Lilama tham gia chuỗi cung cấp năng lượng xanh toàn cầu

16:55' - 25/12/2023
BNEWS Dự kiến, Lilama sẽ hoàn thành việc cung cấp các mô đun điện phân cho dự án Hydro xanh Neom vào quý III/2025; đồng thời sẽ cùng Tổng thầu Thyssenkruppnhau triển khai thêm nhiều dự án trong tương lai.

Ông Lê Văn Tuấn – Tổng giám đốc Tổng công ty Lăp máy Việt Nam (Lilama) cho biết, từ nay đến đầu năm 2025, trung bình mỗi tháng Lilama sẽ xuất khẩu 4 mô đun thiết bị điện phân sản xuất hydro xanh (mỗi modun là 100 container) sang Saudi Arabia (Ả-rập-Xê-út). Cuối năm 2023 và đầu 2024, doanh nghiệp sẽ tiếp tục ký hợp đồng sản xuất thêm hàng chục mô đun nữa. Điều này góp phần khẳng định vị thế của Lilama trong chuỗi cung cấp năng lượng xanh toàn cầu.

 

Năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Lilama đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh đặt ra. Đặc biệt, Lilama luôn đảm bảo mốc tiến độ tại các công trình lớn mà doanh nghiệp này tham gia, đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư như: Tổ hợp Lọc hóa dầu Long Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Sông Hậu 1, Nhơn Trạch 3 và 4…

Đáng chú ý, Lilama đã hoàn thành gói thầu gia công chế tạo và lắp đặt thiết bị cơ khí cho dự án Nhà máy phân bón A/U nằm tại Khu công nghiệp Sungai Liang Industrial Park – SPARK (thuộc Brunei) với Tổng thầu Thyssenkrupp Industrial Solution AG (tkIS) - Đức. Nhà máy phân bón A/U Brunei có diện tích nhà máy chính khoảng 23 ha và 3.3 km cầu tàu xuất sản phẩm với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD; công suất 2.200 tấn NH3/ngày và 3.900 tấn Urea/ngày.

Đây cũng là dự án đầu tiên của Lilama thi công ở nước ngoài với phạm vi công việc hoàn chỉnh gồm cung cấp vật tư, sắp xếp, cung ứng nhân lực và cung cấp máy móc thi công. Lilama đồng thời là nhà thầu đầu tiên của Việt Nam thực hiện dự án với phạm vi công việc như vậy ở nước ngoài.

Theo Tổng giám đốc Lê Văn Tuấn, để thực hiện dự án này, Lilama vận chuyển máy móc, thiết bị, nhân công, lán trại… cho 1.500 lao động sang thi công tại nước bạn. Ban đầu, Tổng công ty chỉ đặt mục tiêu “hòa vốn”, tạo được việc làm cho người lao động và lấy kinh nghiệm nhưng sau khi hoàn tất thì dự án cũng ghi nhận có lãi.

Đặc biệt, nhờ thành công này, Tổng thầu Thyssenkrupp Industrial Solution AG (tkIS) - Đức đã tín nhiệm và tiếp tục trao cho Lilama 1 gói thầu mới về chế tạo thiết bị xanh. Đầu tháng 12/2023, tại Nhà máy chế tạo và tổ hợp Mô đun Hydro xanh Lilama tại huyện Thủy Nguyên - thành phố Hải Phòng, doanh nghiệp này đã bàn giao chuyến hàng đầu tiên cho Dự án Hydro xanh Neom tại Saudi Arabia. Qua đó, khẳng định vị thế vững chắc của doanh nghiệp trong chuỗi cung cấp năng lượng xanh toàn cầu.

Lực lượng thi công của Lilama đã hoàn tất việc chế tạo, tổ hợp và nghiệm thu, đóng gói, xuất khẩu 4 mô đun điện phân đầu tiên (trên tổng số 110 mô đun theo hợp đồng đã ký). Dự án Hydro xanh lớn nhất thế giới có tổng mức đầu tư lên tới hơn 8 tỷ USD, sử dụng 100% nguồn năng lượng tái tạo từ điện gió và điện mặt trời để cung cấp tới 600 tấn hydro xanh mỗi ngày nhằm thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch và giảm mức phát thải CO2 toàn cầu.

Mỗi mô đun điện phân có chiều dài 55 m, rộng 5 m, cao 8 m, trọng lượng khoảng 200 tấn với hàng nghìn thiết bị được kết nối với nhau. Khi đưa vào vận hành sẽ tiêu thụ 20 MW điện năng lượng tái tạo để tạo ra trung bình hằng ngày khoảng 6 tấn hydro xanh. Nhiên liệu hydro xanh từ dự án Neom sẽ được cung cấp cho các phương tiện giao thông vận tải và các nhà máy công nghiệp nặng, góp phần giảm mức phát thải CO2 ở mức 5 triệu tấn mỗi năm.

Đây là dự án hợp tác thành công thứ hai giữa Lilama và doanh nghiệp phát triển công nghệ Hydro xanh hàng đầu thế giới Thyssenkrupp Nucera. Trước đó, hai bên đã hoàn thành việc thiết kế, mua sắm, chế tạo và tổ hợp 2 mô đun điện phân 20MW cho Nhà máy Hydro xanh tại bang Arizona của Mỹ.

Dự kiến, Lilama và Thyssenkrupp Nucera sẽ hoàn thành việc cung cấp các mô đun điện phân cho dự án Hydro xanh Neom vào quý III/2025; đồng thời sẽ cùng nhau tiếp tục triển khai các dự án hydro xanh tiếp theo cho các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông.

Lilama là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới tham gia vào chuỗi cung cấp dây chuyền sản xuất Hydro xanh toàn cầu, góp phần thực hiện các mục tiêu Net Zero phát thải. Đây cũng là một trong những bước đi thành công trong chiến lược chuyển đổi định hướng kinh doanh của Lilama theo xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, hướng đến các nguồn năng lượng xanh và bền vững, không phát thải CO2.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục