Mối lo của doanh nghiệp gỗ, nông sản trước thông tin đối tác tạm ngừng nhập hàng

22:12' - 20/03/2020
BNEWS Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại châu Âu và Mỹ, một số khách hàng tại các thị trường này đưa ra thông báo về việc tạm ngừng, giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng nhập khẩu nông, lâm sản.

 

 

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại châu Âu và Mỹ, một số khách hàng tại các thị trường này đưa ra thông báo về việc tạm ngừng, giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng nhập khẩu nông, lâm sản.

Từ khi dịch mới chỉ xảy ra ở Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã lường trước, tính toán các khả năng có thể xảy ra trong xuất khẩu, nhưng họ vẫn khá "sốc" bởi những tác động từ các thị trường rất lớn này.

Là doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng rau quả chủ yếu sang EU và Hoa Kỳ, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám Đốc công ty Vina T&T Group cho biết, doanh nghiệp sẽ bị tác động khá mạnh do các thị trường được xem như sẽ bước vào giai đoạn “giới nghiêm”. Người tiêu dùng hạn chế đi lại, đi chợ nên việc tiêu thụ hàng hóa sẽ giảm mạnh.

Các nhà nhập khẩu sẽ nhập chậm lại vì hàng hóa bán ra không mạnh. Người tiêu dùng chủ yếu mua các sản phẩm khô thay cho các sản phẩm tươi sống để bảo quản được lâu dài. Khi sức tiêu thụ thấp thì các đối tác cũng sẽ có nhu cầu giảm.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển bằng đường hàng không cũng giảm mạnh. Chẳng hạn trước đây, có khoảng 20 chuyến/tuần, nhưng giờ chỉ còn 2 - 3 chuyến/tuần, giảm 70% các chuyến bay.

Các hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường trên rất ít và giá sẽ đội lên rất cao. Nhiều đơn vị muốn gửi hàng, song mật độ vận chuyển thấp do khó khan trong khâu vận tải.

Với hàng hóa đi bằng đường biển thì phải cách ly và hàng tươi sống nếu bảo quản không tốt sẽ bị hư hỏng. Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ rất ngại xuất khẩu sang các thị trường này.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, hiện Vina T&T chỉ xuất khẩu 3 mặt hàng là dừa, nhãn và sầu riêng vì có thời gian bảo quản dài. Các mặt hàng khác hầu như ngưng lại.

Ông Nguyễn Đình Tùng dự báo, thị trường tiêu thụ chậm và khó khăn dự báo sẽ kéo dài khoảng 1 tháng. Tuần sau, nhu cầu của đối tác có thể giảm từ 50 - 60%.

Với Vina T&T, dự kiến trong khoảng 1 tháng tới, các mặt hàng xuất khẩu sẽ giảm khoảng 70 - 80% với vận chuyển bằng đường hàng không; từ 40 - 50% nếu vận chuyển bằng đường biển.

Sau đó, tình hình như thế nào sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc không chế, kiểm soát dịch bệnh của các nước.

Hiện nay, hàng hóa của Vina T&T chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Australia, Canada, EU, Hoa Kỳ…

Khi dịch bệnh bắt đầu xảy ra, Công ty đã có định hướng giảm sản xuất bằng cách không cho ra quả hoặc đưa hàng hóa vào chuỗi cửa hàng phân phối của doanh nghiệp.

Với mặt hàng không phải là thiết yếu như gỗ và các sản phẩm từ gỗ thì nhu cầu người tiêu dùng có thể tạm dừng trong thời gian này.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ giảm mạnh trong 3 tháng tới, nhất là tại 5 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam bị tác động mạnh bởi dịch. 

Những thị trường này chiếm gần 90% thị phần xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ chiếm 50%, EU chiếm 8%, Trung Quốc 12%, Nhật Bản 13%, Hàn Quốc 8%. Các đối tác tại các thị trường này đã và đang thông báo tới các nhà cung cấp tại Việt Nam giãn thời gian mua hàng, dừng mua hàng hoặc trả chậm.

Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần kiến trúc và nội thất Nano, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cho biết, gần như tất cả nhà máy ở Đồng Nai đã được các nhà mua hàng lớn thông báo hủy bớt đơn đặt hàng, hoãn việc xuất hàng do họ phải đóng cửa hệ thống cửa hàng và trung tâm phân phối.

Theo ông Lê Xuân Quân, khi dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng đã đề phòng vấn đề này, nhưng không lường được thị trường diễn biến quá nhanh như vậy. Các nhà nhập khẩu không bán được hàng nên sức mua giảm và có đề xuất xuất chậm, để hàng ở kho.

Trước đó, công nhân của các doanh nghiệp vẫn làm tăng ca bình thường, nhưng từ hôm nay đã giảm giờ làm việc. Một số nhà máy còn cho công nhân tạm nghỉ.

Trước tình hình trên, các doanh nghiệp dự kiến sẽ giảm công suất, cố gắng đàm phán khách hàng vẫn sản xuất và đưa hàng về kho. Tuy nhiên, khi hàng về kho doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là tín dụng.

Chẳng hạn như việc hạ lãi suất, Chính phủ có thể đưa ra một con số trần nào đó để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng và đảm bảo vấn đề tài chính cho việc lưu trữ hàng tồn kho, hỗ trợ công nhân trong thời gian nghỉ việc… Các chính sách của Nhà nước về bảo hiểm, thuế… cũng cụ thể hơn để các doanh nghiệp có thể vượt qua thời kỳ khó khan này.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU đạt 612 triệu USD; trong đó, một số mặt hàng đạt kinh ngạch xuất khẩu tăng như cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả, gạo.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục