Malaysia đang đi đúng hướng để trở thành trung tâm sản xuất xe điện

09:21' - 21/08/2023
BNEWS Hiệp hội ô tô Malaysia cho rằng, với sự hợp tác giữa tập đoàn Zhejiang Geely của Trung Quốc và tập đoàn Tesla (Mỹ) là dấu hiệu rõ ràng về sự tham gia của Malaysia vào thị trường xe điện.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, hãng thông tấn Bernama đã đăng bài viết nhận định Malaysia đang đi đúng hướng để trở thành một trung tâm sản xuất xe điện.

Malaysia sẽ thông qua các cam kết hợp tác với hai hãng chế tạo ô tô điện hàng đầu thế giới là tập đoàn Zhejiang Geely Holding Group Co của Trung Quốc (Geely) và tập đoàn Tesla (Mỹ).

 

Bài viết dẫn lời chủ tịch hiệp hội ô tô Malaysia Mohd Shamsor Mohd Zain cho rằng hợp tác với Geely và Tesla là một dấu hiệu rõ ràng về sự tham gia của Malaysia vào thị trường xe điện.

Theo ông Mohd Shamsor, hai nhà sản xuất ô tô có công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới này sẽ đưa những ý tưởng, cách thức kinh doanh mới cho lĩnh vực ô tô trong nước, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ cao đối với các sản phẩm mới chưa có ở trong nước như thay đổi kỹ thuật các bộ phận của xe, tập trung nhiều vào sản xuất pin cũng như các bộ phận chuyên dụng khác của xe điện.

Ông Mohd Shamsor chia sẻ: “Chúng ta thấy ngành công nghiệp ô tô đã áp dụng nhiều kỹ thuật và cần cơ sở hạ tầng mới với mức độ điện khí hóa khác nhau, từ xe hybrid (chạy bằng xăng và điện) đến xe điện hoàn toàn, đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho lực lượng lao động trong lĩnh vực sản xuất, mở ra các cơ hội mới cho quá trình đổi mới, sản xuất các linh kiện có giá trị cao”.

Malaysia là một trung tâm sản xuất điện, điện tử lớn ở khu vực Đông Nam Á, do đó các nhà sản xuất ô tô và nhà đầu tư có thể tận dụng điều kiện này để đảm bảo chuỗi cung ứng liền mạch nhằm phát triển các thế hệ xe điện tiếp theo.

Ở Malaysia, các nhà sản xuất ô tô điện có thể được cung cấp toàn bộ các phụ tùng, điều kiện cần thiết để sản xuất ô tô, bao gồm chất bán dẫn, cảm biến, máy thu phát sóng, pin, dây chuyền lắp ráp…

Cũng theo ông Mohd Shamsor, với hơn 40 thương hiệu hiện có tại thị trường trong nước, việc có thêm sự tham gia của các tập đoàn, công ty mới sẽ tăng cường khả năng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, điều này sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh hơn, cung cấp cho người dùng thêm sự lựa chọn và nhiều dịch vụ tốt hơn.

Ông nhấn mạnh: “Malaysia vẫn đang trong giai đoạn bắt đầu đối với ngành công nghiệp xe điện, song với sự hỗ trợ tốt của chính phủ cùng sự đón nhận của người tiêu dùng, chúng tôi dự đoán thị trường xe điện sẽ tăng trưởng một cách nhanh chóng và toàn diện”.

Cũng vể vấn đề trên, Phó Hiệu trưởng trường đại học Icats ở Malaysia, Giáo sư Datuk Dr Shazali Abu Mansor nhận định xe điện đang là thị trường phù hợp với bối cảnh của ngành sản xuất ô tô trong nước, đồng thời ngành công nghiệp này đang tham gia thị trường Malaysia một cách nhanh chóng.

Nước này đang duy trì lợi thế cạnh tranh thông qua việc đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm toàn cầu, do đó việc điều chỉnh cơ cấu việc làm, thuế, phân bổ trợ cấp là những yêu tố cần thiết để có thể thúc đẩy ngành sản xuất xe điện trong thời gian tới.

Malaysia từng là một quốc gia nông nghiệp, song hiện nay nền kinh tế này đã tập trung vào sản xuất và dịch vụ, hướng tới mục tiêu trở thành một quốc gia công nghệ cao vào năm 2030 và ngành công nghiệp xe điện sẽ là một trong những mục tiêu đổi mới trong tương lai.

Tập đoàn Geely và đối tác tại Malaysia, công ty DRB-Hicom Bhd đã công bố kế hoạch phát triển Thung lũng Công nghệ cao ô tô (AHTV) ở thị trấn Tanjung Malim, bang Perak nhằm xây dựng thị trấn này trở thành một trung tâm công nghệ cao tiếp theo ở Malaysia. Dự kiến, kế hoạch này sẽ thu hút được khoảng 32 tỷ RM vốn đầu tư.

Gần đây, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Anwar Ibrahim đã thông báo về việc tập đoàn Geely sẽ đấu tư 45 tỷ RM (10 tỷ USD) để biến thị trấn trên thành khu sản xuất ô tô lớn nhất khu vực.

Theo ông Ibrahim, việc chuyển giao công nghệ từ Trung Quốc sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp liên quan khác, qua đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của Malaysia trên toàn cầu và tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động.

Do đó, chính phủ nước này đang ban hành một gói ưu đãi, bao gồm miễn thuế đất, sản xuất linh kiện, cũng như thành lập các trung tâm nghiên cứu, giáo dục liên quan đến lĩnh vực xe điện.

ASEAN ghi nhận mức tăng trưởng doanh số bán ô tô điện 165% vào năm 2022 với 39.000 xe, trong đó Thái Lan đạt 58%, Indonesia (19,5%), Việt Nam (15,8%) và Malaysia (2,6%). Malaysia đang đặt mục tiêu có số lượng xe điện và xe hybrid đạt 15% tổng công suất sản xuất trong năm 2030 và 38% vào năm 2040./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục