Một tuần sóng gió cho thị trường chứng khoán toàn cầu​

12:47' - 28/10/2023
BNEWS Sau một phiên giao dịch tích cực ở châu Á, các thị trường chứng khoán ở châu Âu và Mỹ hầu hết đều giảm, kéo dài giai đoạn khó khăn đối với chứng khoán.
Các thị trường chứng khoán thế giới đi ngược chiều nhau phiên 27/10 sau báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp không đồng đều trong bối cảnh những lo ngại về xung đột Trung Đông đã tác động mạnh tới giá dầu.

Sau một phiên giao dịch tích cực ở châu Á, các thị trường chứng khoán ở châu Âu và Mỹ hầu hết đều giảm, kéo dài giai đoạn khó khăn đối với chứng khoán.

 
Khép phiên này tại thị trường Phố Wall (Mỹ), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,1% xuống 32.417,59 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,5% xuống 4.117,37 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,4% lên 12.643,01 điểm. Báo cáo lợi nhuận khả quan của Amazon và Intel đã giúp nâng chỉ số Nasdaq, nhưng hai chỉ số chính còn lại lại đóng phiên giảm.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,9% xuống 7.291,28 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,3% xuống 14.687,41 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 1,4% xuống 6.795,38 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,9% xuống 4.014,36 điểm. Chuyên gia Adam Sarhan của công ty đầu tư 50 Park Investments cho biết thị trường đang điều chỉnh lại cho khả năng xung đột leo thang ở Trung Đông gia tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân, một chỉ số được dùng để theo dõi lạm phát của Mỹ vẫn ổn định trong tháng 9/2023. Chỉ số này đã tăng 3,4% so với một năm trước, bằng với mức tăng hai tháng trước đó. Báo cáo này được đưa ra trước cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.

Nhà phân tích Patrick O'Hare của chuyên trang nghiên cứu về thị trường chứng khoán Briefing.com cho biết các số liệu này đang "gây ra cảm giác khó chịu" cho những nhà đầu tư bởi chúng cho thấy xu hướng thiểu phát chưa đủ mạnh. Điều đó có thể khiến Fed có quan điểm "cứng rắn" hơn về chính sách tiền tệ và cơ quan này sẽ không sớm nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất.

Số liệu lạm phát được đưa ra sau khi những số liệu công bố ngày 26/10 cho thấy nền kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất kể từ cuối năm 2021 trong quý III/2023.

Trong phiên đầu tuần này 23/10, phố Wall biến động mạnh khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đạt mức kỷ lục trong 16 năm. Cả ba chỉ số đều mở phiên ở mức sâu trong vùng giảm điểm sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ vượt mức 5% lần đầu tiên trong 16 năm qua. Nhưng khi lợi suất giảm xuống trong phiên, các công ty công nghệ lớn lại thúc đẩy thị trường, với cổ phiếu của các công ty Alphabet, Amazon và Microsoft đều tăng lên trước khi kết quả kinh doanh được công bố trong tuần này.

Sang đến phiên ngày 24/10, lợi nhuận doanh nghiệp vượt kỳ vọng nâng đỡ thị trường chứng khoán Âu-Mỹ. Coca-Cola, Verizon và 3M nằm trong số những công ty đạt được kết quả kinh doanh hàng quý khả quan.

Chuyên gia Peter Cardillo của công ty quản lý vốn Spartan Capital cho biết, nhiều công ty đã đạt kết quả kinh doanh tốt. Nếu điều này tiếp diễn thì rất có khả năng thu nhập của các công ty phục hồi và mang lại kết quả khả quan trong quý IV/2023.

Tuy nhiên lợi suất trái phiếu chính phủ cao tiếp tục tác động tiêu cực tới chứng khoán Mỹ phiên 25/10. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ vẫn tăng lên sau khi chạm mức 5% lần đầu tiên trong 16 năm qua. Sự gia tăng mạnh này đã cùng cố những lo ngại rằng Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn, từ đó phủ bóng lên các triển vọng tăng trưởng.

Ở phiên này, cổ phiếu của “ông lớn” công nghệ Microsoft tăng 3,1% với kết quả kinh doanh vượt dự đoán. Trong khi đó, cổ phiếu của công ty mẹ của Google là Alphabet giảm đến 9,6%, khi mảng dịch vụ điện toán đám mây Google Cloud không đạt được doanh thu kỳ vọng do tăng trưởng chậm, từ đó kéo tụt cả kết quả kinh doanh của Alphabet.

Chuyên gia Steve Sosnick của công ty môi giới Interactive Brokers, cho biết khi một nhóm nhỏ các cổ phiếu có giá trị vốn hóa cao dẫn dắt thị trường, nếu kết quả kinh doanh của các công ty này không được như dự đoán, thị trường chung sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đà giảm vẫn tiếp tục lan sang phiên 26/10 khi thị trường phớt lờ dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ. Giới đầu tư chuyển hướng sang các báo cáo thu nhập trái chiều của doanh nghiệp và theo dõi tình trạng bất ổn đang diễn ra ở Trung Đông.

Tăng trưởng GDP của Mỹ đạt 4,9% trong khoảng thời gian từ tháng 7-9/2023, tốc độ nhanh nhất kể từ cuối năm 2021. Tuy nhiên, thị trường đã bỏ qua báo cáo tích cực này và coi đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ chậm lại.

Chuyên gia Hugh Johnson thuộc công ty nghiên cứu kinh tế Huge Johnson Economics cho biết, các nhà đầu tư đang tập trung vào quý IV/2023 hơn và dự báo rằng “mọi thứ sẽ chậm lại”.

Cùng trong ngày 26/10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cùng với Fed đang cân nhắc về khả năng tạm dừng tăng lãi suất. Lãi suất cao kỷ lục dường như đã làm giảm hoạt động kinh tế ở Khu vực đồng euro. Tuy vậy, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo sẽ “hoàn toàn quá sớm” để thảo luận về thời điểm cắt giảm lãi suất.

Bên cạnh đó, nhà phân tích Craig Erlam của công ty tài chính OANDA cho hay báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp không mang lại lực đẩy mà các nhà đầu tư mong đợi và kết quả là chứng khoán đang bị ảnh hưởng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục