (thuộc sở hữu của Meta) và Google, thì AI bắt đầu xuất hiện, trở thành mối đe dọa thực sự trong hiện tại và tương lai. Các nhà xuất bản từng háo hức vì có thể kiếm lời dựa trên AI, đặc biệt nhờ việc thay thế các chủ thể con người là các nhà báo, nhưng cuối cùng họ đã nhận thấy rằng AI cũng có thể thay thế cả vai trò của nhà xuất bản/tòa soạn. Vụ việc tờ The New York Times (Mỹ) đệ đơn kiện OpenAI (chủ sở hữu ứng dụng ChatGPT) vi phạm bản quyền trên quy mô lớn là ví dụ mới nhất minh họa cho vấn đề nêu trên.

Không chỉ có ChatGPT, chỉ một năm sau khi ứng dụng AI đột phá này được ra mắt, đã có hàng loạt các dịch vụ cạnh tranh, trong đó tất cả đều sử dụng các thuật toán mô hình ngôn ngữ lớn tương tự nhau. Tất cả đều dựa trên rất nhiều terabyte (đơn vị đo dung lượng) văn bản được thu thập mà không mất phí. Câu chuyện này không chỉ gây ra mối đe dọa cho các nhà xuất bản thông thường.

Ứng dụng tìm kiếm Google cũng nằm trong số những bên có khả năng tạo cạnh tranh không lành mạnh cho các tòa soạn. Nếu ai đó cần một trang chứa đầy các liên kết, chỉ cần yêu cầu chatbot (phần mềm tự động) cô đọng lại trong một bài viết đơn giản. Tập đoàn Alphabet (chủ sở hữu của Google) đang đặt mục tiêu trở thành một trong những đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ này.  

Nhưng việc chatbot đọc và hấp thụ hàng loạt câu chuyện trên báo chí hoặc sách vở và sau đó tạo ra nội dung gốc của riêng nó có phải giống như những gì mà con người từng gọi là nghiên cứu hay không? Loại hình này con người cũng từng thực hiện, nhưng nó có được gọi là vi phạm bản quyền không? Tại sao quá trình chắt lọc những hiểu biết sâu sắc của người khác và diễn đạt lại theo cách riêng của ChatGPT lại khác với quá trình của một sinh viên đại học thông thường? Và quan trọng hơn là tại sao nó phải được đối xử theo cách khác?

Thứ nhất là vì ChatGPT không phải là con người. Chúng ta thừa nhận quyền hợp pháp đối với các cá nhân mà theo chuẩn chung gọi là học thuyết "sử dụng hợp lý", trong đó được trích dẫn những đoạn ngắn từ một tác phẩm hoặc trong một số trường hợp nhất định để chia sẻ với người khác mà không phải trả tiền. Quyền tương tự như vậy có thể mở rộng đối với một thuật toán hay không vẫn còn là câu hỏi mở.

Thứ hai là quy mô khác nhau, có thể nói sự khác nhau lớn đến mức phải xếp nó vào một phạm trù khác. Khi vượt qua một điểm nhất định, một sự khác biệt ở mức độ nào đó sẽ trở thành sự khác biệt về thể loại. Hãy đánh giá quá vụ việc phần mềm Napster. Những người bảo vệ dịch vụ chia sẻ tệp nhạc đã lập luận rằng việc tải các bài hát MP3 từ máy chủ không khác gì việc ghi âm một bài hát trong tuyển tập album của một bạn cùng phòng.

Tất nhiên, các hành vi vi phạm bản quyền lẻ tẻ của cá nhân hoặc của một vài người có thể sẽ được bỏ qua hoặc phớt lờ. Nhưng ở quy mô vận hành của Napster, thì đó là việc phá vỡ hoàn toàn các quy tắc và họ đã bị trả giá cho điều này. Điều tương tự cũng có thể áp dụng đối với văn bản. Mọi người có thể cho phép người ngồi bên cạnh trong quán cà phê hoặc thư viện mượn tờ báo hay sao chép một chương sách, điều đó không thành vấn đề. Nhưng trường hợp OpenAI nuốt chửng toàn bộ Internet thì lại là vấn đề.

Điều này xuất hiện rất nhiều trong thời đại truyền thông kỹ thuật số và Internet. Việc vi phạm bản quyền hầu như không được biết đến. Nhưng trong thời đại mà bất cứ ai cũng có thể phát hành tài liệu dưới bất kỳ định dạng nào một cách tức thì, với chi phí cận biên bằng 0, thì chúng ta buộc phải nhìn nhận bằng con mắt khác.

Như tờ The New York Times cáo buộc, thuật toán của ChatGPT không chỉ chắt lọc các bài báo mà nó hấp thụ, mà dường như còn ghi nhớ chúng. Khi đưa ra câu lệnh phù hợp, nó sẽ tự tạo ra những văn bản gần đúng nguyên văn. Những điều mà OpenAI hấp thụ từ văn bản và cung cấp lại dường như "không có tính biến đổi", một tiêu chuẩn quan trọng để có thể áp dụng học thuyết "sử dụng hợp lý". Các chuyển đổi từ báo chí dạng này sang báo chí dạng khác và gần như tương tự, chỉ khác có nội dung rộng hơn, với sự thay đổi về phong cách cũng như giọng điệu.

Do đó, tác giả kết luận rằng việc làm ra nội dung, một công việc sáng tạo, cần phải được trả tiền. Các nhà xuất bản/tòa soạn nên trả tiền cho tác giả và người đọc phải trả tiền cho nhà xuất bản. Điều này không loại trừ "Big Tech". Cần lưu ý rằng hiện nay, những “gã khổng lồ” công nghệ mới chỉ trả tiền cho nội dung họ thực sự sử dụng, chứ chưa trả tiền cho nội dung họ liên kết đến.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục