Liệu nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đã thực sự đạt đỉnh? - Bài 1: Cơn khát "vàng đen"

05:30' - 26/01/2025
BNEWS OPEC có triển vọng lạc quan về nhu cầu dầu của Trung Quốc bất chấp lượng nhập khẩu giảm trong năm 2024. Cơ quan này dự báo mức tiêu thụ sẽ tăng thêm 2,5 triệu thùng/ngày, từ năm 2023 đến năm 2050.
Bài phân tích đăng trên tờ Australia Financial Review (AFR) dẫn đánh giá của các chuyên gia cho rằng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đang suy giảm và có thể đạt giới hạn trong thời gian tới. Ông Amin Nasser, người đứng đầu của Saudi Aramco - công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới - cho biết, công ty này luôn có một khách hàng đặc biệt: Trung Quốc. Trong 10 năm lãnh đạo, ông Nasser đã chứng kiến giá trị xuất khẩu dầu của Saudi Arabia sang Trung Quốc tăng gấp ba lần, đạt mức kỷ lục 56 tỷ USD (90 tỷ AUD) vào năm 2022. Đây cũng là năm ghi nhận khoảng 16% sản lượng dầu của Saudi Arabia được vận chuyển đến các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc.

Dầu mỏ nước ngoài đã hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, khi nước này xây dựng ngành công nghiệp ô tô lớn nhất thế giới từ con số 0, mạng lưới đường sắt và hàng không mới, cùng hàng nghìn tòa nhà chọc trời. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vào năm 2022, 72% tổng nguồn cung dầu thô của Trung Quốc là nhập khẩu.

Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh năm 2024, ông Amin Nasser khẳng định việc nâng tầm mối quan hệ với Trung Quốc lên một ngưỡng cao mới sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đáp ứng hy vọng và ước mơ của người dân Trung Quốc.

 
Nhưng hiện nay có một số dấu hiệu cho thấy cơn khát dầu thô của cường quốc lớn thứ hai thế giới đang đạt đỉnh sớm hơn dự kiến. Đây sẽ là một diễn biến gây chấn động khắp thị trường dầu mỏ. Tuần trước, Trung Quốc cho biết lượng dầu nhập khẩu của nước này trong năm 2024 đã giảm gần 2% so với với năm 2023, tương đương 240.000 thùng/ngày, xuống chỉ còn hơn 11 triệu thùng/ngày. Đây là lần giảm đầu tiên trong hai thập kỷ nếu không tính sự gián đoạn trong đại dịch COVID-19.

Nền kinh tế đang chững lại của Trung Quốc là một phần nguyên nhân. Tình trạng khó khăn của thị trường bất động sản đã dẫn đến sự chậm lại trong lĩnh vực xây dựng, ảnh hưởng đến nhu cầu về dầu diesel để chạy máy móc hạng nặng, cũng như nhu cầu về hóa dầu được sử dụng trong sơn, ống và vật liệu cách nhiệt. Nhưng sự suy giảm cũng bắt nguồn từ xu hướng dài hạn. Có sự bùng nổ trong việc chuyển đổi xe tải từ dầu diesel sang khí thiên nhiên hóa lỏng và quan trọng nhất là số lượng xe điện ngày càng tăng đã góp phần làm giảm doanh số bán xăng và dầu diesel.

Theo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, doanh số bán cả hai loại nhiên liệu này đều đạt đỉnh vào năm 2023 và sẽ giảm từ 25% đến 40% trong thập kỷ tới. Vào tháng 12/2024, Sinopec, một công ty lọc dầu lớn nhất Trung Quốc, đã đưa ra dự báo mức tiêu thụ dầu thô sẽ đạt đỉnh vào năm 2027, rút ngắn so với dự báo trước đó là từ năm 2026 đến năm 2030.

Những tác động là rất lớn. Nếu nhu cầu của Trung Quốc đạt đến ngưỡng ổn định, điều đó sẽ đáp ứng được dự báo của IEA về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đạt đỉnh trước năm 2030. Dự báo này duy trì hy vọng rằng thế giới sẽ đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Cột mốc mới cũng sẽ làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu. Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã chiếm một nửa tổng mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của thế giới - khoảng 600.000 thùng/ngày.

Nếu tốc độ đó tiếp tục ổn định, số tiền 500 tỷ USD mà các công ty dầu mỏ chi hàng năm để tìm kiếm nguồn dầu khí mới có thể là quá cao. Nhà phân tích Martijn Rats tại ngân hàng Morgan Stanley cho biết, vẫn chưa có quyết định liệu nhu cầu có đủ để "hấp thụ" mức tăng mới về sản lượng dầu hay không. Câu trả lời có thể là không.

Trên thị trường, nỗi lo về nhu cầu dầu yếu của Trung Quốc trong năm 2024 đã giữ giá dầu thô trong phạm vi giao dịch hẹp nhất trong hơn hai thập kỷ, tính theo giá thực tế. Giá dầu thô Brent chuẩn kết thúc năm 2024 ở mức chỉ hơn 74 USD/thùng, giảm một vài USD so với đầu năm, bất chấp các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, xung đột đang diễn ra ở Ukraine, việc ngừng sản xuất dầu ở Libya và lượng dầu thô từ Trung Đông xuất khẩu sang châu Âu giảm hơn 20% do các cuộc tấn công vào tàu chở dầu ở Biển Đỏ.

Chuyên gia Rats cho biết nếu lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục chậm lại, điều này sẽ làm thay đổi cơ bản thị trường. Nếu tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong sáu tháng hoặc một năm, thì giá dầu sẽ giảm và nguồn cung sẽ chậm lại một chút. Nhưng nếu thực sự có rất ít nhu cầu dầu tăng trưởng, thì đó là một thị trường dầu khác trong tương lai so với trước đây.

Nhiều nhà sản xuất dầu mỏ không muốn gọi thời điểm này là bước ngoặt, họ lo ngại Trung Quốc đang mất dần vai trò là động lực tăng trưởng. Bà Meg O'Neill, Giám đốc điều hành của Woodside, công ty dầu khí lớn nhất của Australia cho rằng vẫn còn quá sớm để tuyên bố dầu mỏ của Trung Quốc đạt đỉnh. Bà Meg O'Neill chỉ ra thực tế là nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để đạt được mức độ giàu có bình quân đầu người của phương Tây. Trung Quốc vẫn mong muốn phát triển nền kinh tế và nâng cao mức sống và thường có mối tương quan trực tiếp với mức tiêu thụ năng lượng.

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có triển vọng lạc quan về Trung Quốc bất chấp lượng nhập khẩu giảm trong năm 2024, dự báo mức tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng, thêm 2,5 triệu thùng/ngày, từ năm 2023 đến năm 2050. Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác ở Trung Đông có xu hướng dựa vào dữ liệu của OPEC khi hoạch định chính sách. Saudi Aramco cũng đã bác bỏ ý tưởng rằng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Vào tháng 10/2024, phát biểu tại hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai ở Riyadh, ông Nasser nhấn mạnh nhìn chung vẫn có sự tăng trưởng ở Trung Quốc.

Ông Nasser khẳng định nhu cầu mạnh hơn và bền vững hơn so với dữ liệu nhập khẩu chính thức, đồng thời lưu ý rằng ngành công nghiệp năng lượng Mặt Trời và gió đang phát triển mạnh mẽ của đất nước vẫn cần một lượng lớn dầu. Theo ông Nasser, để có 5 megawatt điện gió, thì chúng ta sẽ cần 50 tấn nhựa. Để sản xuất mỗi chiếc xe điện, chúng ta cần 200-230 kg nhựa. Ngay cả trong các tấm pin Mặt Trời, 10 phần trăm đến từ sợi, v.v. Vì vậy, để quá trình chuyển đổi diễn ra cần nhiều dầu hơn.

Tiếp theo: Liệu nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đã thực sự đạt đỉnh? Bài cuối: Cái kết không bất ngờ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục