Mãng cầu xiêm Tân Phú Đông dần khẳng định thương hiệu

14:30' - 13/02/2016
BNEWS Từ một cây ăn quả bình thường trong vườn nhà, nông dân huyện cù lao nhiễm mặn Tân Phú Đông đã đưa mãng cầu xiêm vào cơ cấu cây trồng chủ lực tạo nguồn nông sản chất lượng chiếm lĩnh thị trường Tết.
Mãng cầu xiêm Tân Phú Đông dần khẳng định thương hiệu. Ảnh: cayhoacanh

Từ một cây ăn quả bình thường trong vườn nhà, nông dân huyện cù lao nhiễm mặn Tân Phú Đông (Tiền Giang) đã đưa mãng cầu xiêm vào cơ cấu cây trồng chủ lực, hình thành vùng chuyên canh, tạo nguồn nông sản hàng hóa chất lượng chiếm lĩnh thị trường.

Nhờ vậy, càng ngày mãng cầu xiêm Tân Phú Đông càng khẳng định vị thế là cây làm giàu có một không hai, giúp bà con nơi đây ổn định cuộc sống và an cư lạc nghiệp.

* Góp phần xóa đói, giảm nghèo

Nổi tiếng là nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu ở huyện Tân Phú Đông có ông Lê Văn Gạo, ngụ tại ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú.

Gia đình ông Gạo có 3.000 m2 đất trồng lúa, năm 2008 ông quyết định chuyển đổi đất nhiễm mặn từ trồng lúa sang trồng chuyên canh mãng cầu xiêm.

Cũng giống như những bà con đi trước, đầu tiên ông trồng bình bát. Sau khi cây bình bát trồng được một năm bắt đầu ghép cành mãng cầu xiêm vào.

Ở Tân Phú Đông, người nông dân chỉ trồng mãng cầu xiêm theo phương thức ghép trên gốc bình bát để cây chống chịu sâu bệnh và tăng trưởng tốt, năng suất trái cao, chất lượng trái tốt, được thị trường ưa chuộng, đầu ra rất thuận lợi.

Mãng cầu xiêm trồng theo phương thức này chỉ sau ba năm đã cho thu hoạch và từ năm thứ tư cho năng suất ổn định cao.

Với diện tích chuyển đổi trên, trung bình mỗi năm ông Lê Văn Gạo thu hoạch trên 13 tấn quả. Giá bán từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg tùy theo thời điểm, gia đình ông thu khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 100 đến 120 triệu đồng/năm.

Ông Lê Văn Gạo rất phấn khởi cho biết, nhờ kịp thời chuyển đổi sản xuất từ lúa năng suất cao sang trồng mãng cầu xiêm, gia đình ông đã có của ăn của để, không còn phải chạy vạy vất vả và luôn đối mặt với đói nghèo như những năm trước.
Tương tự, ông Võ Minh Tân, cư ngụ tại ấp Gảnh, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông canh tác 9.000 m2 mãng cầu xiêm. Ông Tân cho biết, trung bình mỗi năm ông đạt sản lượng trên 20 tấn quả, thu lãi ròng gần 250 triệu đồng/năm.

Nhờ cây trồng đặc sản của miền đất mặn này, gia đình ông đã tạo dựng được cơ nghiệp vững vàng, là điển hình nông dân giỏi của tỉnh Tiền Giang.

Ngoài ông Lê Văn Gạo, ông Võ Minh Tân, còn có nhiều nông dân làm giàu từ vườn mãng cầu xiêm như Hai Khăm, Trần Văn Bảy, Trần Ngọc Sương, Nguyễn Phúc Chương, Nguyễn Thành Ngoan (ấp Tân Thành, xã Tân Phú), Đặng Văn Trong, Võ Văn To (ấp Tân Ninh, xã Tân Phú), Nguyễn Văn Tư (ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú)…

* Hình thành vùng chuyên canh

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông đánh giá, với hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt cùng khả năng thích nghi cao với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, cây mãng cầu xiêm được xác định là một trong những cây trồng chủ lực cần phát huy của địa phương.

Nhờ công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật cùng các giải pháp khuyến khích của nhà nước và sự năng động, nhạy bén của nông dân nên diện tích mãng cầu xiêm những năm gần đây tăng rất nhanh. Hầu hết nông dân chuyển đổi đất lúa sang trồng mãng cầu xiêm đều thành công, thu nhập cao.
Theo thống kê, toàn huyện Tân Phú Đông có 858 ha mãng cầu xiêm, lớn nhất tỉnh Tiền Giang; trong đó diện tích cho thu hoạch gần 600 ha, năng suất bình quân từ 18 – 20 tấn/ha, sản lượng mỗi năm trên 11.000 tấn quả.

Với giá bán khoảng 15.000 đồng/kg, mỗi ha mãng cầu xiêm đạt giá trị sản lượng 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên dưới 200 triệu đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, mãng cầu xiêm khi được đưa vào trồng đại trà thành vùng chuyên canh lớn tại huyện cù lao phát sinh dịch bệnh rất khó phòng trị, đặc biệt là bệnh thối rễ, chết cành.

Mãng cầu xiêm trồng theo phương thức này chỉ sau ba năm đã cho thu hoạch và từ năm thứ tư cho năng suất ổn định cao. Ảnh: mangcauxiem

Nhằm giúp nông dân phòng trị có hiệu quả bệnh thối rễ, chết cành trên cây mãng cầu xiêm, Ts. Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cùng các nhà khoa học của Viện đã đúc kết thành quy trình quản lý tổng hợp; trong đó khuyến cáo các giải pháp đồng bộ từ chọn giống tốt, làm đất, quy hoạch vườn tược, mật độ trồng, xử lý mầm bệnh và chăm sóc, thâm canh theo khoa học…

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, từ khi có kết quả nghiên cứu và đúc kết thành quy trình quản lý tổng hợp bệnh thối rễ, chết cành trên mãng cầu xiêm, trong hai năm 2013 – 2014, Chi cục đã kết hợp cùng Viện Cây ăn quả miền Nam triển khai hàng trăm cuộc tập huấn, hội thảo, chuyển giao quy trình thâm canh, phòng chống bệnh thối rễ, chết cành trên mãng cầu xiêm tại các địa bàn vùng chuyên canh: Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Tân Thạnh… của huyện Tân Phú Đông.

Qua đó, những vườn quả tuân thủ quy trình được khuyến cáo có 80% cây đã phục hồi tốt. Năm 2015, tỉnh đầu tư trên 118 triệu đồng xây dựng 3 mô hình trình diễn kỹ thuật thâm canh mãng cầu xiêm đồng thời tổ chức 30 cuộc hội thảo, tập huấn thu hút khoảng 1.500 lượt nông dân.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, đến năm 2020 tỉnh mở rộng vùng chuyên canh tại đây lên 1.250 ha, tập trung chủ yếu tại 5 xã trọng điểm là Tân Phú, Tân Thạnh, Tân Thới, Phú Thạnh và Phú Đông.

Để đảm bảo thành công của chương trình chuyển đổi và mở rộng vùng trồng chuyên canh mãng cầu xiêm, tỉnh Tiền Giang tranh thủ sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của các cơ quan chức năng đóng trên địa bàn tích cực triển khai việc khảo sát, tuyển chọn các cá thể giống mãng cầu xiêm tốt, cho năng suất cao, ổn định, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt để nhân rộng và phát triển thay thế các cây đã già cỗi.

Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng và cập nhật quy trình canh tác khoa học cũng như biện pháp phòng trừ sâu bệnh hữu hiệu cho cây mãng cầu xiêm trong nông dân.

Ngoài ra, tỉnh xây dựng các điểm trình diễn kỹ thuật, tập huấn, hội thảo, định hướng bà con sản xuất theo mô hình VietGAP, GlobalGAP gắn với xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

Từ đó, hình thành các chuỗi cung ứng, tiêu thụ thông qua loại hình kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác, nhằm đưa mãng cầu xiêm Tân Phú Đông chiếm lĩnh thị trường, nông dân hưởng lợi.

Ông Nguyễn Văn Hải khẳng định, nếu khống chế tốt dịch bệnh thối rễ, chết cành với sự chung tay của các cấp, các ngành, các nhà khoa học và nông dân, cây mãng cầu xiêm Tân Phú Đông sẽ là nhân tốt quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp nông nghiệp – nông dân – nông thôn miền đất nhiễm mặn, thiên nhiên khắc nghiệt thay đổi diện mạo, đi lên làm giàu từ cây trồng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục