Lưu lượng xe tăng đột biến, các trạm thu phí lên kịch bản ứng phó

17:17' - 28/01/2022
BNEWS Dự báo ngày 29/1 (ngày 27/12 Âm lịch), ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ là cao điểm người dân về quê nghỉ Tết. Vì vậy, các trạm thu phí rất dễ xảy ra ùn tắc vì lưu lượng xe tăng đột biến.

Theo quy định hiện hành, khi xảy ra ùn tắc 700m trở lên tại trạm thu phí, nhà đầu tư BOT phải xả trạm. Vậy các trạm thu phí đã lên kịch bản, phương án ứng phó ra sao nếu xảy ra ùn tắc?

 

Trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ luôn là tâm điểm hàng năm về tình trạng ùn tắc mỗi dịp nghỉ lễ, Tết. Vì vậy  ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, công ty đã lập phương án tổ chức giao thông trên toàn tuyến.

"Chúng tôi sẽ tăng cường tần suất kiểm tra trên toàn tuyến và yêu cầu 100% quân số trực Tết, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã tuyên truyền cho phương tiện đi đúng khoảng cách, tốc độ để chống ùn tắc tại trạm thu phí. Hiện nay lưu lượng xe ngày thường trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bình quân khoảng 50.000 xe. Vào dịp Tết con số này tăng lên khoảng 150 - 200%", ông Vũ Ngọc Oánh thông tin.

Cũng theo ông Vũ Ngọc Oánh, từ 9 giờ sáng 27/1, trạm thu phí chính của tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ đã mở thêm 5 làn thu phí tự động không dừng. Có khoảng 50% số lượng xe trên tuyến đã sử dụng dịch vụ nên hạn chế khả năng ùn tắc tại trạm. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc tại trạm dịp Tết, công ty sẽ xả trạm thu phí theo đúng quy định của Bộ Giao thông Vận tải".

Còn trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, ông Vũ Hữu Thành, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - đơn vị quản lý tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho hay, lưu lưu lượng xe năm nay dự báo sẽ thấp hơn so với thời điểm năm không có dịch.

Tuy vậy, VIDIFI đã xây dựng kịch bản xử lý tình huống để hạn chế tối đa xảy ra ùn tắc tại trạm thu phí. Trong đó, sẽ phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông để phân làn, phân luồng đảm bảo cho xe lưu thông thuận tiện.

Đề cập đến việc xả trạm khi ùn tắc, ông Vũ Hữu Thành cho hay, đến thời điểm này VIDIFI chưa có kế hoạch sẽ xả trạm khi ùn tắc. Trong trường hợp do lỗi chủ quan trong vận hành của nhà đầu tư gây ùn tắc thì sẽ xả trạm.

Ngược lại, khi các quy trình nhà đầu tư làm đúng theo thiết kế, mở hết công suất trạm, điều kiện vận hành đầy đủ sẽ không xả trạm. Còn trong trường cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo phải xả trạm khi ùn tắc tại trạm thu phí nhà đầu tư sẽ thực hiện.

Trong khi đó, lãnh đạo Tổng Công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho hay, để phòng chống ùn tắc tại các trạm thu phí dịp Tết, VEC không xây dựng phương án chống ùn tắc chung mà giao các đơn vị quản lý tuyến đường xây dựng phương án.

Tổng công ty sẽ duyệt phương án đảm bảo giao thông dịp Tết theo từng tuyến. Mỗi tuyến cao tốc có một đặc điểm khác nhau. Mỗi tuyến có phương án đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông riêng mới sát với hiện trường.

Liên quan đến việc đảm bảo lưu thông qua các trạm thu phí BOT, đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, ngay từ đầu tháng 1, đơn vị đã yêu cầu các nhà đầu tư BOT, Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đảm bảo an ninh, trật tự an toàn giao thông tại các trạm thu phí trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân năm 2022.

Theo đó, các nhà đầu tư BOT phải tăng cường lực lượng, đảm bảo an ninh, trật tự; phân làn, phân luồng và các giải pháp phù hợp đảm bảo trạm thu phí hoạt động liên tục, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đặc biệt lưu ý các trạm thu phí có nguy cơ ùn tắc, nhất là các trạm thu phí cửa ngõ ra vào các thành phố lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ phương tiện trong việc mua vé qua trạm.

"Nhà đầu tư phải mở barie giải tỏa phương tiện trong trường hợp xảy ra tắc đường trước khi vào trạm theo quy định hoặc phân luồng khi cần thiết điều tiết giao thông, tránh gây ùn tắc", lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay.

Trong dịp Tết này các trạm thu phí giao thông đường bộ để xảy ra ùn tắc sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ - đường sắt.

Khoản 6 Điều 15 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 8-10 triệu đồng đối với tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí để xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí lớn hơn 100-150 xe hoặc để chiều dài dòng xe từ 750m đến 1km, để thời gian đi qua trạm thu phí lớn hơn 10-20 phút.

Cùng hành vi này, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng nếu để số lượng xe ô tô xếp hàng lớn hơn 150-200 xe hoặc lớn hơn 1-2km. Để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô lớn hơn 20-30 phút.Ngoài ra, Nghị định quy định phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí để xe ôtô xếp hàng chờ trước trạm dài nhất lớn hơn 200 xe hoặc lớn hơn 2km. Để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 30 phút.

Đáng chú ý, phạt tiền từ 50-70 triệu đồng nếu đơn vị quản lý không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục