Mía đường trước sức ép hội nhập: Phú Yên gỡ “nút thắt” giá thành nguyên liệu

12:03' - 23/04/2018
BNEWS Phú Yên là một trong những địa phương có vùng mía nguyên liệu lớn với diện tích 25.500 ha. Vùng trồng mía hầu hết đều tập trung ở các huyện miền núi khó khăn như Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân.
Chuyển đổi trồng mía trên đất bãi cho năng suất cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp ở vùng miền núi, cây mía vẫn được xác định là một trong những cây trồng chủ lực. Do vậy, trước thực trạng khó khăn của ngành mía đường hiện nay, từ nông dân, nhà máy cho đến chính quyền địa phương đang nỗ lực thay đổi phương phức canh tác, nhằm giảm giá thành và ổn định vùng mía nguyên liệu. 

*Chuyển đổi vùng mía năng suất kém 

Sơn Hòa là huyện có diện tích mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh Phú Yên với trên 15.300 ha; trong đó, quy hoạch cho nhà máy đường KCP (100% vốn nước ngoài) là 13.400 ha. 

Niên vụ mía 2017-2018, các nhà máy đường đã chính thức vào vụ ép từ tháng 1/2018. Đến nay đã gần cuối vụ ép nhưng tiến độ thu mua mía cho nông dân rất chậm. Hầu hết diện tích mía đều đã quá thời kỳ thu hoạch từ 1 đến 2 tháng. 

Với giá mía thấp (800.000 đồng/tấn với chữ đường 10CCS), giảm 150.000 đồng/tấn so niên vụ trước; trong khi giá nhân công và chi phí vận chuyển lên đến 300.000 đồng/tấn nên cây mía năng suất đạt khoảng 60 tấn/ha thì nông dân thua lỗ. Nếu mía đạt năng suất từ 80 tấn/ha trở lên và chữ đường cao (10CCS trở lên) thì mới có lãi. 

Để giảm giá thành sản xuất mía nguyên liệu từ đó đảm bảo thu nhập ổn định cho nông dân trồng mía, chính quyền địa phương đang tính đến phương án chuyển đổi cây trồng ở những vùng mía năng suất kém. 

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Hòa cho biết, thời gian tới có thể giá mía cũng sẽ ngang với thế giới nên Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn tìm cách giảm diện tích mía năng suất kém để chuyển sang cây trồng khác. Còn vùng nguyên liệu vẫn sẽ đảm bảo giữ vững cho các nhà máy đường hoạt động. 

Thực tế, việc chuyển đổi cây trồng ở những diện tích mía năng suất kém đang được các địa phương thực hiện bước đầu đem lại hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng. Ông Nguyễn Minh Vương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa cho biết, trên địa bàn xã có 1.800 ha mía nhưng đến thời điểm này mới thu hoạch 950 ha, đồng thời giá bán thấp nên bà con có xu hướng chuyển sang trồng cây khác. 

Kết hợp với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới Ủy ban nhân dân xã đang vận động cho bà con chuyển đổi cây trồng ở các cánh đồng cây mía phát triển kém. Một số loại cây trồng được chọn như cây ăn trái, cây chuối mô… Số diện tích này mới chỉ là thí điểm nhưng đã phát huy hiệu quả kinh tế. Từ đây sẽ nhân rộng, diện tích cây mía kém hiệu quả thì chuyển sẽ chuyển đổi, còn năng suất cao sẽ giữ lại. 

Không chỉ có chính quyền địa phương đưa ra chủ trương chuyển đổi cây trồng để nâng cao năng suất và chất lượng mía mà việc này cũng được nhà máy đồng tình. 

Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (nhà máy đường KCP) cho biết, thực tế, trong vùng nguyên liệu công ty cũng đã ra soát lại. Đối với ngành nông nghiệp và những cây trồng nông nghiệp khi có sự biến động người nông dân cây trồng nào có lợi thì trồng. Theo khảo sát của công ty thì có hộ trồng mía lưu gốc vụ 4 nên sẽ phá và luân phiên cây trồng khác 1 năm. Hoặc có những hộ trồng mía có năng suất thấp thì chuyển sang cây trồng khác. Nếu năng suất mía tăng lên thì chắc chắn cả nông dân và nhà máy đều có lợi. 

*Xây dựng cánh đồng mía lớn 

Cùng với tăng năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, từ nông dân cho đến chính quyền địa phương và nhà máy đường đang nỗ lực để xây dựng cánh đồng mía lớn. Việc này là điều kiện để cải tiến sản xuất nhằm giảm thiểu tối đa chi phí đầu vào sản xuất. Vùng nguyên liệu mía có sự ổn định, phát triển bền vững. 

Ông Đoàn Khắc Miên, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa là một trong những người nông dân có tâm huyết với cây mía trong 20 năm qua. Ông luôn ao ước có những cánh đồng lớn để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. 

Ông Miên chia sẻ, cần có cánh đồng mẫu lớn và công nghệ hiện đại thì mới đọ được với các các nước trên thế giới. Hiện nay vấn đề khó khăn nhất là khâu thu hoạch, người nông dân đang thực hiện thủ công bằng cách chặt từng cây mía nên năng suất thấp chỉ bằng một phần của cơ giới. 

"Gia đình tôi có 10 ha mía, đã áp dụng triệt để mọi máy móc để canh tác như khâu cày, diệt cỏ, trồng hom đến tưới; hệ thống tưới cũng tốt nhất ở đây thì mới có năng suất đạt hơn 100 tấn/ha được. Nhưng đồng đất vẫn còn manh mún", ông Miên nói. 

Trên cơ sở hồ chứa nước Suối Vực được xây dựng tại xã Suối Bạc với dung tích chứa hơn 10,5 triệu m3 nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã làm việc với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cũng như các đơn vị tư vấn để thiết kế lại đồng ruộng, tuyến mương thuộc địa bàn 2 xã Sơn Nguyên và Suối Bạc để hình thành cánh đồng mía lớn với diện tích khoảng 1.000 ha lấy nước từ hồ Suối Vực. 

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Hòa cho biết thêm, đến nay kế hoạch này đã thống nhất và đề nghị nhà máy đường KCP hỗ trợ ngân sách cùng với địa phương để thực hiện. Huyện và các xã Sơn Nguyên, Suối Bạc họp dân để thực hiện một cánh đồng lớn không còn manh mún. Thâm canh cây mía là để nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu. Với xu thế hiện nay thì phải có cánh đồng mẫu lớn để áp dụng cơ giới hóa và xây dựng chuỗi giá trị cho cây mía. 

Khi chính quyền đã có chủ trương, nông dân đồng thuận thì nhà máy cũng sẵn sàng đóng góp kinh phí để thực hiện việc trồng mía có tưới trên cánh đồng lớn. 

Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam khẳng định, chi có sự đồng thuận của người dân, KCP sẽ tiếp tục làm việc với Ủy ban nhân dân xã tỉnh Phú Yên và huyện Sơn Hòa để thực hiện cam kết của mình trước đây là trồng mía trong điều kiện có tưới ở hồ Suối Vực. 

Ngoài ra, để phục vụ cho việc cải tạo, thay thế dần những giống mía cũ, các nhà máy đường cũng đã tuyến chọn giống mía mới cho năng suất cao và hợp đồng với nông dân trồng hơn 1.500 hecta mía giống với sản lượng đạt hơn 100.000 tấn để cung cấp cho vùng nguyên liệu. 

*Gắn kết và chia sẻ 

Trong giai đoạn khó khăn của ngành mía đường, để nông dân và doanh nghiệp đều có lợi ích kinh tế cần thêm sự gắn kết và chia sẻ. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ các chính sách khuyến nông, vay vốn tín dụng ưu đãi. Niên vụ mía 2017-2018, nhà máy đường KCP đã ký kết hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho khoảng 10.000 hộ nông dân với kinh phí 320 tỷ đồng để trồng mía. Việc liên kết giữa nhà máy đường với người trồng mía đã được thực hiện thì càng phải làm tốt hơn. 

“Không chỉ ở thời điểm khó khăn này mới tính chuyện liên kết với người nông dân mà điều này chúng tôi đã làm từ nhiều năm nay và sẽ tiếp tục các chính sách này. Thời gian tới KCP cùng với nông dân quyết tâm hạ giá thành sản phẩm sản xuất mía. Tất cả các khâu cần áp dụng cơ giới hóa thì hiệu quả mới cao. Công ty cũng sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ với nông dân như vay vốn không tính lãi để chia sẻ khó khăn với họ trong thời điểm này”. Đó là cam kết của ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam với nông dân trồng mía trong vùng nguyên liệu. 

Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, chính quyền địa phương cũng có nhiều chính sách hộ trợ người trồng mía phát triển sản xuất. Gần đây, những mô hình khuyến nông như tưới mía bằng pet phun quay tự động, tưới mía nhỏ giọt, tưới mía bằng năng lượng mặt trời, các chương trình cho vay vốn mua máy cơ giới phục vụ sản xuất... đang mang lại hiệu quả. 

Ông Đoàn Đắc Miên ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) cho biết có một nửa trong số 10 ha trồng mía của gia đình được áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt. Nhờ vậy, không chỉ góp phần đưa năng suất tăng từ 70 tấn/ha lên 120 tấn/ha, mà chi phí trồng mía cũng giảm thấp. Cụ thể như một ha mía chi phí đầu tư hệ thống ống nhỏ giọt chỉ tốn 30 triệu đồng/ha nhưng sử dụng liên tục 5 năm; đồng thời với hệ thống ống này ông tiết kiệm rất nhiều chi phí nhân công khi phải tưới bằng thủ công, tiết kiệm được phân bón…. 

Ông Phạm Đình Phụng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Hòa cho biết, chính quyền địa phương đã kết nối rất nhiều chương trình khuyến nông để hỗ trợ nông dân trong sản xuất. Các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ hay cơ giới hóa đang lan tỏa ra nhiều địa phương. Đây là một phần kinh phí của huyện, của chương trình khuyến nông và thông qua các chương trình vay vốn của ngân hàng. 

Tuy chỉ hổ trợ từ 10 đến 15 triệu đồng/ha nhưng có hiệu quả cao. Các mô hình này cho năng suất mía bình quân là 90 tấn/ha, cá biệt đến 120 tấn/ha. Huyện Sơn Hòa đã có phương án khảo sát nơi nào có nguồn nước sẽ đầu tư đường điện, để trên cơ sở đó nông dân sẽ tự bỏ vốn hoặc vay tín dụng ưu đãi để mua sắm máy bơm phục vụ tưới cho cây trồng. 

Gỡ khó cho ngành mía đường ở Phú Yên cần nhiều giải pháp, trong đó, “nút thắt” lớn nhất là giảm chi phí trồng mía hiện đang quá cao. Thực tế, trong sản xuất đường, chi phí mía nguyên liệu chiếm tỷ trọng từ 70% - 80% giá thành sản xuất. Tỉnh Phú Yên đã và đang tìm những giải pháp để gỡ “nút thắt” này. Trên cơ sở đó, từ nông dân đến chính quyền địa phương và nhà máy sớm đưa ra những cam kết cùng nhau nỗ lực để thực hiện. Đây là những tín hiệu tốt để cây mía ở Phú Yên tiếp tục mang về lợi ích kinh tế./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục