Mưa lớn cục bộ: Lên phương án tiêu úng cho Đồng bằng sông Hồng

18:47' - 19/07/2024
BNEWS Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống ngập lụt, úng cho sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng.

Ngày 19/7, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Hồng về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống ngập lụt, úng cho sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng.

 

Từ ngày 14/7 đến ngày 19/7/2024, ở vùng Đồng bằng sông Hồng cục bộ có nơi mưa to đến rất to với tổng lượng mưa trên 250 mm, gây ngập lụt, úng cho tổng cộng khoảng 59.894 ha; trong đó, Thái Bình 1.600ha, Hà Nam 4.195ha, Hà Nội 72ha, Ninh Bình 11.655,2ha, Nam Định 42.372ha.

Dự báo, xu thế lượng mưa các tháng trong mùa mưa năm 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%; đồng thời, các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn có thể liên tục phát điện với công suất cao và thường xuyên xả lũ. Do vậy, vùng Đồng bằng sông Hồng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, úng do mưa lớn và mực nước hạ du sông Hồng – Thái Bình ở mức cao, làm giảm hiệu quả vận hành tiêu úng của công trình thủy lợi.

Để giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt, úng gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, Cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Hồng khẩn trương tổ chức khoanh vùng, xác định diện tích có nguy cơ bị ngập lụt, úng và có phương án ứng phó cụ thể phù hợp với đặc điểm địa hình, dự báo tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng; lưu ý chuẩn bị kỹ phương án tiêu úng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây trồng.

Các đơn vị theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo mưa, lũ, vận hành hồ chứa thủy điện của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, phòng, chống ngập lụt, úng cho sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt chú trọng tổ chức bơm tiêu nước đệm trong hệ thống công trình thủy lợi phù hợp với thông tin dự báo mưa, diễn biến mực nước thủy triều khi có mưa lớn nguy cơ gây ngập lụt, úng phải khẩn trương vận hành công trình thủy lợi để tiêu nước.

Các đơn vị kiểm tra, khẩn trương duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình thủy lợi có nhiệm vụ tiêu úng, bảo đảm công trình hoạt động hiệu quả theo đúng nhiệm vụ thiết kế, hạn chế xảy ra sự cố bất thường do chủ quan. Đồng thời, tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ, bão; thường xuyên báo cáo tình hình an toàn công trình thủy lợi, sự cố công trình và vận hành công trình thủy lợi phòng, chống ngập lụt, úng về Cục Thủy lợi.

Theo Cục Thủy lợi, do các hồ chứa thủy điện thường xuyên phát điện ở mức công suất cao và đang xả lũ nên mực nước hạ du sông Hồng duy trì ở mức cao, tại Hà Nội giao động từ 4,84 - 5,16 m trong nhiều ngày qua.

Tính đến 14h ngày 19/7, diện tích bị ngập lụt, úng còn lại là trên 63.651 ha (lúa trên 63.271ha; hoa màu: 380ha); trong đó: Hòa Bình 335 ha, Hà Nội 1.135ha, Thái Bình 1.600ha, Hà Nam 6.554ha, Ninh Bình 11.655,2ha, Nam Định 42.372ha.

Hiện tại các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi đang vận hành 289 trạm/1405 máy bơm tại: Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Nam Hà, Nam Định, Bắc Giang và 17 cống tiêu tại: Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định.

Đối với các cống tiêu tự chảy tại khu vực ven biển Thái Bình, Ninh Bình tiếp tục mở tiêu đến ngày 21/7. Tuy nhiên, do mực nước sông cao nên ảnh hưởng đến hiệu quả tiêu úng. Riêng Công ty Bắc Nam Hà, Công ty khai thác công trình thủy lợi các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình tiếp tục vận hành bơm để đưa mực nước về mức trước khi có mưa.

Tùy vào tình hình mưa thực tế, các đơn vị sẽ điều chỉnh thời gian vận hành bơm tiêu, trường hợp không tiếp tục có mưa, dự kiến vận hành từ 1-3 ngày tới sẽ cơ bản hết diện tích bị ngập lụt, úng, Cục Thủy lợi cho biết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục