Mở rộng sản xuất phân bón hữu cơ - Bài 1: Tạo sản phẩm an toàn

17:22' - 07/06/2018
BNEWS Nhiều nông dân ý thức được nếu sản xuất hàng hóa kém chất lượng thì sẽ khó tiêu thụ nên đã tận dụng nguồn thải từ sản xuất nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ cho sản xuất.

Trước xu thế hội nhập toàn cầu, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Vì thế, sản xuất sạch, an toàn sẽ là yếu tố làm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cũng như giữ vững lòng tin của người tiêu dùng; trong đó, việc quản lý sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đóng vai trò quan trọng không kém.

Trong điều kiện Việt Nam đã ký kết và tham gia 12 hiệp định thương mại tự do với các quốc gia trên thế giới, đưa mặt hàng nông sản vào 180 quốc gia, thì việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho xuất khẩu trở nên quan trọng, bởi hàng hóa đạt chất lượng cao thì thị trường mới duy trì lâu dài.

Chính vì vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện bước dịch chuyển tích cực trong sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn; trong đó, dịch chuyển sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng vi sinh trong bảo vệ cây trồng, vật nuôi là bước khởi đầu đánh dấu sự thành công này.

Từ tận dụng tối đa phế phẩm nông nghiệp

Nhiều nông dân ý thức được nếu sản xuất hàng hóa kém chất lượng thì sẽ khó tiêu thụ. Ảnh minh họa: TTXVN

Nông dân Việt Nam vốn có truyền thống sản xuất theo phương thức tự nhiên: vườn – ao – chuồng, để tạo ra sản phẩm từ cây trồng vật nuôi phục vụ cho bữa ăn hàng ngày. Thế nhưng, từ một quốc gia phải nhập khẩu 2 triệu tấn lương thực, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản có vị trí đáng kể trên thế giới.

Điều này đặt lên vai người nông dân Việt Nam gánh nặng phải sản xuất nguyên liệu lớn các loại nông sản để phục vụ cho chế biến, xuất khẩu trên một diện tích chật hẹp.

Do đó, yêu cầu trước mắt đã thúc đẩy người sản xuất gia tăng mùa vụ, bằng mọi biện pháp để tăng năng suất sản phẩm mới đủ cung ứng cho nhu cầu thị trường; trong đó, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là một biện pháp được thực hiện trong nhiều năm qua.

Nhiều nông dân ý thức được rằng, nếu sản xuất hàng hóa kém chất lượng thì sẽ khó tiêu thụ và tự phá hủy sản xuất của chính mình. Từ đó, họ đã có động thái tận dụng nguồn thải từ sản xuất nông nghiệp như rau, phân động vật chăn nuôi, vi sinh để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ cho sản xuất.

Điển hình là các hộ nông dân sản xuất dưa hấu tại xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã sử dụng nấm vi sinh Trichoderma để ủ phân chuồng và các phế phẩm từ trồng trọt, tạo nên nguồn phân vi sinh hữu cơ phục vụ cho sản xuất.

Theo anh Nguyễn Văn Lai, xã An Hải, huyện Ninh Phước, quy cách ủ phân hữu cơ vi sinh không khó, nông dân có thể tận dụng các loại phân chuồng từ chăn nuôi như bò, gà… cùng với các loại phế phẩm nông nghiệp như rau, rơm rạ… ủ cùng nấm Trichoderma trong 2 tháng là có thể sử dụng bón cho cây. Loại phân này vừa an toàn cho cây trồng và người tiêu dùng. Đồng thời, giúp năng suất tăng gấp 2 lần so với sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật như trước đây.

Cách ủ phân này cũng giúp cho nông dân giảm chi phí mua phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, giá thành sản xuất giảm, năng suất tăng nên dù bán với giá như trước, nông dân vẫn thu lợi nhuận hơn 2 lần so với trước. Sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong trồng trọt lại an toàn cho môi trường đất, không khí và sức khỏe người xung quanh khu vực sản xuất.

Theo TS Trần Thế Hinh, Giám đốc Dự án Hỗ trợ nông nghiệp Cacbon thấp (LCASP), năm 2017, Việt Nam nhập khẩu hơn 3,7 triệu tấn phân bón, tương đương hơn 960 triệu USD.

Trong khi đó, 5 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 1,8 triệu tấn phân bón, tương đương hơn 540 triệu USD, giảm 8,8% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2017. Điều này cho thấy, nông dân Việt Nam đã dịch chuyển dần xu hướng sử dụng phân bón vô cơ sang sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt.

Ước tính, mỗi năm, ngành trồng trọt Việt Nam loại ra 40 triệu tấn rơm rạ, bã ngô, bã mía và nhiều loại từ thất thoát sau thu hoạch của rau, trái cây… ngành chăn nuôi loại thải 80 triệu tấn chất thải. Với nguồn thải này, các hộ nông dân Việt Nam có thể tận dụng để sản xuất ra từ 5-6 triệu tấn phân bón hữu cơ phục vụ cho trồng trọt mà không mất chi phí mua phân.

Đến phục vụ cho toàn ngành

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm, ngành trồng trọt Việt Nam sử dụng 11 triệu tấn phân bón; trong đó, lượng phân bón hữu cơ được bón cho đất chỉ chiếm 8%. Điều này chứng minh, dư địa cho ngành phân bón hữu cơ vẫn còn rất lớn, tiềm năng phát triển mạnh mẽ trước yêu cầu tiêu dùng an toàn trong nước nói riêng và các thị trường trên thế giới nói chung.

Đây cũng là lý do mà nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn như: Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền, Tổng Công ty phân bón hóa chất và dầu khí Đạm Phú Mỹ,… cũng dang dịch chuyển dần sản phẩm phân bón sang phân bón hữu cơ để tăng lợi thế cạnh tranh.

Đồng thời, trong thời gian qua cũng đã có không ít doanh nghiệp mới, với vốn đầu tư lớn vào lĩnh vực phân bón hữu cơ vi sinh, tăng cường loại sản phẩm này cho nhu cầu sản xuất như Công ty phân bón sinh học WEHG, Công ty Nông trại sinh thái Ecofarm và mới đây là Tập đoàn Quế Lâm.

Theo TS Nguyễn đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp Nhiệt đới, tất cả các loại phân vi sinh, hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học đều rất tốt cho cây trồng và bảo dưỡng đất lâu dài.

Vì vậy, khi sử dụng nguồn phân bón hữu cơ sinh học, cả ngành trồng trọt lẫn môi trường, đất sản xuất và sức khỏe con người đều được bảo vệ và phát triển mạnh mẽ, lâu dài.

Mỗi kilogram phân hữu cơ vi sinh chứa 140 thành phần dinh dưỡng khác nhau để nuôi cây trồng. Ảnh minh họa: TTXVN

Để làm được điều này, chính các doanh nghiệp cần có sự đầu tư lớn trong sản xuất sản phẩm chất lượng, đúng quy trình mới đảm bảo giữ vững lòng tin với người tiêu dùng. Bởi với hàng hóa chất lượng tốt sẽ biểu hiện rõ nhất trên kết quả sản xuất.

Ông Lý Văn Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái Ecofarm chia sẻ, nguồn nguyên liệu dùng trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh hiện nay là những sản phẩm loại thải của các ngành công nghiệp chế biến như bã bia, bã đậu nành, bộ xương cá, phế phẩm chế biến cá, tôm, kết hợp với chủng loại men vi sinh…

Mỗi kilogram phân hữu cơ vi sinh chứa 140 thành phần dinh dưỡng khác nhau để nuôi cây trồng. Trong đó, số lượng chủng loại vi sinh để phục vụ quá trình lên men chuyển hóa dinh dưỡng rất quan trọng.

Mặc dù chỉ mất 2 tháng ủ phân, nhưng nếu không có thiết bị đóng gói, cách ly phân ủ với môi trường không khí, chuyển men vi sinh về trạng thái ngủ thì phân sẽ tự chuyển hóa thành đất và mất hết thành phần dinh dưỡng. Do đó, sau thời gian ủ, toàn bộ nguồn phân vi sinh hữu cơ phải được đóng gói, cách ly với môi trường không khí mới bảo quản được lâu.

Để sản xuất được 11 triệu tấn phân hữu cơ thay thế cho nguồn phân vô cơ đang được sử dụng hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất phân bón rất cần một dây chuyền công nghệ lớn để đảm bảo chất lượng cho phân khi sử dụng lâu dài, chứ không đơn thuần sản xuất “ăn xổi ở thì” từng mùa vụ như các hộ nhỏ lẻ.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, để thực hiện được định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, có hai khâu đầu vào rất quan trọng trong nông nghiệp phải tính toán lại, đó là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Định hướng tới đây ngành nông nghiệp phải tăng nhanh việc sản xuất, tiêu dùng, sử dụng phân bón hữu cơ và giảm nhanh phân bón vô cơ trên cơ sở quản trị, canh tác khoa học phù hợp để có năng suất cây trồng tốt, chất lượng cao và góp phần phục hồi nhanh hệ sinh thái môi trường.

Đón đọc >>> Bài 2: Xu hướng tất yếu trong cạnh tranh

>> Bạn hiểu gì về phân bón hữu cơ?

>> Phát triển phân bón hữu cơ cần những bước đi nào?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục