Lộ trình cấm xe máy đến năm 2030: Đề xuất miễn phí cho người dân đi xe buýt

14:47' - 04/07/2017
BNEWS Về lộ trình cấm xe máy đến năm 2030, Đại biểu Phạm Đình Đoàn mạnh dạn đề xuất thành phố miễn phí cho người dân đi xe buýt.

Với đa số đại biểu đồng ý, đề án quản lý phương tiện giao thông, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường đã được HĐND Tp. Hà Nội thông qua sáng 4/7. 

Lộ trình cấm xe máy đến năm 2030. Ảnh minh họa: TTXVN.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của đề án này, Phó Chủ tịch HĐND Tp. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đây là đề án mang tính lịch sử, đột phá của Hà Nội nên UBND TP cần hoàn thiện thêm các giải pháp để triển khai trong thực tế.

10 ý kiến tham gia góp ý cho Nghị quyết về quản lý phương tiện giao thông, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030 đều đồng tình với nội dung đề án đưa ra.

Bên cạnh đó, một số đề xuất liên quan đến các vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối vận tải hành khách công cộng, tuyên truyền vận động nâng cao ý thức của người tham gia giao thông…được đưa ra.

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình nhất trí với đề án song cho rằng, việc thực hiện lộ trình hạn chế xe máy tiến tới dừng hoạt động của xe máy trong nội đô từ năm 2030 cần xác định hạn chế xe máy gắn với phạm vi theo kết cấu hạ tầng giao thông hơn là theo địa giới hành chính.

Ngoài ra, quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện phải gắn với phát triển vận tải hành khách công cộng để thay thế phương tiện cá nhân khi đề án được thông qua. Hệ thống vận tải công cộng cần phù hợp và thuận lợi đối với người dân trong tiếp cận.

Đại biểu Nguyễn Thế Minh đề xuất, khi thực hiện đề án, thành phố nên bổ sung đề án khác tại sở, ngành hỗ trợ cho đề án như thay đổi giờ học, giờ làm… cần sự đồng bộ. Còn đại biểu Trần Thị Vân Hoa cho rằng, ngoài những giải pháp mang tính hành chính cần bổ sung thêm giải pháp nâng cao ý thức cho người dân; bổ sung giải pháp xử lý xe vi phạm không có người đến nhận…

Đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị, thành phố nên ưu tiên xây dựng thành phố thông minh. Cụ thể, áp dụng hình thức quản lý giao thông bằng hệ thống camera giao thông. Nên đưa vào đề án nội dung quy định về gia thông thủy nội địa, nếu triển khai được giao thông nội địa thì gánh nặng giao thông đường bộ sẽ được san sẻ. 

Đại biểu Trần Việt Anh đề nghị sớm được thông qua đề án, vì nếu chậm triển khai, thành phố sẽ trở thành một bãi xe di động.

Trong khi đó, Đại biểu Phạm Đình Đoàn đề xuất cần có giải pháp cứng và mềm. Trong đó giải pháp cứng là cấm hạn ngạch cho taxi, cấm xe máy đến 2030. Ông Đoàn cũng mạnh dạn đề xuất thành phố miễn phí cho người dân đi xe buýt và thực hiện giải pháp điều chỉnh giờ học giờ làm. 

Về lộ trình dừng lưu thông xe máy, đại biểu Hoàng Huy Được cho rằng, đề án này tác động không chỉ người dân thủ đô và những người đến thủ đô. Đại biểu Hoàng Huy Được nhấn mạnh, hiện trong thành phố rất nhiều nhà cao tầng mọc lên thu hút dân cư về sinh sống, làm việc gây áp lực cho giao thông. Trong khi đó, các giải pháp trong đề án chưa tính đến kết nối giữa quy hoạch đô thị và giao thông.

Ông Được cũng bày tỏ lo ngại về tốc độ đáp ứng của phương tiện công cộng, khi thực tế tuyến BRT gần 10 năm mới đi vào hoạt động nhưng hiệu quả thế nào vẫn đang là câu chuyện. Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông nhiều năm nay vẫn đang dở dang.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, tỷ lệ mạng lưới phương tiện công cộng trong đề án sẽ đáp ứng được 80% trong cự ly 500 -1.000 m, còn lại người dân sẽ đi xe đạp công cộng, kể cả kết nối bằng taxi.

Đề án đã được Hội đồng nhân dân thành phố biểu quyết thông qua với lộ trình 3 giai đoạn thực hiện. Theo đó, giai đoạn từ năm 2017 – 2018 sẽ thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường quản lý nhà nước với vận tải.

Từ năm 2017 - 2020 thực hiện các giải pháp về số lượng, chất lượng phương tiện và phát triển vận tải công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn lẻ với các tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng. Cấp hạn ngạch với xe taxi và các xe hoạt động tương tự taxi như Uber, Grab…

Chủ xe ô tô phải mở tài khoản để thực hiện thu phí tự động, nộp phạt, đấu giá quyền khia thác taxi thay thế hàng năm và taxi tăng thêm. Giai đoạn từ năm 2017 – 2030 sẽ từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục