Mở hướng đi cho nông nghiệp công nghệ cao

14:55' - 09/10/2022
BNEWS Bắc Ninh đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút nguồn lực để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 35-40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh.

Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh Bắc Ninh đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút nguồn lực để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững.

*Hướng đi mới

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh, do anh Nguyễn Thanh Liêm, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du làm Giám đốc đã thực sự mang lại hiệu quả và là niềm mơ ước của người nông dân với lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/năm. Thành công của anh Liêm là nhờ sự tìm tòi, học hỏi, dám nghĩ dám làm, biết ứng dụng các kỹ thuật khoa học công nghệ vào sản xuất. Năm 2015, anh Liêm đã quyết định bỏ công việc ổn định để về làng làm nông nghiệp trong sự ngỡ ngàng của mọi người.

Anh Liêm cho biết, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học, anh xin vào làm việc tại một công ty về sản xuất thực phẩm sạch ở Hà Nội để tích lũy kinh nghiệm.

Tuy nhiên, trong quá trình làm việc anh nhận thấy nông dân canh tác theo phương thức truyền thống, phương pháp canh tác lạc hậu, thiếu khoa học, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền miệng mà không có quy trình kiểm soát sâu bệnh, phân bón với các loại cây trồng.

Do đó, hiệu quả kinh tế thấp, sản phẩm làm ra không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, giá trị kinh tế thấp, không có tính bền vững. Từ thực tế này, anh Liêm đã quyết định về quê để sản xuất nông nghiệp sạch.

Để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, anh đã cải tạo lại khu trang trại hơn 1,3 ha của gia đình. Gọi là trang trại nhưng nơi đây chỉ có những dãy chuồng cũ, ẩm thấp mà nhiều năm trước gia đình anh chăn nuôi bò sữa.

Sau gần 1 năm đầu tư, thuê máy móc cải tạo, dùng chế phẩm sinh học để xử lý đất, anh Liêm chia thành 3 khu sản xuất, trong đó, 2.000m2 ao vừa nuôi thả các loại cá truyền thống như trắm, chép vừa trữ nước tưới rau; chuồng trại chăn nuôi bò, gà và phần lớn diện tích trồng rau sạch.

Dù có nhiều kiến thức về trồng trọt nhưng ban đầu anh Liêm gặp nhiều khó khăn trong việc thử nghiệm các loại cây trồng. Một phần do chưa quen với các giống mới, phần khác vì trồng các loại rau ngắn ngày nên hiệu quả kinh tế không cao.

Không nản chí, năm 2017, anh Liêm huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng hơn 700m2 nhà lưới, trồng 2.200 cây cà chua, hơn 3.000 cây dưa chuột, dưa lê trái vụ và một số loại cây ăn quả theo hướng công nghệ cao. Mô hình này đã mang lại giá trị kinh tế cao gấp 5 lần trồng lúa.

Từ thành công ban đầu, năm 2017, anh Liêm đã liên kết với 7 hộ dân trong xã để thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh, trên diện tích 5ha.

Theo anh Liêm, việc thành lập ra hợp tác xã để liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản không chỉ mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện thu nhập cho nông dân mà còn góp phần phát huy những lợi thế của địa phương, đặc biệt là giải quyết được bài toán được mùa, mất giá ở các hộ sản xuất nhỏ lẻ.

Không chỉ dừng lại ở việc trồng dưa lưới, dưa chuột và cà chua, năm 2020, anh Liêm đã trồng thử nghiệm gần 100 gốc nho xanh và nho tím không hạt.

Sau 6 tháng trồng, nho đã cho thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ thành công ban đầu, năm 2021, Hợp tác xã của anh đã mở rộng diện tích, trồng thêm 1.500 gốc nho gồm nho xanh không hạt, nho tím không hạt, nho mẫu đơn và nho ngón tay với quy mô 3 trang trại, tổng diện tích 3.500 m2 nhà màng.

Chia sẻ về định hướng phát triển, anh Liêm cho biết, thời gian tới Hợp tác xã sẽ tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời mở rộng quy mô, diện tích trồng các loại. Đồng thời, chuyển giao công nghệ cho nhân dân địa phương nhằm tạo ra chuỗi sản xuất, tiêu thu bền vững.

Bên cạnh mô hình của anh Liêm, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của chị Nguyễn Thị Trâm, ở xã Minh Tân, huyện Lương với diện tích khoang 5ha; mô hình sản xuất lá tía tô xuất khẩu sang Nhật Bản với quy mô 10ha nhà màng, nhà lưới của Công ty trách nhiệm hữu hạn May Hồ Gươm, tại xã Lâm Thao, huyện Lương Tài; mô hình chuyên sản xuất dưa lưới trong nhà màng để bán cho các siêu thị với quy mô 0,7ha của hộ ông Nguyễn Xuân Thám, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình…

* Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao tổng diện tích 160 ha; trong đó, có 29 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích trên 154 ha, trong đó có nhiều cơ sở cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm.

Ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho biết, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong đó có sản xuất rau, quả trong nhà màng, nhà lưới là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Đặc biệt, đối với một tỉnh có diện tích đất tự nhiên hẹp, mật độ dân số đông, nhưng lại có lợi thế về vị trí địa lý như tỉnh Bắc Ninh thì việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hết sức cần thiết.

Hiện tỉnh Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp tập trung, 62 làng nghề và 22 cụm công nghiệp với hơn 17.000 doanh nghiệp, với hơn 300.000 công nhân, người lao động. Vì vậy, nhu cầu của người tiêu dùng về rau, quả an toàn là rất lớn.

Bên cạnh đó, nhu cầu về rau, quả an toàn trong các bếp ăn tập thể phục vụ các công ty, bệnh viện, trường học, nhà hàng là những thị trường tiềm năng và là đích đến cho các cơ sở sản xuất rau, quả an toàn trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mức độ sản xuất và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư, hiện nay chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, tiêu thụ trong các cửa hàng, siêu thị, tại các bếp ăn lớn ở các khu công nghiệp, các trường học chưa cung cấp được nhiều bởi chưa cạnh tranh được về giá.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh chưa có những khu công nghiệp, nhà máy chế biến, chế biến sâu các mặt hàng nông sản do đó chưa nâng được giá trị sản phẩm dẫn tới việc phát triển sản xuất rau, quả còn chậm, ít cơ sở bỏ vốn đầu tư sản xuất.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó tập trung sản xuất rau, quả trong nhà màng, nhà lưới. Đồng thời, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng tập trung, quy mô lớn phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế của từng vùng.

Tỉnh Bắc Ninh khuyến khích, hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị nông sản trên cơ sở đa dạng hóa các hình thức liên kết, hợp tác giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, kinh tế hộ được tổ chức trong hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác với doanh nghiệp nông nghiệp để tiếp nhận các công nghệ mới, đồng bộ ở các khâu, quy trình của chuỗi, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, hỗ trợ kinh tế hộ, hợp tác xã nông nghiệp sử dụng các loại giống mới có chất lượng cao, mua máy móc, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh tăng cường kết nối, xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực, đặc biệt là thành phố Hà Nội trong việc sản xuất và tiêu thụ rau, của sạch, an toàn.

Đồng thời, quan tâm xây dựng các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, khai thác mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh qua các kênh tiêu thụ như các cơ sở chế biến, chợ đầu mối, hệ thống các siêu thị, cửa hàng ăn uống, các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục