Thành công không nằm trên “bàn giấy”
Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như cam kết quốc tế mà Việt Nam đang thực hiện đã khẳng định rõ: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là con đường để đưa đất nước phát triển bền vững. Cần khắc phục và loại bỏ ngay tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường; kiên định với quan điểm phát triển không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế...
Sau đại dịch COVID-19, giá trị về con người, nhất là yếu tố sức khỏe lại càng được đặt lên vị trí hàng đầu. Giai đoạn hâu COVID là giai đoạn các nước, các nền kinh tế lớn trên thế giới đều có sự thay đổi theo hướng ưu tiên mạnh hơn cho kinh tế xanh. Các rào cản kỹ thuật được dựng lên với mục đích lựa chọn sản phẩm sạch, công nghệ sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với mục đích cuối cùng không chỉ là lợi nhuận, mà cao hơn là bảo vệ chất lượng sống của người dân. Trong bối cảnh các nước trên thế giới đều đang đứng trước nhu cầu lấy lại nhanh chóng đà phục hồi phát triển kinh tế, Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc. Chính phủ, các bộ ngành cũng đã đưa ra nhiều quyết sách linh hoạt, nhanh chóng sớm lấy lại đà phục hồi tăng trưởng. Các địa phương cũng đứng trước áp lực phải thực hiện các giải pháp hiệu quả để đạt được mức tăng trưởng cần thiết. Chính lúc này, hơn bao giờ hết, cần phải có một sự thống nhất về tư duy hành động dựa trên những cơ chế chính sách rõ ràng về tiêu chỉ, để không xảy ra tình trạng vì chạy theo tăng trưởng mà ảnh hưởng tới môi trường.
Sự thành công của các
giải pháp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường không chỉ nằm
trên kế hoạch, trên bàn giấy, mà phải thực sự được ghi nhận trong quá trình đưa
chính sách vào cuộc sống. Nghị quyết của Đảng phải trở thành hiện thực sinh
động, có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có cho đất nước và hạnh phúc
cho nhân dân thì đó mới là thành công thực tế!.
Quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường được thể hiện xuyên suốt qua các kỳ đại hội Đảng từ Đại hội lần thứ IX, X, XI, XII, XIII. Đặc biệt tại Đại hội XII, Đảng xác định “ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do con người, nhất là do các dự án phát triển kinh tế gây ra. Hạn chế, tiến tới khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất... Tới Đại hội XIII Đảng tiếp tục khẳng định “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của Nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Đó là quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta.
Không những vậy, Việt Nam còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế khi cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mới đây, tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định trước toàn thế giới, Việt Nam mặc dù là một quốc gia đang phát triển còn gặp không ít khó khăn nhưng với tinh thần hành động vì trái đất xanh, Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu rõ: "Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đó, chúng ta cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng, công lý, trong đó lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau".
Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, Đại hội XIII của Đảng cũng nhận định: “ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp”; “Các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm…”. Báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do “chưa thống nhất trong nhận thức và hành động về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và về việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh, phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường”.
Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu, tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, tác động trực tiếp và gây tổn thất nặng nề đối với phát triển kinh tế, an sinh xã hội và trực tiếp đối với an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân. Sự "nổi giận" của thiên nhiên với các sự cố như sụt lún, sạt lở và hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng chính là lời cảnh báo kêu gọi chúng ta cần khẩn trương hơn, hành động mạnh mẽ hơn và có trách nhiệm hơn nữa để hạn chế tối đa tăng nhiệt độ trái đất.
Theo báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2021 của Chính phủ trình trước Quốc hội cho thấy, hệ sinh thái rừng tự nhiên là hệ sinh thái chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thời gian qua. Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam mất đi 2.430ha rừng tự nhiên. Lý do chính khiến diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, các hệ sinh thái rạn san hô, đất ngập nước cũng có dấu hiệu suy giảm do tác động của các hoạt động kinh tế - xã hội. Tất cả những con số trên chúng ta cũng dễ dàng nhận ra trong thực tế khi môi trường sinh thái bị suy giảm và hệ quả là những thiệt hại do thiên nhiên gây ra.
Ngay đầu mùa mưa bão 2023, trên cả nước đã liên tục xuất hiện tình trạng sạt lở, hàng chục tuyến đường bị chia cắt. Nghiêm trọng nhất là vụ lũ quét, sạt lở đất xảy ra đêm 12, rạng sáng 13/9 tại các huyện ở Lào Cai đã làm ít nhất 14 người chết, mất tích và bị thương và thiệt khoảng trên 255 tỷ đồng. Hay trước đó, vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), vùi lấp 3 cán bộ cảnh sát giao thông và một người dân… Những trận lũ ngày càng hung dữ, mỗi năm đều có bao nhiêu sinh mạng mất đi, bao nhiêu gia đình chịu cảnh trắng tay. Sạt lở đất xảy ra thường xuyên và hậu quả ngày càng kinh hoàng... Đó là những thiệt hại do thảm họa thiên nhiên gây ra mà nguyên do chính là môi trường tự nhiên đang ngày càng bị hủy hoại. Cùng với đó, việc đô thị hóa tràn lan không theo quy hoạch đang can thiệp thô bạo đến cảnh quan tự nhiên và môi trường.
Sa Pa từng nổi danh là thành phố trong sương, là điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất ở vùng miền núi phía Bắc, thế nhưng dường như Sa Pa đang tự đánh mất mình bởi sự phát triển quá nóng, bỏ quên môi trường. “Lên Sa Pa bây giờ chẳng khác gì ra phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân vào mỗi cuối tuần”. Đó là cảm thán của rất nhiều người lâu mới quay lại Sa Pa. Bởi họ không thể tìm thấy vẻ hoang vu, yên tĩnh của một “Sa Pa lặng lẽ” nữa. Đô thị hóa đã "thô bạo" bóc bỏ đi sự trầm mặc vốn có của nơi đây để vội vã khoác lên tấm áo choàng hổ lốn với đủ loại kiến trúc đông tây kim cổ. Sa Pa hiện tại là đại công trường, đâu đâu cũng thấy cảnh rầm rập xây dựng, vật liệu ngổn ngang. Nhà cao tầng đang chen nhau mọc lên thay thế màu xanh của núi rừng… Vậy đó, Sa Pa đang bị tàn phá bởi đầu tư phát triển quá nóng của đô thị hóa… Mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai về đồ án quy hoạch phân khu thuộc quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040. Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Lào Cai rà soát cụ thể các chỉ tiêu về mật độ xây dựng tối đa, tầng cao tối đa trong từng phân khu đảm bảo tuân thủ đúng các quy định liên quan đã được xác định tại quy hoạch chung được duyệt. Cụ thể, đối với các khu hiện trạng cải tạo đề nghị không làm tăng mật độ xây dựng và tầng cao để giảm áp lực vào hệ thống hạ tầng và bảo vệ môi trường.
Ở một địa danh khác, từng được coi là thành phố mộng mơ, giờ đây với tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng, TP. Đà Lạt cũng đang ngày càng mất đi màu xanh vốn có. Theo đó, những nhà đầu tư bất động sản luôn tìm kiếm những mảnh đất có "view" đẹp, nhìn ra thung lũng hay đồi thông mà không quan tâm cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ, môi trường bị ảnh hưởng. Những con suối ở Đà Lạt dần bị lấp, thay vào đó đường bê tông, rác. Mất rừng, mất suối, Đà Lạt ngày càng ngột ngạt và nhạy cảm với thiên tai. Sạt lở đất, ngập úng cũng vì thế mà trở nên phổ biến hơn ở Đà Lạt trong những năm gần đây. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng gửi Thủ tướng Chính phủ (Báo cáo số 67/BC-UBND (ngày 14/4/2022), tỉnh này đã thu hồi 208 dự án đầu tư, tương đương 30.469 ha do các doanh nghiệp để mất rừng, mất đất lâm nghiệp, vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Luật Lâm nghiệp. Từ năm 2018 đến nay, diện tích rừng và đất lâm nghiệp vẫn tiếp tục bị phá, lấn chiếm trái pháp luật. Theo đó, từ năm 2018 đến hết quý I/2022 các cơ quan chức năng địa phương đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 2.856 vụ vi phạm; diện tích rừng bị thiệt hại là 204,21 ha; khối lượng lâm sản bị thiệt hại do phá rừng 12.240,5 m3.
Tình trạng cũng tương tự với “hòn đảo ngọc” Phú Quốc. Hàng loạt công trình xây dựng kiên cố mọc lên ở khu vực được quy hoạch cây xanh, đất rừng bị lấn chiếm, xây dựng vô tội vạ. Nạn lấn chiếm "xí phần" đất rừng quốc gia Phú Quốc, phân lô xây công trình, cất nhà trái phép chưa kịp chặn đứng thì hiện nay Phú Quốc lại tiếp tục nóng khi phát hiện khu bảo tồn biển - nơi phải bảo vệ nghiêm ngặt - cũng bị xâm hại. Đồng thời, hoạt động xây dựng tràn lan, nằm ngoài quy hoạch cũng đã khiến cho dòng chảy của các con sông, con kênh nơi đây bị thu hẹp. Việc đô thị hóa một cách tràn lan đã khiến cho môi trường tại TP. Phú Quốc đang bị đe dọa nghiêm trọng…
Đó là những địa điểm nổi tiếng mà ai cũng có thể nhận thấy thực trạng xâm hại môi trường tự nhiên khi đến thực tế nơi đây. Đây cũng là lý do mà gần đây một dự án đã công khai từ hàng chục năm trước bỗng trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận: Hơn 600 ha rừng trong đó có trên 130 ha rừng đặc dụng sẽ nhường chỗ cho dự án công trình hồ thủy lợi Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Hay việc dư luận quan tâm có hay không việc tỉnh Thái Bình chuyển đổi hơn 11.050 ha Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải để làm khu kinh tế mà dường như chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Chưa bàn đến câu chuyện đúng – sai cũng như hiệu quả của các dự án mà các địa phương đã thực hiện. Nhưng những băn khoăn, lo lắng của dư luận là xác đáng bởi lẽ những hình ảnh trực quan về cánh rừng xanh tốt mai sau sẽ vĩnh viễn mất đã tác động trực tiếp lên tình cảm, nhận thức của hàng triệu người dân. Muốn tái tạo lại rừng tự nhiên phải mất mấy trăm năm, thậm chí cả nghìn năm, trong khi phá thì chỉ cần vài ngày. Do vậy, khi tác động vào rừng tự nhiên chúng ta cần phải hết sức thận trọng!.
Như vậy, thực tế đã cho thấy, chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đã có, nhưng khi đưa chủ trương vào cuộc sống, nếu không có sự thống nhất về tư duy hành động thì rất dễ sẽ có vô vàn những cách hiểu, cách làm duy ý chí, hoặc những cuộc tranh cãi vô hồi kết. Những câu chuyện được xới xáo lên rồi rơi vào im lặng hoặc không có lời giải đáp thỏa đáng!
Việc phát triển kinh tế là điều quan trọng đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam hiện nay. Và đối với từng địa phương cũng đều mong muốn tận dụng mọi cơ hội để có thể tăng trưởng nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, cần khắc phục và loại bỏ ngay tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã quán triệt quan điểm: "Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường".
Trong bài viết: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định: "Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, tiêu chí để phát triển bền vững...". Đó là sự lựa chọn đúng đắn mang tầm vóc chiến lược, đảm bảo hiệu quả kinh tế trong dài hạn của người đứng đầu Đảng ta.
Chúng ta không thể đánh đổi môi trường tự nhiên bằng bất cứ giá nào. Chúng ta kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Đó cũng là quan điểm nhất quán và rõ ràng của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ cũng xác định phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là con đường để đưa đất nước phát triển bền vững. Cần khắc phục và loại bỏ ngay tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường; không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế...
Giống như hầu hết các quốc gia thu nhập thấp khác, Việt Nam đã sử dụng lợi thế tự nhiên về nguồn đất nông nghiệp, tài nguyên nước, rừng, biển và trữ lượng khoáng sản dồi dào làm nền tảng thúc đẩy tăng trưởng nhanh và mạnh trong giai đoạn đầu của sự phát triển. Tuy nhiên, mô hình phát triển kinh tế phần lớn dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cho thấy sự thiếu bền vững theo thời gian. Nhất là khi quá trình tăng trưởng và công nghiệp hóa nhanh của Việt Nam đã và đang để lại nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Nguồn vốn tự nhiên của Việt Nam rơi vào tình trạng suy giảm liên tục trong khoảng 2 thập kỷ qua, kéo theo đó là các vấn đề về môi trường như: Ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường, mất an ninh nguồn nước, cạn kiệt tài nguyên…
Và đối với từng địa phương, tận dụng lợi thế để hình thành các khu kinh tế, tận dụng thiên nhiên ưu đãi để phát triển du lịch với việc hình thành các khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế nên phát triển nóng cũng là điều dễ hiễu.
Trên thực tế, xây dựng cơ chế đặc thù cho các địa phương trong việc chuyển mục đích sử dụng đất không chỉ tạo thêm “cú hích” cho sự phát triển của địa phương mà còn cho vùng và cả nước. Tuy nhiên, không thể vì lợi ích kinh tế trước mắt mà địa phương lạm dụng. Phải xác định rằng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để triển khai các dự án kinh tế cần được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện khi không còn phương án lựa chọn nào khác.
Dẫu biết rằng, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, địa phương nào cũng có nhu cầu để đẩy mạnh kinh tế và đó cũng là áp lực của các nhà hoạch định chính sách. Nhưng nếu viện các lý do trên để biện minh cho việc tiếp tục tàn phá thiên nhiên một cách ồ ạt như vậy là chưa thấy trách nhiệm, khó thuyết phục được dư luận. Trong thực tế, mỗi giai đoạn nhất định, ở mỗi thời kỳ chúng ta cần có sự linh hoạt trong thực hiện các mô hình tăng trưởng để thích ứng. Chúng ta có thể nhận thấy rõ sự chuyển biến tích cực về mô hình tăng trưởng ở một số địa phương mà Quảng Ninh, Đồng Nai là một ví dụ điển hình.
Quảng Ninh trong nhiều năm nằm trong tốp những tỉnh miền núi phía Bắc có tốc độ phát triển vào loại tốt mà đóng góp chủ yếu chính là ngành công nghiệp. Trong đó, khai thác than, khoáng sản đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, đây lại là ngành có tài nguyên hữu hạn, dần tiến đến cạn kiệt; đi cùng với những mặt tích cực, theo thời gian, những tác động xấu từ mô hình tăng trưởng “nâu” ngày càng thể hiện rõ hơn. Quảng Ninh đã sớm nhận diện đúng hướng đi, thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” theo đó giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, có tác động lớn đến môi trường, thúc đẩy các ngành có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường. Qua đó dần cân đối hài hoà giữa khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản với việc bảo vệ cảnh quan, môi trường, lấy phát triển dịch vụ, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo dựng thương hiệu một địa phương phát triển năng động, nhiều đổi mới.
Tại Đồng Nai, địa phương có sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ, là tỉnh dẫu đầu cả nước về các khu công nghiệp (KCN) với 32 khu công nghiệp. Việc xây dựng và phát triển các KCN đã tạo điều kiện cho tỉnh huy động các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, địa phương đang chịu áp lực lớn trong quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường ở tất cả các mặt như khí thải, nước thải công nghiệp, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Nhận thức rõ điều đó, Đồng Nai đã và đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững, xây dựng, phát triển các KCN theo hướng xanh, sạch nhằm nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư.
Và trong xu thế phát triển bền vững hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã chọn xu hướng xây dựng các khu công nghiệp xanh. Việc này giúp cải thiện môi trường và phát triển cộng đồng hơn về tính bền vững; đồng thời, cũng mang lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp. Hướng tới mục tiêu xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, các nhà máy xanh, nhiều địa phương đã xây dựng cơ chế ưu đãi với các doanh nghiệp bảo vệ môi trường. Thậm chí nhiều địa phương đã kiên quyết từ chối những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm vì mục tiêu phát triển bền vững. Tại Hưng Yên, tỉnh kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngay từ bước đầu; thẩm định chặt chẽ báo cáo đánh giá tác động, cấp giấy phép môi trường; không tiếp nhận các dự án sản xuất công nghiệp rời lẻ ở ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Đó là những hướng đi đúng đắn, bền vững và phù hợp với xu thế thời đại mà các địa phương cần hướng tới.
Và một điều quan trọng nữa chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên toàn cầu hóa với những biến đổi nhanh chóng, khó lường nhất là của biến đổi khí hậu và thiên tai dịch bệnh. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát trong hai năm qua gây ra những thiệt hại nặng nề đối với các quốc gia trên nhiều lĩnh vực, nhất là sức khỏe, tính mạng và sinh kế của người dân, gia tăng thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng, thiếu an ninh, an toàn cho người dân… Chính vì vậy vấn đề sức khỏe và an toàn của người dân lại được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm và nhấn mạnh hơn bao giờ hết. Việt Nam xác định lấy con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Điều này cũng củng cố thêm đường lối, chính sách về phát triển bền vững lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm và cần tính tới những tính toán cụ thể về xã hội và môi trường.
Và điều quan trọng để hài hòa hóa được mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cần đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp làm quy hoạch. Công tác quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm và cần tính tới những tính toán cụ thể về xã hội và môi trường. Không phải ồ ạt quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp như một nhu cầu bắt buộc để phát triển với tất cả các địa phương. Cần khẳng định môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế xã hội. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.
Trước mỗi dự án thực hiện cần đánh giá tác động kỹ lưỡng cả về kinh tế, môi trường, xã hội có tính liên kết vùng, nhất là quan tâm đến sinh kế cho những người dân sống từ nghề nông, nghề rừng trên địa bàn. Tuyệt đối không đánh đổi bằng mọi giá, phải coi phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu, không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, bởi chúng ta còn có trách nhiệm gìn giữ tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ mai sau.
Không có lý do gì để biện minh cho sự đánh đổi môi trường lấy kinh tế, không còn con đường nào khác đó là hòa nhập với sân chơi chung toàn cầu, để phát triển bền vững.
Hiện nay, biến đổi khí hậu được xem là thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại trong thế kỷ XXI với những tác động tiêu cực, đe dọa sự tồn vong của các hệ sinh thái và cuộc sống của con người. Đây là vấn đề toàn cầu đòi hỏi nỗ lực ứng phó của từng quốc gia cũng như sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế. Có thể khẳng định tăng trưởng xanh, phát triển bền vững được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới trong nỗ lực để đạt được sự phát triển bền vững. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu và đã có nhiều nỗ lực ứng phó tích cực. Là một chủ thể năng động và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế đó để thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã sớm tham gia các cơ chế, thỏa thuận liên quan, như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch… liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã chính thức cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Mới đây, tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: "Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng, công lý; trong đó lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau". Đó là quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Chính phủ cũng như quyết tâm của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế vì mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…
Không chỉ vậy, Việt Nam đã tham gia Sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng “0” do Nhật Bản khởi xướng nhằm thúc đẩy giảm phát thải carbon và hợp tác chuyển dịch năng lượng, trong đó việc loại bỏ năng lượng hóa thạch, bổ sung năng lượng tái tạo được thực hiện một cách hợp lý với ưu tiên cao.
Có thể khẳng định tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường cũng được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều khu vực trên thế giới trong nỗ lực để đạt được sự phát triển bền vững. Trên thế giới, gần đây, các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều đưa ra chương trình phát triển xanh, khung pháp lý để nhập khẩu hàng hóa của các nước phải bảo đảm sản xuất xanh. Mới đây nhất, Ủy ban Châu Âu (EU) đã ban hành quy định về Thiết lập Cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM). Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước xuất khẩu. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon sẽ được EU bắt đầu áp dụng từ ngày 1/10/2023.
Đây vừa là yêu cầu đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế, vừa là đòi hỏi nội tại của đất nước chúng ta ở một vị trí nền kinh tế chịu ảnh hưởng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Đồng thời đây cũng là cơ hội để Việt Nam lựa chọn lộ trình tăng trưởng xanh trước ngã rẽ phục hồi hậu COVID. Doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường toàn cầu, muốn nâng cao giá trị thì phải hướng tới phát triển bền vững.
Đặc biệt, Việt Nam cũng tham gia hội nhập quốc tế, ký nhiều các Hiệp định tự do thương mại (FTA), một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam là xuất khẩu, và vì thế xuất khẩu phải bảo đảm xanh. Đây là yêu cầu khắt khe của thế giới và là yêu cầu bắt buộc của hội nhập. Do đó Việt Nam không có tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, bảo đảm đời sống nhân dân thì rất khó hội nhập. Chúng ta phải có hành động đi cùng xu thế của thế giới, không thể phát triển mà không theo xu thế và tranh thủ xu thế. Bảo vệ môi trường tại Việt Nam, sản xuất ra một sản phẩm xanh tại Việt Nam không chỉ đơn thuần là đáp ứng tiêu chuẩn về xuất khẩu mà quan trọng hơn nó đóng góp là một mắt xích quan trọng trong việc bảo vệ môi trường chung của toàn cầu. Và đó là hành động mà Việt Nam có trách nhiệm phải thực hiện.
Để thực hiện các cam kết trên, Chính phủ Việt Nam đã tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên… Việt Nam đã ban hành Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050 với các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Mặc dù vậy, thế giới đang biến đổi khó lường, do đó chúng ta vẫn cần hơn nữa sự nỗ lực, quyết tâm tập trung vào hoàn thiện thể chế để phát triển xanh, tăng trưởng xanh; xây dựng các quy hoạch, quy định quản lý phù hợp, hiệu quả, bảo đảm đúng tinh thần phát triển bền vững, phát triển xanh. Và quan trọng hơn chúng ta cần sự vào cuộc tích cực hơn từ các chính quyền địa phương, không để tình trạng “trên nóng dưới lạnh” khiến nỗ lực của cả hệ thống chính trị bị chậm lại. Để đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường, cần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp và mỗi địa phương đối với công tác bảo vệ môi trường. Khắc phục và loại bỏ ngay tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế giảm phát thải sẽ đòi hỏi sự chuyển mình của cả các doanh nghiệp và người dân. Đối với các doanh nghiệp, việc tham gia tiến trình giảm phát thải và xanh hóa được nhận định sẽ ẩn chứa nhiều thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội, đặc biệt là khi nắm bắt được xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam. Mặc dù vậy, những rào cản về môi trường, khí hậu trong thương mại quốc tế đã và sẽ được áp dụng ngày càng nhiều trên thế giới. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu.
Cuộc đua hướng tới giảm phát thải vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội của Việt Nam trong sân chơi toàn cầu. Sự chủ động tham gia từ phía Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối tư nhân và cả người tiêu dùng, được kỳ vọng sẽ tạo một nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ và các địa phương cần có những chính sách mang tính đổi mới và sáng tạo, để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, gia tăng ý thức cộng đồng với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Mới đây, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (Ban Chỉ đạo COP26) Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh, chúng ta đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa… để quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, gắn phát triển xanh với phát triển bao trùm, phát triển nhanh và bền vững.
Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thực hiện đúng các cam kết quốc tế không chỉ bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước, mà còn là đóng góp của Việt Nam đối với sự phát triển chung của nhân loại, vì cuộc sống tốt đẹp của chúng ta và các thế hệ mai sau. Với sự thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình, Việt Nam đang là chủ thể tích cực trong vấn đề bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu của thế giới. Đánh giá vai trò, vị thế của một quốc gia trong bối cảnh hiện nay không đơn thuần trên có số quy mô GDP mà còn được nhìn nhận ở trách nhiệm và nghĩa vụ đóp góp với cộng đồng quốc tế, là trách nhiệm đối với chất lượng môi trường sống và đảm bảo cho sức khỏe của người dân trên toàn cầu./.
- Nguồn: Bnews
- Tác giả: Quốc Huy
- Đồ họa: Quốc Huy