Lợi ích gia tăng từ đổi mới sáng tạo

15:28' - 03/08/2022
BNEWS Đổi mới sáng tạo về cơ bản là một quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành một kết quả cụ thể như sản phẩm, quy trình… để mang lại lợi ích gia tăng cho kinh tế - xã hội.

Ngày 3/8, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn khung Chỉ số đo lường đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo về cơ bản là một quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành một kết quả cụ thể như sản phẩm, quy trình… để mang lại lợi ích gia tăng cho kinh tế - xã hội.

Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, đổi mới sáng tạo mang đến những tác động tích cực, như đóng góp tới 95% đối với mức độ cạnh tranh của nền kinh tế; 91% đối với nền kinh tế xanh; 88% trong các công việc mới; 86% đối với quan hệ hợp tác; 87% với việc mang lại giá trị cho toàn xã hội.

Động lực của đổi mới sáng tạo mang lại đó là, 66% giá trị đổi mới sáng tạo sẽ tác động đến cuộc sống người dân; 65% trường học và viện nghiên cứu sẽ tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo; 62% bằng độc quyền sáng chế sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo trong khu vực công lại có sự khác biệt. Cụ thể, khu vực công hoạt động theo logic chính trị và tiến hành các hoạt động được tài trợ từ ngân sách, nhằm tạo ra hàng hoá công được xác định về mặt chính trị hoặc phục vụ nhu cầu của công dân.

"Các động lực chính của đổi mới sáng tạo trong khu vực công là sự lan toả phi lợi nhận của đổi mới, cộng tác, ra quyết định chính trị, sáng kiến của nhân viên và nhu cầu của người dân. Trong khi đó, đối với khu vực doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh và tạo lợi nhuận, nên tuân theo logic thị trường", ông Võ Xuân Hoài cho biết thêm.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc đổi mới sáng tạo là cần thiết ở cả khu vực tư và khu vực công; trong đó, với đối khu vực công, đổi mới sáng tạo sẽ tạo cơ hội để khu vực công dẫn dắt, định hướng khu vực tư phát triển và gia tăng sự đóng góp vào nền kinh tế.

Theo TS Phạm Thị Thu Trang, chuyên gia Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã có khung đo lường đổi mới sáng tạo cho khu vực công, trên cơ sở đó Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc cũng đề xuất khung khái niệm Bộ chỉ số đo lường đổi mới sáng tạo cho khu vực công tại Việt Nam.

Mục đích của Bộ chỉ số tập trung vào 4 vấn đề: Thứ nhất, cung cấp cái nhìn tổng quan trong việc hình thành khái niệm và đo lường đổi mới sáng tạo trong khu vực công; thứ hai, đo lường năng lực đổi mới sáng tạo tổ chức công lập trong khu vực công; thứ ba, giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu được các mức độ đổi mới và động lực khác nhau trong các bộ phận khác nhau của cơ quan, tổ chức trong khu vực công; thứ tư, làm căn cứ giúp cơ quan, tổ chức có giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, việc xây dựng một bộ chỉ số sáng tạo nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Theo ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp sông Hàn, đồng thời là chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ về hệ sinh thái cho rằng: Đổi mới sáng tạo trong khu vực công có vai trò quan trọng, tạo ra sự đột phá thúc đẩy khu vực tư nhân và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều địa phương chưa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nên để xây dựng bộ chỉ số khả thi và phát huy hiệu quả thì cần có sự phát triển đồng đều giữa các địa phương, các ngành, có như vậy bộ chỉ số mới phát huy được hết giá trị trong quá trình thực hiện trong thực tế.

Đối tượng phục vụ của Bộ Chỉ số đo lường đổi mới sáng tạo cho khu vực công hướng tới là: Các cơ quan, bộ ngành địa phương, giúp tự đánh giá nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho các cơ quan nhà nước trong các khu vực công cũng như là các cán bộ, nhân viên hiểu về đổi mới sáng tạo khu vực công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục