Long An đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo

20:01' - 15/09/2017
BNEWS Chiều 15/9, UBND tỉnh Long An đã tổ chức đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, với sự tham gia của lãnh đạo Hiệp hội lương thực Việt Nam, các sở, ban, ngành và gần 100 doanh nghiệp.
Vận chuyển gạo vào kho chuẩn bị cho xuất khẩu tại Công ty Lương thực Long An. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp xuất khẩu đã phản ánh nhiều khó khăn, vướng mắc và kiến nghị trong lĩnh vực kinh doanh.

Cụ thể, Công ty TNHH Vĩnh Thịnh Phát đang hoạch định chiến lược đầu tư trong xuất khẩu gạo trực tiếp, tìm kiếm thị trường nước ngoài, xúc tiến đầu tư trực tiếp qua mạng để hợp tác lâu dài và ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo ổn định. Vì vậy, đề nghị các ngành chức năng của tỉnh Long An hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong thời gian tới

Công ty TNHH Lương thực - Thực phẩm Long An kiến nghị ngành ngân hàng xem xét cho vay tín chấp đối với khoản tiền ứng trước đối với nông dân tham gia cánh đồng lớn và xem xét nâng hạn mức cho vay để Công ty đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Công ty Công Bình phản ánh Cục thuế giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng còn chậm, đề nghị ngành thuế xem xét đẩy nhanh thời gian hoàn thuế cho doanh nghiệp...

Các doanh nghiệp đã được các ngành chức năng tỉnh Long An giải đáp những thắc mắc, kiến nghị và hầu hết các doanh nghiệp đều thống nhất với cách đối thoại trực tiếp để doanh nghiệp có điều kiện trình bày những nguyện vọng chính đáng của mình.

Đến thời điểm này, Long An có 20 doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn được phép xuất khẩu gạo trực tiếp; trong đó có 2 doanh nghiệp được xuất khẩu gạo trực tiếp sang Trung Quốc (Công ty cổ phần Tân Đồng Tiến, Công ty TNHH Việt Thanh).

Ngoài ra, còn có 4 chi nhánh công ty được xuất khẩu gạo có kho, cơ sở xây xát trên địa bàn.

Theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2017, Long An đã xuất khẩu được 462.000 tấn gạo, đạt kim ngạch 215 triệu USD, giảm 11% về lượng và giảm 14% về giá trị; trong đó xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, Singapore, Malaysia, HongKong, Philippines, Ghana, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Nam Phi.

Nguyên nhân của sự giảm sút trong xuất khẩu gạo là do các thị trường xuất khẩu ngày càng gia tăng các tiêu chuẩn với gạo xuất khẩu của Việt Nam, góp phần tạo thêm nhiều rào cản; giá cả nguyên liệu lúa gạo trong nước chênh lệch nhiều so với hợp đồng ký kết xuất khẩu khiến doanh nghiệp xuất khẩu không đạt hiệu quả; năng lực quản lý của một số doanh nghiệp còn hạn chế; thực hiện cánh đồng lớn, việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân không ổn định, thiếu bền vững, khó nhân rộng mô hình...

Trước những khó khăn này, ông Trần Văn Cần - Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị các ngành chức năng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhất là hỗ trợ về giống, tín dụng ngân hàng, thuế, xây dựng cánh đồng lớn.

Đối với doanh nghiệp cũng cần phải tăng cường năng lực quản lý của doanh nghiệp, nhạy bén với thị trường để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển hiện nay.

Ông cũng bày tỏ mong muốn Hiệp hội Lương thực Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo về thông tin thị trường xuất khẩu, giá cả và nhu cầu của các nước nhập khẩu để doanh nghiệp nắm bắt, vận dụng trong sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo hoạt động đạt hiệu quả cao nhất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Xem thêm:

>>>VFA nâng mục tiêu xuất khẩu gạo lên 5,6 triệu tấn trong năm 2017

>>>Cần Thơ hợp tác với Australia tăng cường năng lực xuất khẩu gạo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục