Loay hoay giữ chuẩn nông thôn mới

15:32' - 18/10/2023
BNEWS Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hết năm 2022, Lai Châu có 39/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, qua rà soát các tiêu chí theo Quyết định Ban hành Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao của tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025, nhiều xã đã được công nhận đạt chuẩn nhưng bị rớt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới.

 

Xã Mường Than - một trong hai xã đầu tiên của huyện Than Uyên đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015. Thực tế cho thấy, nông thôn mới đã mang lại nhiều đổi thay từ diện mạo đến chất lượng cuộc sống của người dân. Cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm xây dựng khang trang, sạch đẹp; 100% đường trục xã được nhựa hóa, 100% tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn. Đời sống của bà con ngày càng ấm no; năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 39 triệu đồng.

Thế nhưng, sau nhiều năm nỗ lực duy trì, nâng cao các tiêu chí hiện nay xã Mường Than đang đứng trước nguy cơ mất chuẩn. Bởi qua rà soát lại theo quyết định của UBND tỉnh, xã chỉ có 11/19 tiêu chí đạt theo quy định, 8 tiêu chí còn lại (quy hoạch, cơ sở vật chất, nhà ở dân cư, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng an ninh, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn) chưa đạt. Điều này đặt ra bài toán khó cho xã làm thế nào để giữ chuẩn.

Lý giải về nguyên nhân xã Mường Than có nguy cơ “rớt” chuẩn, Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Bốn cho hay, hàng năm, xã đều xây dựng kế hoạch, đưa ra các giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Nhưng các chỉ tiêu, tiêu chí mới nâng cao hơn so với giai đoạn trước nên khó duy trì và thiếu nguồn lực phát triển.

Vì vậy, thực hiện phương châm “chậm nhưng chắc" ngay từ đầu năm xã đã rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch, xây dựng nông thôn mới phù hợp định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời, tập trung thực hiện các tiêu chí chưa đạt, một số tiêu chí đã đạt nhưng chưa bền vững như hộ nghèo, thu nhập, văn hóa. Nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, y tế thôn bản, nâng các chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Riêng với tiêu chí nhà ở dân cư, hiện Mường Than còn 44 nhà tạm. Về tiêu chí về cơ sở vật chất xã có kế hoạch đầu tư từng hạng mục đảm bảo hoàn thành các tiêu chí thành phần; tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi. Tổ chức tốt việc thu gom xử lý rác thải, nước sinh hoạt và chăn nuôi, quản lý và bảo vệ bền vững tài nguyên đất, nước.

Chẳng riêng Mường Than, xã Hua Nà, huyện Than Uyên cũng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016. Tuy nhiên, khi đối chiếu với các tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Hua Nà có 10 tiêu chí bị rớt chuẩn. Các tiêu chí bị rớt là những tiêu chí khó, ngoài nguồn vốn đầu tư rất cần sự chung sức đồng lòng của nhân dân trên địa bàn xã, như tiêu chí: nhà ở dân cư, tỷ lệ nghèo đa chiều, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường…

Nhìn chung, không chỉ xã Mường Than, Hua Nà, hầu hết xã đã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Lai Châu nói chung và Than Uyên nói riêng đều bị giảm chất lượng các tiêu chí. Việc các xã “rớt” chuẩn tiêu chí nông thôn mới một phần nguyên nhân là Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 có yêu cầu cao hơn; chất lượng xây dựng nông thôn mới chưa bền vững, còn tình trạng chạy theo thành tích để đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, cấp ủy chính quyền địa phương vẫn giữ tư tưởng chủ quan, lơ là, thỏa mãn với kết quả đạt được nên không chú trọng việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí dẫn đến khi áp dụng quy định mới, nhiều tiêu chí không đáp ứng được yêu cầu, điều kiện trong giai đoạn mới.

Theo rà soát của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Than Uyên, hiện cả 7 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2015 - 2020 đều bị “rớt” chuẩn một số tiêu chí; việc thực hiện theo bộ tiêu chí mới của tỉnh đang gây khó khăn, thách thức đối với huyện và nhiều xã đang phấn đấu đạt chuẩn. Toàn huyện mới chỉ đạt bình quân 8,36 tiêu chí/xã; trong đó, có 2 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 8 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí; riêng xã Khoen On đạt dưới 5 tiêu chí.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn và những bất cập trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhưng huyện Than Uyên vẫn đặt ra mục tiêu phấn đấu hết năm 2023 bình quân tiêu chí các xã trên địa bàn huyện đạt 18 tiêu chí, với 7 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020 duy trì đạt chuẩn và tiếp tục rà soát đầu tư để đảm bảo yêu cầu theo Bộ tiêu chí mới. Năm 2024, phấn đấu 4/4 xã còn lại (Tà Mung, Khoen On, Tà Hừa, Pha Mu) đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2025 xã Pha Mu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Bí thư Huyện ủy Than Uyên Lò Văn Hương cho biết, để khắc phục những khó khăn và đạt được các mục tiêu, huyện đã chỉ đạo rà soát tất cả các tiêu chí đối với những xã đã đạt chuẩn và những xã chưa đạt chuẩn. Sau đó, huyện chỉ đạo rà soát toàn bộ các nguồn; trong đó, một số nguồn hiện nay đang triển khai có thể tính toán lại để phân bổ ưu tiên cho việc thực hiện các tiêu chí. Huyện cũng đang rà soát và cố gắng cơ cấu các nguồn lực, nhất là các nguồn từ ngân sách nhà nước để đảm bảo triển khai thực hiện.

Được biết, bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Lai Châu gồm 19 tiêu chí, 57 tiêu chí thành phần, nhiều hơn 8 tiêu chí thành phần so với giai đoạn 2016 - 2020. Các tiêu chí được nâng cao hơn so với bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020 là thu nhập, nhà ở, hộ nghèo, giáo dục - đào tạo, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm…

Trong khi đó, một số chỉ tiêu thành phần lại không phù hợp với điều kiện thực tế với xã vùng cao như: chỉ tiêu về “tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử”; đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn hơn hoặc bằng 2 m2/người, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn hơn hoặc bằng 30%, tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định ≥30%; tiêu chí nghèo đa chiều dưới 13%...

Để thực hiện được những tiêu chí này, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Vì vậy, ngoài nỗ lực của các địa phương, cần sự quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn từ tỉnh Lai Châu và các bộ, ngành Trung ương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục