Liệu Australia đã bỏ lỡ cơ hội trở thành “cường quốc hydro xanh"?

20:55' - 12/09/2023
BNEWS Cuộc đua hydro xanh được cho là sẽ ngày càng thu hút nhiều quốc gia trên thế giới tham gia, trong đó Australia đang nỗ lực trở thành một “siêu cường năng lượng tái tạo” toàn cầu.

 

Australia đã đặt ra Chiến lược Hydro quốc gia 2019 trong nỗ lực đưa nước này trở thành một “siêu cường năng lượng tái tạo” toàn cầu. 5 năm đã trôi qua, chính phủ Australia vẫn thường xuyên nhắc đến tương lai hydro xanh, nhưng chưa có nhiều hành động được quan sát thấy và cách tiếp cận của nước này có nguy cơ lạc hậu.

Cuộc đua hydro xanh trên toàn cầu được cho là sẽ ngày càng thu hút nhiều quốc gia trên thế giới tham gia. Đến năm 2050, nhiên liệu hydro dự kiến chiếm tới 25% nguồn năng lượng chủ chốt của thế giới, trong đó phần lớn nhu cầu sẽ tập trung vào hydro xanh, một loại nhiên liệu không phát thải được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió hoặc Mặt Trời.

Vấn đề đáng chú ý là ba thị trường xuất khẩu than và khí đốt lớn nhất hiện nay của Australia, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều là những nước ủng hộ mạnh mẽ và có nhiều tham vọng nhất trong chuyển đổi năng lượng hydro. Nhật Bản và Hàn Quốc đã cam kết trở thành “xã hội hydro” vào năm 2050 và đang từng bước trở thành hai trong số những nước tiêu thụ hydro lớn nhất thế giới, với mục tiêu 100% lượng hydro được tiêu thụ là hydro xanh.

 

Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh, đặc biệt là hydro, được coi là vấn đề an ninh quốc gia, cả về góc độ kinh tế lẫn địa chiến lược. Quy mô về nhu cầu hydro dự kiến ở hai nước này là rất đáng kinh ngạc. Theo ước tính của chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản, nhu cầu hydro của hai nước sẽ vượt 25 triệu tấn, vào khoảng từ năm 2040 đến 2050, tương đương với khoảng 1.000 GW năng lượng tái tạo mới hoặc khoảng 12,5% toàn bộ công suất phát điện trên thế giới hiện nay, bao gồm cả các hệ thống phát điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Nếu Australia không thể đáp ứng nhu cầu, các nước này sẽ tìm kiếm đối tác khác. Điều đó sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế Australia, vốn nổi tiếng là nguồn cung năng lượng cho thế giới. Vì vậy, Australia cần phải kịp thời hành động có định hướng, nhằm tận dụng tiềm năng năng lượng xanh sẵn có.

Ban đầu, Australia nổi lên như một trong những nước tiên phong trong ngành công nghiệp hydro xanh tương lai. Đây là nước thứ ba trên thế giới, sau Nhật Bản và Hàn Quốc, tiên phong đưa ra chiến lược hydro quốc gia. Tiếp đó, Australia đã nhanh chóng xây dựng một loạt các dự án vận chuyển hydro tiềm năng trong nước và các dự án định hướng xuất khẩu, với dự kiến vốn đầu tư khoảng 300 tỷ USD, số vốn lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề đáng chú ý hiện nay là hầu hết các dự án được đề xuất đều không thể vượt qua giai đoạn lập kế hoạch, chưa nói đến giai đoạn quyết định đầu tư cuối cùng. Hơn nữa, có rất ít dự án được cho là có khả năng đáp ứng một cách nghiêm túc nhu cầu rất lớn của các quốc gia Đông Á. Ngoài ra, kể từ năm 2019, ít nhất có 30 quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Đức và Canada, đã công bố các chiến lược hydro đầy tham vọng với mức đầu tư vượt xa Australia.

Kết quả là Australia dần đánh mất vị trí dẫn đầu và có nguy cơ bị tụt hậu rõ rệt trong cuộc đua hydro xanh. So với các nước OECD khác dựa trên tiến độ triển khai các dự án trên thực tế Australia đang cho thấy sự tụt hậu rõ rệt.

Australia có gì khác biệt? 

Theo đánh giá của giới quan sát, Australia chủ yếu xem quá trình chuyển đổi hydro là thách thức về chính sách năng lượng và khí hậu. Cách tiếp cận đó phần lớn đã bỏ qua những thách thức khác như địa kinh tế và địa chiến lược quan trọng vốn tồn tại trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Đây là điểm khác biệt giữa việc hoạch định chính sách hydro xanh của Australia so với các nước Đông Á. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc (và ngày càng phổ biến ở Mỹ), việc hoạch định chính sách về hydro quan trọng nhất trong chính sách quản lý năng lượng xanh mới.

 

Cách thức quản lý năng lượng xanh gồm các sáng kiến mang tính đột phá của chính phủ trong việc xây dựng, phát triển và chiếm lĩnh các thị trường công nghệ cao vốn cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh và giúp cạnh tranh với các cường quốc lớn khác, có thể là trên phương diện kinh tế, địa chiến lược hoặc cả hai.

Chính sách quản lý năng lượng xanh khác với chính sách năng lượng cũ, hay thậm chí khác với “chính sách công nghiệp”,  vì trọng tâm của chính sách này là xây dựng các ngành công nghiệp mới để đảm bảo nền kinh tế của một nước có thể ghi dấu ấn trên thị trường toàn cầu siêu cạnh tranh, đồng thời giúp củng cố an ninh quốc gia.

Với xu thế an ninh quốc gia đang diễn ra hiện nay, chính phủ các nước thực hiện quản lý năng lượng xanh không ngần ngại công bố tầm nhìn “táo bạo” cho các ngành công nghiệp mới như hydro xanh, thép xanh và năng lượng sinh học, trong đó đặt ra các mục tiêu rõ ràng trong sản xuất và xuất khẩu, đồng thời huy động tất cả các công cụ chính sách và các biện pháp ưu đãi tài chính sẵn có để đảm bảo đạt được các mục tiêu này.

Ngược lại, Chiến lược Hydro quốc gia của Australia, do chính phủ liên đảng trước đây ban hành, được cho là phản ánh những mâu thuẫn về chính trị trong nước hơn là những lo ngại về an ninh kinh tế và địa chiến lược quốc gia. Điều này được thể hiện rõ qua lời kêu gọi có phần “lạc hậu” về hydro sạch, cho rằng ngành công nghiệp hóa thạch đóng vai trò chính trong cuộc chơi hydro mới.

Đồng thời, chiến lược trên của Australia không đề cập đến bất kỳ mục tiêu sản xuất, nhu cầu tiêu thụ hoặc xuất khẩu rõ ràng nào. Câu chuyện về sự thành công của cách mạng công nghiệp hóa ở Đông Bắc Á đã chứng minh rằng những mục tiêu từ lâu đã trở thành nền tảng cho việc hoạch định chính sách kinh tế - kỹ thuật hiệu quả ở khu vực này. Một chiến lược không có mục tiêu sẽ khó có thể giúp ngành công nghiệp trong nước hướng tới hoặc đưa ra các tiêu chuẩn để định nghĩa sự thành công. Một chiến lược không đi kèm với mục tiêu cũng không thể giúp trấn an các đối tác nước ngoài quan tâm đến an ninh năng lượng rằng Australia hiểu rõ nhu cầu của họ và thực sự có ý định đáp ứng những nhu cầu đó.

Sau chiến lược quốc gia năm 2019, chiến lược của chính quyền các tiểu bang của Australia cũng thiếu các mục tiêu đầy tham vọng này. Bên cạnh đó, việc thiếu sự phối hợp tổng thể giữa chiến lược của các tiểu bang có nguy cơ dẫn đến các dự án chồng chéo và việc các nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng trên toàn cầu không biết rõ nên hợp tác với các đối tác nào.

Hơn nữa, một số bang có tiềm năng nhất của Australia lại có ít tham vọng nhất về kế hoạch hydro, đặc biệt là bang New South Wales - nơi dường như chủ yếu tập trung cho việc hỗ trợ các dự án tương đối nhỏ và định hướng cho thị trường trong nước. Cách tiếp cận này khó có thể giúp củng cố niềm tin từ những khách hàng tiềm năng có nhu cầu rất lớn về năng lượng, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Với nhu cầu đặc biệt lớn trong tương lai, chìa khóa thành công cho các quốc gia này là “sản xuất ở quy mô lớn” và “ưu thế về kinh tế mà quy mô nền kinh tế hydro xanh mang lại”.

Tuy nhiên, Australia hiện không đưa ra kế hoạch hoặc ít nhất là tín hiệu đáng tin cậy nào cho thấy nước này có thể cung cấp hydro xanh ở một quy mô và tiến độ cần thiết, đặc biệt là đầu tư vào vận chuyển và sản xuất không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn cả nhu cầu nước ngoài.

Thay đổi tư duy để đạt thành công

Để đảm bảo thực hiện được tham vọng, các dự án lớn ở Australia cần nguồn vốn lớn. Việc tài trợ cho các dự án lớn này không thể và không nhất thiết là trách nhiệm riêng của chính phủ liên bang và các tiểu bang. Một thực tế mà hầu hết các nhà hoạch định chính sách Australia dường như không lưu ý là chính phủ và các công ty của Hàn Quốc và Nhật Bản đang chờ cơ hội để đầu tư vào các dự án năng lượng quy mô lớn có thể mang lại an ninh kinh tế và địa chiến lược cho đất nước của họ.

Tuy nhiên, việc Australia quá chú trọng vào các dự án quy mô nhỏ được cho là khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản “bối rối”. Thực tế là các dự án tại bang New South Wales không dễ dàng đạt được các mục tiêu năng lượng tái tạo trong nước, điều khó có thể khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào tương lai của Australia với tư cách là quốc gia xuất khẩu năng lượng tái tạo đáng tin cậy.

Vì những bước đi thiếu sót này, Australia có thể đã đánh mất lợi thế mà trước đó nước này từng có được trong lĩnh vực xuất khẩu hydro xanh. Bản đánh giá của Chính phủ Công đảng về Chiến lược Hydro quốc gia năm 2019 đã được đệ trình vào tuần trước chắc chắn sẽ thừa nhận những điểm thiếu sót và kém hiệu quả của Australia.

Bản đánh giá có thể sẽ đưa ra rất nhiều khuyến nghị về chính sách, song điều cần thiết nhất là Australia phải thay đổi trong tư duy hoạch định chính sách và tái cơ cấu toàn diện thách thức năng lượng xanh bằng việc áp dụng một cơ chế quản lý năng lượng xanh mới. Các chuyên gia kỳ vọng điều này vẫn chưa quá muộn. Những kết quả thế đạt được sẽ mang lại bài học kinh nghiệm quý giá cho các ngành công nghiệp xanh mới nổi, đặc biệt là năng lượng sinh học, khi Australia vẫn là quốc gia sở hữu tiềm năng to lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục