Miền Trung - vùng đất để đến, trải nghiệm và trở lại - Bài 2: Nâng tầm nghệ thuật thưởng thức di sản

11:24' - 15/04/2025
BNEWS Là vùng đất giàu tiềm năng chưa được khai thác hết nhưng để du lịch di sản miền Trung thật sự thăng hoa, yếu tố then chốt ngoài quảng bá hay đầu tư hạ tầng còn có cả nghệ thuật thưởng thức di sản.

Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng của du lịch miền Trung khi các địa phương đồng loạt triển khai chương trình lớn, mang tầm chiến lược. Từ tâm điểm là Năm Du lịch Quốc gia - Huế 2025 “Huế - Kinh đô xưa - Vận hội mới” cho đến các chiến dịch kích cầu tại Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, miền Trung đang dần hình thành bản hòa tấu di sản, nơi mỗi địa phương là một nhạc cụ cùng tạo nên bản giao hưởng du lịch đặc sắc và mạnh mẽ.

 

Đa trải nghiệm, tạo xu hướng

Giám đốc Sở Du lịch thành phố Huế Trần Thị Hoài Trâm cho biết, năm 2025, năm Du lịch quốc gia trở lại Huế lần thứ 2, là "cơ hội vàng" để ngành du lịch Cố đô kết nối và tạo được dấu ấn, khai thác hết tiềm năng, lợi thế, phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, ngành tiếp tục quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung và thành phố Huế nói riêng đến du khách trong và ngoài nước.

Thành phố Huế xây dựng thêm nhiều sản phẩm tour, tuyến trải nghiệm mới, có tính sáng tạo cao gắn với tiềm năng lợi thế của địa phương: Các sản phẩm và dịch vụ xoay quanh thương hiệu đặc trưng như “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, “Huế - Thành phố Lễ hội”; các show diễn về áo dài; hoạt động trình diễn, trải nghiệm về ẩm thực; Chung kết cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2025, Festival võ thuật Cố đô; Du lịch làng nghề, du lịch sinh thái gắn với giá trị các phố cổ, làng cổ, nhà vườn sẽ được phát huy hiệu quả đáp ứng nhu cầu của nhiều thành phần thị trường, đưa Huế trở lại bản đồ du lịch quốc tế bằng diện mạo mới mẻ và sống động hơn bao giờ hết.

Ở đầu phía Bắc, Quảng Bình tiếp tục đầu tư vào sản phẩm du lịch mạo hiểm, sinh thái, khám phá hang động, trong đó Phong Nha - Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng vẫn là điểm sáng toàn cầu, giải pháp cho tham vọng đón 5,5 triệu lượt khách năm 2025.

Quảng Trị lựa chọn hướng đi bằng chiều sâu lịch sử. Những địa danh như: Thành cổ Quảng Trị, cụm di tích cầu Hiền Lương - sông Bến Hải hay tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại được khoác áo mới nhờ công nghệ kể chuyện số và du lịch tri ân. Năm 2025, địa phương tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức lễ hội và đầu tư hệ sinh thái dịch vụ quanh các điểm đến chiến lược.

Là đô thị hiện đại nhất miền Trung, Đà Nẵng tiếp tục giữ vai trò là trung tâm kết nối. Với khẩu hiệu "Tận hưởng Đà Nẵng 2025 - Đa trải nghiệm", thành phố này tổ chức chuỗi lễ hội âm nhạc, ẩm thực, thể thao biển và lễ hội pháo hoa quốc tế...

Các đường bay quốc tế được mở rộng, cảng biển chuyên dụng cho tàu du lịch sẽ được đầu tư, hệ sinh thái công nghệ số được ứng dụng sâu trong quản lý và truyền thông du lịch. Tất cả giúp Đà Nẵng trở thành cầu nối năng động, kết nối hiệu quả các tuyến du lịch xuyên vùng.

Vùng đất với các địa danh như Hội An, Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm đang tích cực làm mới sản phẩm du lịch bằng cách khai thác chiều sâu bản địa kết hợp xu hướng hiện đại. Các tuyến du lịch sinh thái, nông nghiệp, cộng đồng ở vùng núi phía Tây được thúc đẩy nhằm bổ sung sắc màu mới cho hành trình vốn quen thuộc Hội An - Mỹ Sơn - biển Cửa Đại.

Nâng tầm nghệ thuật thưởng thức di sản

Là vùng đất giàu tiềm năng chưa được khai thác hết nhưng để du lịch di sản miền Trung thật sự thăng hoa, yếu tố then chốt ngoài quảng bá hay đầu tư hạ tầng còn có cả nghệ thuật thưởng thức di sản.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Huế chia sẻ: "Tôi nhiều lần góp ý với ngành du lịch về việc nâng tầm nghệ thuật thưởng thức di sản. Ví như ca Huế - nếu chỉ đưa du khách mệt mỏi sau chặng đường dài lên thuyền nghe nhạc mà không có sự chuẩn bị về cảm xúc, rất khó thẩm thấu được chiều sâu văn hóa".

Câu chuyện ấy cũng đúng với Thánh địa Mỹ Sơn hay bất kỳ di sản nào - vật thể hay phi vật thể. Trước khi chạm đến giá trị tinh thần, cần một hành trình "gột rửa tâm trí" để du khách thư giãn, thảnh thơi và sẵn sàng tiếp nhận giá trị văn hóa một cách trọn vẹn. Khi đó, trải nghiệm di sản không chỉ là ghé thăm mà trở thành một nghi lễ văn hóa - nơi di sản được đặt đúng vị trí thiêng liêng của nó.

Giám đốc Sở Du lịch thành phố Huế cho biết, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa để kéo dài thời gian lưu trú của du khách là mục tiêu ngành du lịch Huế phấn đấu trong những năm qua. Từng bước, ngành nâng tầm sản phẩm du lịch đáp ứng thị hiếu, nhu cầu trải nghiệm của du khách theo các hình thái nghệ thuật riêng có nhưng không làm mất đi bản sắc, hồn cốt của di sản.

Tại Quảng Trị, nơi gắn với các địa danh lịch sử đặc biệt như Thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, cần tạo nên không gian dẫn truyện mang chiều sâu cảm xúc thay vì chỉ đơn thuần là địa điểm tham quan. Trải nghiệm tại đây nên được thiết kế như một hành trình tri ân - nơi du khách được dẫn dắt bằng cảm xúc, âm thanh, ánh sáng và câu chuyện để thực sự kết nối với ký ức và giá trị của lịch sử.

Tương tự, Quảng Nam - vùng đất của Hội An, Mỹ Sơn cũng cần nâng cấp trải nghiệm bằng nghệ thuật thưởng thức: tổ chức hoạt động hướng dẫn thiền định nhẹ trước khi tham quan Mỹ Sơn, xây dựng không gian trải nghiệm nghệ thuật cổ truyền hoặc tạo các tour “thưởng thức di sản” theo từng giác quan (nhìn, nghe, chạm, cảm nhận). Những điều này không chỉ giúp di sản trở nên gần gũi mà còn được nâng niu đúng tầm văn hóa sâu sắc của nó.

Quan trọng hơn, hành trình ấy cũng có thể mở ra những dịch vụ du lịch mới: Không gian dẫn truyện, trải nghiệm thiền định, trị liệu tinh thần bằng văn hóa… Tất cả tạo nên một nghệ thuật thưởng thức di sản đúng nghĩa - tinh tế, tôn trọng và sâu sắc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục