Linh hoạt bố trí thời vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2017- 2018

13:55' - 05/10/2017
BNEWS Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên linh hoạt bố trí thời vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2017- 2018.
Linh hoạt bố trí thời vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2017- 2018. Ảnh: Huỳnh Sử-TTXVN

Sáng 5/10, tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất cây trồng vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2017 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2017- 2018 các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: trong năm qua, mặc dù các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề của thời tiết nhưng sản xuất nông nghiệp trong vùng đã đạt được những thành tựu đáng biểu dương, nhất là về sản lượng lúa, hồ tiêu, cà phê…

Trong thời gian tới, để đảm bảo kế hoạch sản xuất, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các tỉnh trong vùng cần lưu ý vấn đề thời vụ kết hợp với đẩy mạnh sử dụng cấp giống xác nhận, giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng tốt và áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến cho cây lúa, nạo vét kênh mương, tu bổ các công trình thuỷ lợi để chống úng nước và quản lý chặt chẽ nguồn nước…

Đồng thời, các địa phương nên đẩy mạnh chuyển đổi những vùng đất lúa thiếu nước sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng cường sản xuất và tiết kiệm tưới.

Tuy nhiên, không chạy theo chỉ tiêu mà chuyển đổi phải thực sự mang lại hiệu quả. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thủy lợi… bám sát tình hình thời tiết, thủy văn, sâu bệnh để kịp thời có phương án đối phó, ổn định sản xuất.

Theo kế hoạch sản xuất, năm 2018, toàn vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên gieo trồng 752.000 ha lúa; trong đó vụ Đông Xuân 2017- 2018 là 300.000 ha.

Theo dự báo, tình hình thời tiết, thuỷ văn có khả năng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các tỉnh trong vùng, Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh lưu ý bố trí thời vụ sản xuất lúa phù hợp với thực tế. Đối với những vùng chủ động nguồn nước, tập trung canh tác đúng thời vụ, tăng cường thâm canh. Vùng có nguy cơ ngập lũ, cần có phương thức thoát nước và chờ rút nước mới xuống giống, thời vụ có thể trễ hơn.

Đối với cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày, các địa phương cần bám sát điều kiện đất, nước, tập quán canh tác và nhu cầu thị trường tiêu thụ để chọn giống và bố trí cây trồng cho phù hợp…

Các tỉnh cần tăng cường rà soát lại quy hoạch, đánh giá tình hình sản xuất, dự báo sâu hại đối với cây công nghiệp, cây ăn quả, trong đó tập trung khắc phục, phát triển vườn điều bị ảnh hưởng do bọ xít muỗi, bệnh thán thư; bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu…

Theo Cục Trồng trọt, sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2017 diễn ra trong điều kiện thời tiết mưa nhiều trên diện rộng nên thuận lợi cho việc gieo trồng lúa và cây ngắn ngày.

Đối với cây lúa, Cục Trồng trọt phối hợp với các địa phương đã tổ chức sản xuất sớm hơn, bố trí thời vụ phù hợp, linh hoạt cho từng tiểu vùng theo tình hình thực tế. Trong 3 vụ, diện tích lúa toàn vùng năm 2017 là hơn 776.000 ha, tăng gần 32.000 ha so với năm 2016. Năng suất trung bình đạt 58,3 tạ/ha, sản lượng đạt 4,5 triệu tấn, tăng hơn 360.000 tấn so với năm 2016.

Đối với cây hoa màu, do mưa nhiều và diễn ra cục bộ tại một số vùng nên một số cây màu chịu úng kém bị ảnh hưởng, giảm diện tích như: đậu tương, vừng, ngô… Diện tích cây công nghiệp và cây ăn trái tiếp tục phát triển ổn định. Tuy nhiên mưa nhiều cũng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây ăn trái và cây công nghiệp dài ngày như: hồ tiêu, cà phê, sầu riêng... ở các tỉnh Tây Nguyên.

Các mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đã mang lại năng suất và hiệu quả cao về tiết kiệm nước tưới, đa dạng hoá sản phẩm... Năm 2017, toàn vùng đã chuyển đổi hơn 19.600 ha cây trồng trên đất lúa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục