Lý do người dân Brazil đặt niềm tin vào chính phủ mới

07:03' - 07/01/2019
BNEWS Theo hãng tin Sputnik, tân Tổng thống của Brazil Jair Bolsonaro được kỳ vọng sẽ mang lại một thời kỳ mới cho quốc gia lớn nhất khu vực Mỹ Latinh này.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống theo đường lối cực hữu Jair Bolsonaro của Brazil nhậm chức vào ngày 1/1/2019. Phần lớn giới phân tích đều nhất trí rằng nếu trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Bolsonaro chỉ “lướt qua” các khía cạnh kinh tế (bởi trọng tâm của chính trị gia cực hữu này là cuộc chiến chống bạo lực và tham nhũng cũng như những chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào đảng Lao động cánh tả và các chủ đề về đạo đức) thì chắc chắn những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ, chính quyền mới của ông Brazil sẽ tập trung vào lịch trình kinh tế.

Theo nhận xét của chuyên gia Marcel Balassiano thuộc Viện kinh tế Brazil, bầu không khí lạc quan đang thống trị thị trường tài chính nước này và việc ông Bolsonaro đắc cử với số phiếu cao cũng như nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở Quốc hội sẽ góp phần tạo ra những thuận lợi nhất định trong những tháng đầu của nhiệm kỳ.

Cái gọi là “tuần trăng mật” trong những tháng đầu tiên của chính phủ mới có thể sẽ giúp cho việc thông qua những cải cách (mà Brazil đang cần) được diễn ra một cách nhanh chóng hơn.

Đến thời điểm hiện tại, người dân Brazil vẫn đang đặt niềm tin vào chính phủ mới. Theo kết quả thăm dò của Viện Dư luận và Thống kê Brazil, 75% ý kiến cho rằng ông Bolsonaro đang đưa ra những quyết định đúng đắn trong quá trình chuyển giao quyền lực.

Đáng chú ý trong những quyết định này là việc bổ nhiệm Paulo Guedes đứng đầu “siêu bộ” Kinh tế, một nhà kinh tế học được đào tạo tại Chicago, có xu hướng theo chủ nghĩa tự do mới và chắc chắn sẽ có nhiều tiếng nói trong việc dẫn dắt những chính sách kinh tế, cũng như thực hiện một kế hoạch tư nhân hóa rộng rãi.

Chuyên gia Balassiano nhấn mạnh rằng từ trước đến nay tư nhân hóa luôn là một đề tài gây tranh cãi ở Brazil. Ông Bolsonaro đã khẳng định rõ ràng rằng Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Petrobras đầy quyền lực và các ngân hàng công sẽ được xử lý cuối cùng, nhưng vẫn nằm trong mục tiêu cần được "tư nhân hóa" trong nhiệm kỳ của ông. Trước mắt, chính phủ mới sẽ bắt đầu việc tư nhân hóa từ những công ty nhỏ.

Brazil đang từng bước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, và một số dự báo cho những năm tới cho thấy những tín hiệu khả quan. Hội nghị Công nghiệp Toàn quốc dự báo tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Brazil trong năm 2019 xấp xỉ 2,7%. 

Mặc dù vậy, những kết quả tốt đẹp và sự hài lòng của thị trường tài chính phụ thuộc rất nhiều vào khả năng Tổng thống Bolsonaro "dẫn dắt" Quốc hội. Đảng Xã hội Tự do (PSL) của ông sẽ phải tìm kiếm sự ủng hộ trong một cơ quan lập pháp đang bị phân rẽ và có rất nhiều nghị sĩ mới. 

Chuyên gia Octavio Amorim Neto thuộc Viện nghiên cứu Getulio Vargas nhận định rằng hoạt động quản trị của chính phủ mới sẽ là một thách thức lớn. Nếu chỉ dựa vào những "nhóm cốt lõi" của mình thì ông Bolsonaro có thể sẽ phải chịu thất bại trong việc cải tổ hệ thống lương hưu hoặc có thể chỉ thông qua một chương trình cải cách vô dụng hoặc kém chất lượng. 

Và nếu cuối cùng một cải cách kiểu như vậy được áp dụng thì thị trường tài chính sẽ bắt đầu không tin tưởng vào ông Bolsonaro, đồng real sẽ lao dốc và nhà lãnh đạo này sẽ bước vào một giai đoạn mất dần tỷ lệ ủng hộ của người dân. 

Theo đó, thành công của chương trình kinh tế, với trọng tâm là tự do hóa, tư nhân hóa và xóa bỏ tính quan liêu, cần phải được chính quyền mới làm nổi bật càng sớm càng tốt thông qua việc giảm tỷ lệ thất nghiệp (hiện đang ảnh hưởng tới 12 triệu người Brazil). 

Điều này sẽ giúp nhà lãnh đạo cực hữu Bolsonaro có thể giữ được sự ủng hộ của cử tri tương đương với mức đã nhận được trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 10 vừa qua.

Trên bình diện quốc tế, tất cả đều hướng tới một sự xoay chiều lớn của Brazil với thế giới. Tổng thống Bolsonaro và đội ngũ của ông đã nhiều lần khẳng định sẽ ưu tiên các mối quan hệ song phương chứ không phải là những không gian đa phương như khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) hay Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). 

Cùng với đó, quan hệ với Mỹ sẽ có một vị trí quan trọng trong danh sách những ưu tiên của chính phủ mới. Tổng thống Bolsonaro cũng cam kết sẽ thực thi các biện pháp để siết chặt sự trừng phạt đối với chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. 

Ông Bolsonaro đồng thời cũng mở ra những xung đột ngoại giao với Cuba khi đưa ra những tuyên bố khiến quốc đảo vùng Caribe này “giận dữ” và quyết định rút toàn bộ hơn 8.500 bác sỹ và nhân viên y tế đang làm việc tại các vùng nông thôn và hẻo lánh của Brazil về nước. 

Theo nhìn nhận của giới phân tích, xu hướng này sẽ được làm sâu sắc trong nhiệm kỳ của ông Bolsonaro trên cương vị mới. Và có lẽ, lĩnh vực quan hệ quốc tế sẽ là yếu tố đầu tiên mà dư luận có thể thấy rõ sự thay đổi theo hướng cực hữu tại Brazil. 

Việc xích lại gần Mỹ, gây căng thẳng với các chính phủ cánh tả trong khu vực, cũng như khả năng gây ra một cuộc xung đột với thế giới Arập khi ông Bolsonaro đưa ra cam kết sẽ chuyển trụ sở Đại sứ quán của nước này tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem cũng có thể khiến Brazil trở thành một trung tâm chú ý của dư luận thế giới trong những năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục