Moody's đánh giá những lợi ích kinh tế có được từ CPTPP

18:20' - 09/03/2018
BNEWS Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's, hiệp định CPTPP vừa ký kết sẽ thúc đẩy xuất khẩu và thu nhập của 11 quốc gia thành viên, đồng thời duy trì những nỗ lực cải cách đang diễn ra ở một số nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (thứ nhất, phải, hàng sau) cùng đại diện 10 nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, những lợi ích kinh tế mà Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đem lại cho các nước thành viên sẽ không lớn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây có sự tham gia của Mỹ.
Đánh giá trên của Moody's được đưa ra trong báo cáo vừa công bố, có tựa đề "Sovereigns -- Asia Pacific and Americas: Revised Trans-Pacific Partnership benefits all members, but less so without the US" (tạm dịch là Các quốc gia châu Á Thái Bình Dương và châu Mỹ: TPP sửa đổi có lợi cho tất cả các thành viên, nhưng ít hơn nếu không có Mỹ).
Lễ ký chính thức hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã diễn ra vào chiều 8/3 tại thủ đô Santiago của Chile, với sự tham gia của đại diện 11 quốc gia gồm Australia (xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở mức Aaa, triển vọng ổn định), Brunei (không xếp hạng), Canada (Aaa, ổn định), Chile (Aa3, tiêu cực), Nhật Bản (A1, ổn định), Malaysia (A3, ổn định), Mexico (A3, tiêu cực), New Zealand (Aaa, ổn định), Peru (A3, ổn định), Singapore (Aaa, ổn định) và Việt Nam (B1, tích cực).
Xếp hạng tín nhiệm được đánh giá bằng thứ tự A, B và C, D từ cao xuống thấp. Loại trái phiếu có mức đầu tư an toàn nhất, coi như không rủi ro, thì có mã số AAA, thấp hơn là AA và tiếp nữa là mức A.
Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc và chỉ tạm hoãn thực thi hơn 20 điều khoản nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên. Moody's cho biết, so sánh với TPP, những nước mất nhiều cơ hội thương mại nhất bao gồm Việt Nam, Malaysia và Nhật Bản, bởi các quốc gia này dự kiến sẽ thu được nhiều lợi ích nhất từ việc tiếp cận thị trường Mỹ với phạm vi các hiệp định thương mại hiện nay.
Malaysia được cho là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP, do thỏa thuận sẽ mở ra khả năng tiếp cận các thị trường mới cho Malaysia, bao gồm Canada, Peru và Mexico; cùng với những cơ hội cho các nhà xuất khẩu dầu cọ, cao su và điện tử nước này. Còn thu nhập thực tế của Singapore, Brunei, Việt Nam và Peru cũng sẽ tăng lên nhờ hiệp định mới được ký kết này.
Về vấn đề cải cách, Moody's nhận định rằng, việc giảm các rào cản thương mại và phi thương mại trong khuôn khổ của CPTPP là điều kiện dựa trên những cải cách đặc thù của một số nước, hiệp định này sẽ giúp duy trì đà cải cách tại những nước đó.
Các nỗ lực cải cách đang diễn ra sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh và đầu tư, đồng thời tăng cường chất lượng thể chế theo thời gian tại các quốc gia thành viên. Do đó, những nước được hưởng lợi nhiều nhất là các quốc gia hiện có mức độ quản lý nhà nước và tính cạnh tranh tương đối thấp như Peru, Việt Nam, Mexico và Brunei.
Moody's nói thêm rằng một số nền kinh tế châu Á lớn khác đã bày tỏ sự quan tâm tới việc tham gia hiệp định này, như Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Vùng lãnh thổ Đài Loan và Thái Lan. Nếu CPTPP mở rộng cơ chế thành viên, lợi ích đối với thu nhập thực tế của các nước thành viên sẽ lớn hơn nhiều so với thỏa thuận CPTPP hiện nay và cao hơn cả phiên bản TPP ban đầu, theo ước tính của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục