Lùm xùm vụ việc giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trường Đại học Tôn Đức Thắng

11:55' - 12/06/2019
BNEWS Những ngày qua, việc "lùm xùm" giữa Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã gây nhiều xôn xao trong ngành giáo dục cũng như dư luận xã hội.

Vụ việc xuất phát từ việc Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã gửi đơn đến một số cơ quan Trung ương về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu trường phải nộp tối đa tới 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế.

Bên cạnh đó, là nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của Hội đồng trường, nhân sự...

Chiều 10/6 tại Hà Nội, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gồm đầy đủ 4 Phó Chủ tịch: Trần Thanh Hải, Trần Văn Thuật, Ngọ Duy Hiểu, Phan Văn Anh đã có buổi gặp gỡ các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin, làm rõ những nội dung Ban Giám hiệu Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã phát ngôn trên các cơ quan truyền thông những ngày qua.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, đến nay chưa thu tiền từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Cụ thể, năm 2017, Đoàn kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiến hành kiểm tra tại trường.

Sau đó, Đoàn kiểm tra kiến nghị một số nội dung “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hàng năm phê duyệt dự toán thu, chi của trường và giao nghĩa vụ phải nộp lên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo quy định”.

Quy định 1684 năm 2006 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu: “Đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”.

Tuy nhiên, kiến nghị này của Đoàn kiểm tra chưa được Thường trực và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phê chuẩn và triển khai, bởi lãnh đạo Tổng Liên đoàn cho rằng ngoài quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhà trường còn thực hiện theo Quyết định 158 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ (về việc phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2017).

Việc lãnh đạo nhà trường cho rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu trường nộp 30% chênh lệch thu chi để xây dựng thiết chế công đoàn là thông tin hoàn toàn sai sự thật. 

Thiết chế công đoàn được thực hiện 2 năm vừa qua lấy từ nguồn tiết kiệm 10% chi hành chính, chi phong trào của cả hệ thống tổ chức Công đoàn từ cơ sở đến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Sau khi tiếp nhận trường (năm 2008), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà trường phát triển theo xu thế đổi mới giáo dục đại học, phát huy tính tự chủ.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, nhiều lần Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam mời Ban Giám hiệu nhà trường họp bàn về sự phát triển của nhà trường, tuy nhiên đến ngày 31/5 vừa qua, Ban Giám hiệu mới cử hai hiệu phó nhà trường ra dự họp.

Ngoài ra, cuộc họp Hội đồng trường vẫn được tổ chức trong lúc Chủ tịch Hội đồng trường là ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Việt Nam đi công tác nước ngoài.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn cũng cho biết, Hiệu trưởng nhà trường có dấu hiệu lạm quyền khi triệu tập và chủ trì họp Hội đồng trường bất thường mà không báo cáo, đề nghị với Chủ tịch Hội đồng trường là Tiến sĩ Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Vì lý do đi công tác nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng trường đã yêu cầu lùi thời gian tổ chức cuộc họp, tuy nhiên Hiệu trưởng nhà trường vẫn chủ trì cuộc họp và ra các quyết nghị, trong khi quy định tại Điều lệ trường đại học thì chỉ có Chủ tịch Hội đồng trường mới có quyền chủ tọa cuộc họp Hội đồng trường.

Đối với Công văn 831/TLĐ ngày 5/6/2019 gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xin ý kiến một số nội dung để chuẩn bị triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đề nghị xem xét học hàm Giáo sư của Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng Lê Vinh Danh, vì có ý kiến công dân đề nghị xem xét tính hợp pháp của Trường Đại học (Preston University) đã công nhận học hàm này.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định sẽ tôn trọng và bảo vệ đến cùng Hiệu trưởng Lê Vinh Danh nếu học hàm đó là hợp pháp.

Sau những thông tin Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao đổi với báo chí, ngày 11/6, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có ý kiến phản hồi phủ nhận những thông tin mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cung cấp cho báo chí.

Theo đại diện Trường Đại học Tôn Đức Thắng, trường chưa bao giờ phủ nhận sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong sự phát triển của trường.

Tuy nhiên, thông tin số tiền, tài sản mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hỗ trợ trường hàng nghìn tỷ đồng là không chính xác. Khối tài sản đã gia tăng hiện nay khoảng 2.200 tỷ đồng là tài sản đầu tư trên đất, không bao gồm giá trị đất, các trường công.

Về thông tin Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nhà trường “chống lệnh” cơ quan cấp trên, theo lãnh đạo nhà trường là không chính xác. Cụ thể, về hoạt động kiểm toán, không phải trường có văn bản không đồng ý mà là xin đề nghị dời thời gian kiểm tra.

Khi có dự thảo kết luận kiểm tra, nhà trường phản hồi một cách minh bạch, đúng pháp luật và có căn cứ đối với những kết luận kiểm tra chưa chính xác; đối với những kết luận kiểm tra chính xác, nhà trường nghiêm túc tiếp thu và hoàn thiện (nếu có).

Về lịch làm việc giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với nhà trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có mời 3 lần.

Trong đó, lần đầu tiên, nhà trường đã cử Phó hiệu trưởng và Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính ra làm việc trực tiếp với Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để xin hoãn họp vì đang có quá nhiều sự kiện lớn diễn ra tại trường và đã được Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý.

Thư mời lần 2 trùng lịch họp Hội đồng trường (đã gửi thư mời và báo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trước khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mời). Ngay sau đó, nhà trường đã cử lãnh đạo trường ra dự họp theo yêu cầu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Về tổ chức họp, trong Quy chế Hội đồng trường có ghi: Hội đồng trường họp thường kỳ 6 tháng/lần và họp bất thường khi có đề nghị bằng văn bản của trên 30% tổng số thành viên Hội đồng trường hoặc có đề nghị của Hiệu trưởng hoặc của Chủ tịch hội đồng.

Trường đã gửi thư mời Chủ tịch Hội đồng trường nhưng không có phản hồi; đến đúng ngày họp mới nhận được văn bản của đại diện Tổng Liên đoàn báo là Chủ tịch đi nước ngoài.

Cuộc họp diễn ra hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Tất cả các thành viên dự họp đều thẩm tra kỹ lưỡng căn cứ pháp lý trước khi bàn luận các nội dung trong cuộc họp.

Theo nhà trường, quy chế hiện hành thì nhiệm kỳ của Hội đồng trường theo nhiệm kỳ của Hiệu trưởng. Trong khi đó, thời gian nhiệm kỳ của Hiệu trưởng sắp hết, do vậy việc triệu tập họp của Hiệu trưởng là thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu đối với tập thể.

Về chức danh Giáo sư của ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng nhà trường, đại diện nhà trường bày tỏ tin tưởng rằng các căn cứ bổ nhiệm vào thời điểm bổ nhiệm là đầy đủ và hợp pháp.

Nhà trường đã gửi báo cáo việc này nhiều lần cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và cũng chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị bổ nhiệm ngạch lương giảng viên cao cấp cho ông Lê Vinh Danh lên Ban Tổ chức Trung ương.

Những ý kiến tranh luận qua lại giữa Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa thực sự dừng lại nếu vụ việc không sớm được làm rõ theo đúng quy định pháp luật. Cả hai bên nên có những động thái nhằm tìm ra tiếng nói chung, tránh ảnh hưởng tới tâm lý, quyền lợi của hàng ngàn sinh viên đang theo học tại nhà trường, cũng như uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục