Lời giải nào cho bài toán ngập lụt Hà Nội?

09:55' - 11/08/2017
BNEWS Một trong những tâm điểm thời sự của cả nước vừa qua là trận lũ quét tại các tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Mưa lớn gây ngập sâu tại khu vực Minh Khai. Ảnh: Cương Quyết - TTXVN

Tuy nhiên, ngay cả những vùng đồng bằng vốn được ưu ái nhất về vị trí địa lý như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…, việc chung sống với ngập lụt là vấn đề thách thức với chính quyền và nhân dân đô thị. Hơn bao giờ hết, việc tìm giải pháp sống chung với lũ lại được các cấp có thẩm quyền ưu tiên bàn đến.

Mưa trên 100mm/2 giờ, Hà Nội “thất thủ”

Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đã gây ra lũ lụt ở các đô thị lớn. Nguyên nhân chủ yếu gây ngập lụt không phải là nước lũ mà do mưa to, cường độ lớn, tập trung trong thời gian ngắn tạo lượng nước mặt vượt quá khả năng chứa của các hồ điều hòa và tiêu thoát của hệ thống kênh, cống ngầm tiêu thoát nước đô thị.

Thành phố Hà Nội nằm ven sông Hồng, về mùa lũ mực nước sông Hồng thường ở trên báo động cấp II > 10,5m; cấp III 11,5m trong khi nền thành phố xây dựng phổ biến 6 - 7m. Chính vì vậy, Hà Nội được bảo vệ bằng hệ thống đê quốc gia chống được lũ với tần suất P = 1% cao trình mặt đê 14 - 14,5m.

Để tiêu úng cho Hà Nội, quy hoạch thoát nước đã đề ra các biện pháp: toàn bộ thành phố tiêu theo 4 con sông (Kim Ngưu, Lừ, Sét, Tô Lịch) và thoát vào sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt.

Khi mực nước sông Nhuệ dưới đập Thanh Liệt thấp < 4m hệ thống sẽ tiêu tự chảy; khi cao > 4m toàn bộ nước mưa được đưa về hồ Yên Sở và bơm qua đê sông Hồng. Diện tích hồ đầu mối Yên Sở 130 ha, công suất trạm bơm 90m3/s. Các trục tiêu lớn, hồ chứa đã được nạo vét, kè. Nhìn chung việc thoát nước cho Hà Nội được cải thiện đáng kể, tuy vậy khi mưa lớn > 150mm vẫn còn nhiều điểm bị ngập úng.

Theo Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội, hiện hai giai đoạn của Dự án thoát nước Hà Nội cơ bản đã hoàn thành, nhưng các hạng mục, công trình của dự án này cũng chỉ đáp ứng được những trận mưa dưới 100mm/2 giờ. Ngoài ra, dự án không điều tiết được mưa lũ tại các khu vực quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông…

Ông Võ Tiến Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, năm 2017, số điểm ngập nặng của Hà Nội tăng từ 16 lên 18 điểm so với năm trước do xuất hiện điểm mới tại quận Hà Đông. Với những trận mưa có lưu lượng đến 50mm/2 giờ, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng được, nhưng với mưa từ 50mm - 100mm/2 giờ, trên địa bàn sẽ xuất hiện 18 điểm ngập úng nặng.

Đặc biệt, với những trận mưa trên 100mm/2 giờ hoặc trận mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn dưới 40 phút, hệ thống thoát nước thành phố sẽ quá tải và phát sinh thêm nhiều điểm ngập úng mới.

Mạnh ai nấy nâng, phố hóa thành sông

Do đặc điểm của địa hình Việt Nam và tình hình thiên tai thường xảy ra trên lãnh thổ nước ta, đặc biệt là lũ lụt nên trong quy hoạch xây dựng đô thị và các điểm dân cư nông thôn luôn phải đề cập và xem xét kỹ vấn đề này để sao cho các khu đất dự kiến quy hoạch không được ngập úng do lũ lụt, mưa lớn và không bị ảnh hưởng của thiên tai.

Theo các chuyên gia xây dựng, giải pháp hàng đầu phòng chống thiên tai, ngập lụt trong việc quy hoạch đô thị Hà Nội là chọn cao độ xây dựng khống chế cho đô thị chuẩn xác. Bởi dù đã có quy định về cốt nền cho từng khu vực nhưng việc quản lý, giám sát thực hiện không tốt khiến tình trạng loạn cốt nền đường diễn ra phổ biến cả trong sửa chữa, cải tạo và làm đường mới. Hệ lụy là không chỉ người dân phải khốn khổ sửa nhà, mà tình trạng ngập úng cục bộ tại Hà Nội ngày càng gia tăng.

Những căn biệt thự sang trọng nhìn bên ngoài được thiết kế khá bắt mắt ngự trên tuyến đường Lê Trọng Tấn, đối lập với vẻ sang trọng đó đâu ai ngờ cứ mỗi khi đến mùa mưa lớn, những người dân ở đây đều phải gồng mình chống nước tràn vào nhà. Song mọi giải pháp mang tính tạm thời chỉ như muối bỏ bể vì lượng mưa quá lớn kéo dài nhiều giờ khiến nước khó có thể rút ngay.

Điều đó bắt nguồn từ việc hệ thống hạ tầng bao gồm thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ, thêm vào đó các chủ đầu tư khi thi công dự án không tuân thủ các quy chuẩn về cốt nền; các khu đô thị mọc lên nhanh như nấm nhưng lại có nơi nền cao, có nơi nền thấp và đó chính là nguyên nhân nước khó có thể thoát được.

Các chuyên gia cho rằng, việc xác định cao độ nền khá quan trọng vì nó giúp khống chế nhằm đảm bảo thoát nước cho khu vực, bảo vệ các công trình xây dựng. Do vậy, khi lập dự án, đơn vị đầu tư cũng cần chú ý đến sự kết nối giữa các công trình đường ray, đường ống và các công trình đường giao thông.

Luật Xây dựng 2003 nêu rõ: Khi xây dựng, cải tạo các đường phố phải xây dựng hệ thống tuy nen ngầm để lắp đặt đồng bộ hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, cốt xây dựng mặt đường phải tuân theo cốt xây dựng của quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị.

Nhưng đi dọc nhiều tuyến phố ở Hà Nội vẫn không khó bắt gặp cảnh tượng đường thi công xong, nhà dân bỗng chốc có “gara ngầm”, tầng 2 sẽ biến thành tầng 1. Điển hình như tuyến đường Trần Khát Chân mặc dù khá đẹp nhưng ngay sau khi đường hoàn thành, nhiều chủ nhà cũng phải bắt tay vào sửa chữa lại bởi cốt nền của đường và cốt nền của nhà có sự chênh lệch khá lớn.

Cũng từ việc loạn cốt nền khi nơi quá cao, nơi thấp quá nên nhiều người dân chỉ biết tìm cách tự khắc phục bằng cách thiết kế những tấm ván gỗ để đi lên đi xuống. Điều đó không chỉ gây bất tiện cho chính những hộ dân mà hệ lụy của việc không tuân thủ quy chuẩn cốt nền còn gây mất mỹ quan đường phố, khiến tình trạng ngập úng cục bộ ngày càng nghiêm trọng.

Cần “nhạc trưởng” cho phát triển nền đô thị

Quy định về xác định cao độ nền xây dựng là một yêu cầu bắt buộc được nghiên cứu và thiết kế trong quy hoạch đô thị.

KTS Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng: "Để xem xét lại cốt chuẩn đối với các đô thị trực thuộc Trung ương đòi hỏi phải có "nhạc trưởng" và làm đồng bộ ngay từ bây giờ, phải xây dựng bản đồ ngập lụt, bản đồ triều dâng, bản đồ các vùng thấp để có biện pháp đầu tư hạ tầng cơ sở tương ứng, hạn chế phát triển đô thị về phía thấp, tổ chức tốt hệ thống thoát nước cho lưu vực và cốt xây dựng cụ thể cho từng con đường vào nhà dân..."

Theo ông Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), cao độ nền nhà nằm trong đất xây dựng và trong giấy phép xây dựng phải cấp cao độ nền xây dựng để từng cá nhân tuân thủ. Và trong quy hoạch chi tiết 1/500 có quy định về cao độ nền xuất phát từ bản đồ san nền thoát nước…

“Hiện nay vẫn không có quy định chung về độ cao bao nhiêu giữa nền nhà dân và lòng đường vì phải dựa vào bản đồ thiết kế, quy hoạch để tính toán cao độ nền cho từng khu vực cụ thể. Chênh cao bao nhiêu phụ thuộc vào điều kiện địa hình, điều kiện các mối quan hệ giữa khu đất đó với khu vực xung quanh để xác định cao độ nền; đồng thời tùy thuộc vào quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung xây dựng đô thị”, ông Tiến nói.

Theo lãnh đạo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), để khống chế cao độ nền ở mức hợp lý, đồng bộ thì quy hoạch chi tiết phải tuân thủ. Điều này đã được đề cập trong quy chuẩn 01- 2008 của Bộ Xây dựng về quy hoạch xây dựng. Để đồng bộ trên một khu phố phải dựa vào nhiều mối quan hệ khác.

Ví dụ như nhà xây dựng trước hay sau khi có đường, có phép hay không có phép. Đường được xây dựng mới hay cải tạo, từ đó định hình đúng, sai để có những giải pháp phù hợp.

Có thể thấy, trước tình trạng loạn chuẩn cốt nền vẫn đang diễn ra khá phổ biến và không bị kiểm soát, đã đến lúc quy định về cao độ nền khống chế cần được thành phố Hà Nội quan tâm để đảm bảo hài hòa không gian kiến trúc và góp phần giải quyết tình trạng ngập úng trên địa bàn.

>>>Hà Nội nguy cơ ngập úng cục bộ khi có mưa to

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục