Mạnh tay với "giặc lửa" để giữ rừng trong mùa khô

18:45' - 11/03/2024
BNEWS Ngày 11/3, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức đoàn kiểm tra các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao và công tác ứng phó, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô.

Tây Ninh hiện có khoảng trên 73.000 ha rừng, trong đó diện tích có rừng là hơn 66.000ha

Bà Trần Thị Ngân Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cho biết, thời tiết nắng nóng gay gắt, khô hạn kéo dài nhiều tuần qua, cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh đang ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm); các trảng cỏ, vạt rừng ven đường dễ bị cháy lớn khi có lửa.

 

Ngay từ đầu mùa khô, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã trình Ủy ban nhân tỉnh ban hành các văn bản triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy và chống phá rừng để chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ rừng thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng mùa khô năm 2023-2024.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra 15 lượt. Trong đó, kiểm tra tại Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát 4 lượt, Khu rừng Phòng hộ Dầu Tiếng 3 lượt, Khu Du lịch Quốc gia Núi Bà Đen 4 lượt...

Các đơn vị chủ rừng đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng của đơn vị; xây dựng quy chế, kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong công tác phòng cháy, chữa cháy và chống phá rừng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ cháy rừng trồng với diện tích 4.985m2 (tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm trước), gây thiệt hại thảm thực bì dưới tán, héo lá cây rừng trồng. Ngoài ra, còn một số trường hợp cháy tại các khu vực bàu, trảng chỉ ảnh hưởng đến thảm thực vật dưới tán, không ảnh hưởng đến cây rừng. Nhìn chung, đơn vị chủ rừng đã kịp thời phát hiện và chữa cháy, không gây cháy lan, cháy lớn.

Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, các đơn vị chủ rừng đã chủ động phối hợp với Kiểm lâm địa bàn, chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở người dân sống gần rừng, ven rừng về công tác phòng cháy, chữa cháy và chống phá rừng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; ký bản ghi nhớ, cam kết đối với các hộ nhận khoán trồng rừng; rà soát, tu sửa hoặc lắp mới các biển tuyên truyền tại các địa bàn rừng. Các đơn vị chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và triển khai theo quy định; chủ động rà soát, sửa chữa, mua sắm mới các phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, bố trí tại các trạm, chốt, đội bảo vệ rừng; thường xuyên kiểm tra, vận hành, luôn trong tình trạng sẵn sàng, chủ động ứng phó khi có cháy rừng xảy ra.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, dự báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh rất cao, lực lượng Kiểm lâm và các lực lượng chức năng có liên quan đã có kế hoạch chủ động ứng phó. Tại các điểm có nguy cơ cháy rừng cao, các đơn vị đã tập kết các phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cử các đội, tổ tuần tra thường xuyên. Các đơn vị được giao nhiệm vụ đã chủ động các phương án phối hợp theo quy chế đã được thực hiện trong những năm qua.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống cháy rừng cho người dân; phối hợp với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia thực hiện tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác về nguy cơ cháy rừng đến người dân khu vực có rừng trên tuyến biên giới, không để có những hành vi tùy tiện dẫn đến nguy cơ cháy rừng. Khi có nguy cơ cháy rừng, người dân nhanh chóng thông báo cho cơ quan chức năng để chủ động thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy. Các đơn vị chủ rừng phải thực hiện nghiêm các cam kết đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng.

Các huyện có rừng xây dựng kế hoạch, giải pháp đồng bộ, phối hợp với lực lượng Kiểm lâm để chủ động các phương án chữa cháy khi xảy ra cháy rừng, không để cháy lan và hình thành những điểm cháy lớn. Lực lượng Kiểm lâm và các địa phương có rừng thường xuyên rà soát các trang thiết bị, đề xuất thay thế thiết bị cũ, hư hỏng, mua sắm thêm các trang thiết bị chuyên dụng để chủ động phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. ực lượng chức năng thực hiện tốt, hiệu quả, cụ thể cơ chế phối hợp, thực hiện phòng cháy, chữa cháy kịp thời đảm bảo theo các phương án phòng cháy, chữa cháy đã được phê duyệt.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục