Margin tăng nhanh, công ty chứng khoán không kịp “trở tay”

20:59' - 11/10/2021
BNEWS Nhiều công ty chứng khoán tăng vốn để nới room margin, nhưng lượng margin tăng thêm cũng nhanh chóng được thị trường hấp thụ.
Thị trường chứng khoán diễn biến sôi động khiến nhu cầu vay margin tăng cao. Công ty chứng khoán đã và đang đẩy mạnh tăng vốn để đáp ứng yêu cầu cho vay. Tuy nhiên, tới nay tình trạng căng cứng margin vẫn tiếp diễn. Việc tăng nhanh cho vay margin, giúp doanh thu của các công ty chứng khoán tăng cao. Dù vậy, margin cũng được ví như “dao hai lưỡi”, ngoài những lợi ích mang lại thì cả công ty chứng khoán và nhà đầu tư cần cẩn trọng khi thực hiện nghiệp vụ này.

*Xu hướng tăng dư nợ margin...

dư nợ margin (vay ký quỹ) đã đạt đỉnh vào tháng 6, nhưng các chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, nợ cho vay margin sẽ tiếp tục tăng, do thanh khoản cải thiện và tỷ lệ thâm nhập thị trường của nhà đầu tư gia tăng. Quan trọng hơn, các công ty chứng khoán đang đẩy mạnh tham gia vào thị trường tín dụng, mở rộng tín dụng cho các công ty dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp và cho vay margin, với các điều khoản linh hoạt hơn so với tín dụng ngân hàng.

Đồng quan điểm, Công ty cổ phần FiinGroup cho biết, dư nợ cho vay margin đạt trên 126,3 nghìn tỷ đồng vào cuối quý II/2021, nhưng chỉ chiếm phần nhỏ so với thanh khoản hiện nay. Tuy nhiên, việc margin tăng dần kể từ quý II/2020 cho thấy kỳ vọng của công ty chứng khoán đối thị trường.

Xu hướng gia tăng này sẽ còn tiếp tục sau khi nhiều công ty chứng khoán đã và sẽ tăng vốn để đảm bảo an toàn về mặt chỉ số theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo ước tính của FiinGroup, tổng số vốn tự có dự kiến tăng thêm là 18,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2021. Từ đầu năm đến nay đã hoàn thành tăng vốn gần 12 nghìn tỷ đồng. Điều này sẽ cho phép các công ty chứng khoán tăng trần vốn vay, thêm tối đa là 24 nghìn tỷ đồng để phục vụ hoạt động cho vay margin, giúp tăng lợi nhuận.

Theo quy định, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ không được vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều công ty đã và đang thực hiện nâng vốn để nới room margin.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, diễn biến thị trường tăng mạnh khiến nhu cầu đầu tư rất lớn. Lượng margin cũng đạt mức kỷ lục khi các công ty chứng khoán đẩy mạnh tăng vốn và tìm nguồn để cung cấp cho thị trường chứng khoán.

Đơn cử, mới đây Công ty cổ phần Chứng khoán Thành Công (mã chứng khoán: TCI) đã chốt danh sách trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 4%, đồng thời chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 100% nhằm nâng quy mô vốn điều lệ lên trên 1.000 tỷ đồng. Mục đích tăng vốn được công ty chia sẻ là để đẩy mạnh hoạt động cho vay ký quỹ.

Thực tế, mảng cho vay ký quỹ đang ngày càng đóng góp lớn cho doanh thu của các doanh nghiệp chứng khoán. Công ty cổ phần Chứng khoán Thành Công ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng năm 2021 đạt lần lượt khoảng 240 tỷ đồng và hơn 175 tỷ đồng, vượt kế hoạch đặt ra từ đầu năm lần lượt là 129% và 175%.

Với Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, số dư nợ cho vay ký quỹ đến ngày 30/9 đạt 18.100 Tỷ đồng, tăng 2.600 Tỷ đồng so với quý trước, có thể tiếp tục có số dư nợ cho vay lớn nhất thị trường.

Tại thời điểm 30/6, SSI cho vay gần 16.200 tỷ đồng; trong đó, 15.500 tỷ đồng cho vay ký quỹ và hơn 600 tỷ đồng ứng trước tiền bán cho khách hàng. Doanh thu từ mảng cho vay ký quỹ 9 tháng của năm 2021 đã tăng hơn 4 lần.

Theo MBS, để cạnh tranh và thu hút khách hàng, nhiều công ty chứng khoán có động thái giảm lãi cho vay và phí giao dịch. Xu hướng hạ lãi suất cho vay margin là tất yếu và các công ty chứng khoán không hạ lãi suất sẽ đứng trước nguy cơ mất khách hàng.

Năm 2019, lãi suất cho vay margin thường dao động trong khoảng 12-14%/năm, nhưng đã giảm xuống dưới 12% trong năm 2020 và dao động quanh mức 10-12% năm 2021. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các chứng khoán đang áp dụng mặt bằng phí giao dịch thấp, quanh mức 0,2%, thậm chí một số công ty chứng khoán áp mức phí 0% như Công ty cổ phần Chứng khoán Pinetree, Công ty cổ phần Chứng khoán AIS hay Công ty cổ phần chứng khoán VPS.

Thực tế, tuy  dòng tiền margin có tác dụng kích hoạt thị trường chứng khoán sôi động, nhưng việc sử dụng đòn bẩy margin được ví như “dao hai lưỡi”. Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, với quy mô thị trường như ở Việt Nam, các công ty chứng khoán phải hết sức cẩn trọng vì hiện tại margin tương đối nhiều. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu các công ty chứng khoán tuyệt đối “thượng tôn pháp luật”, tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán và các luật liên quan.

*Công ty chứng khoán không kịp “trở tay”

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, với tốc độ nhu cầu sử dụng margin tăng nhanh chóng khiến nhiều công ty chứng khoán không kịp “trở tay”.

Thực tế, tình trạng căng margin không phải gần đây mới có. Tình trạng này đã bắt đầu từ cuối năm 2020 cho đến tháng 6 năm 2021. Sau đó một số công ty chứng khoán tăng vốn, ví dụ như Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt và Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS Việt Nam)… Những công ty này khi tăng vốn lên và tăng được lượng cho vay margin. Tuy nhiên, lượng margin tăng thêm cũng nhanh chóng được thị trường hấp thụ cho thấy rằng dư nợ margin hiện nay rất lớn. “Hiện nay nguồn margin của thị trường không đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư”, ông Minh nói.

Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới cuối tháng 9 đạt hơn hơn 3,69 triệu đơn vị, tương dương 3,8% dân số cả nước. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ số tài khoản chứng khoán so với tổng dân số đến 2025 là 5%. Qua đó, có thể thấy tốc độ tăng trưởng số tài khoản của thị trường chứng khoán rất nhanh, trong khi đó tốc độ tăng vốn của các công ty chứng khoán chậm hơn.

Vị chuyên gia này cho rằng, các kênh đầu tư hiện đang kém hấp dẫn, ví dụ như kênh tiết kiệm có lãi suất thấp, sản xuất và dịch vụ, du lịch đình trệ, khiến tiền “đổ” vào chứng khoán nhiều, dẫn đến câu chuyện là nguồn margin không thể đáp ứng được.

Tốc độ tăng nhanh như vậy nên năm 2020-2021, các công ty chứng khoán thực hiện tái cấu trúc lại khoản cho vay, thay vì cho vay cổ đông lớn, khách hàng VIP thì công ty chứng khoán chuyển dần sang cho vay khách hàng nhà đầu tư nhỏ lẻ. Dù là nhà đầu tư nhỏ nhưng có giao dịch mua bán thường xuyên, mang lại doanh thu tốt hơn so với cổ đông lớn khi họ chỉ mua nắm giữ mà không thực hiện giao dịch.

Ông Minh cho rằng, margin cao sẽ tác động cục bộ tới nhóm cổ phiếu và từng cổ phiếu. Nếu lượng tiền chảy vào cổ phiếu đầu cơ, vốn hóa nhỏ quá nhiều sẽ tạo ra rủi ro khá cao đối với cả công ty chứng khoán và nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây chỉ ảnh hưởng tới từng nhóm hoặc từng cổ phiếu chứ không ảnh hưởng tới cục bộ toàn thị trường.

Trong giai đoạn thị trường hiện nay với thanh khoản cao và rất nhiều cổ phiếu có câu chuyện riêng, nhà đầu tư không nên dùng margin đối với cổ phiếu có yếu tố đầu cơ, bởi yếu tố về đầu cơ thì tình trạng mất thanh khoản cổ phiếu xảy ra cao. Đặc biệt là nhà đầu tư dùng margin không “thoát” được hàng, chắc chắn các công ty chứng khoán sẽ thực hiện bán giải chấp. Nếu trường hợp không bán được giải chấp chính cổ phiếu đó, họ có thể bán các cổ phiếu trong danh mục khách hàng.

Để tránh trường hợp rủi ro về margin cao trong bối cảnh thị trường đang tích cực như hiện nay, công ty chứng khoán cần tiết chế cho vay với những cổ phiếu có lịch sử đầu cơ. Việc đua theo những xu hướng biến động của các cổ phiếu đầu cơ sẽ tạo ra rủi ro cho chính công ty chứng khoán.

Với nhà đầu tư thì càng cần tiết chế việc sử dụng margin đối với cổ phiếu đầu cơ. Bởi, nếu nhà đầu dùng margin mua cổ phiếu vốn hóa lớn, khi gặp độ biến động, yếu tố đảo chiều vẫn có thể thoát hàng, cắt margin. Còn với cổ phiếu không có thanh khoản cao mà có tính chất đầu cơ, nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro. Công ty chứng khoán cũng nên thường xuyên cảnh báo về vấn đề này, dù quyết định việc mua bán là do chính nhà đầu tư.

Theo quan sát của ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt-TVSI, margin hiện tại của các công ty chứng khoán hầu như đều “căng cứng”, dù nhiều công ty chứng khoán thực hiện tăng vốn trong giai đoạn vừa qua, nhưng lượng margin mới rất nhanh chóng được hấp thụ hết.

Theo ông Nam, lượng cổ phiếu ngân hàng niêm yết trong thời gian qua rất nhiều, giá cổ phiếu cũng tăng mạnh khiến sức mua tăng thêm. Bên cạnh đó, lượng tiền của nhà đầu tư mới đổ vào thị trường rất lớn, giúp thị trường thêm sức cầu.

“Thêm sức cầu có nghĩa là tiền từ bên ngoài chảy vào thị trường chứng khoán cũng tương đối mạnh nên hiện tượng căng cứng này có thể chỉ thể hiện rằng nhu cầu của nhà đầu tư đang rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng trên thị trường là chưa theo kịp”, ông Nam nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục