Mỹ: Ba "ông lớn" về tên lửa ganh đua để giành hợp đồng 5,6 tỷ USD

15:40' - 14/06/2024
BNEWS Blue Origin, SpaceX và United Launch Alliance (ULA) vừa được Bộ Quốc phòng Mỹ lựa chọn để cạnh tranh giành hợp đồng "béo bở" trị giá 5,6 tỷ USD cho các nhiệm vụ phóng vệ tinh an ninh quốc gia.

Ba tập đoàn trong lĩnh vực tên lửa gồm Blue Origin, SpaceX và United Launch Alliance (ULA) - vừa được Bộ Quốc phòng Mỹ lựa chọn để cạnh tranh giành hợp đồng "béo bở" trị giá 5,6 tỷ USD cho các nhiệm vụ phóng vệ tinh an ninh quốc gia trong thập kỷ tới. Đây là bước tiến quan trọng trong tham vọng chinh phục vũ trụ của các công ty tư nhân, đồng thời mở ra cuộc cạnh tranh gay gắt giữa những "gã khổng lồ" trong ngành.

Lầu Năm Góc không tiết lộ tên lửa của công ty nào được chọn, nhưng lưu ý rằng có 7 doanh nghiệp tham gia đấu thầu, với yêu cầu tên lửa mới phải sẵn sàng thực hiện các sứ mệnh đầu tiên vào tháng 12 năm nay. Ba công ty trên là những đơn vị đầu tiên được lựa chọn theo chương trình mua sắm Giai đoạn 3 trong khuôn khổ Chương trình an ninh hàng không vũ trụ quốc gia.

 

Blue Origin, công ty của tỷ phú Jeff Bezos, có cơ hội khẳng định vị thế trong lĩnh vực phóng tên lửa sau khi gia nhập chương trình. Công ty dự kiến sử dụng tên lửa New Glenn của mình để cạnh tranh với các đối thủ nặng ký. Trong khi đó, SpaceX của tỷ phú Elon Musk và ULA đang là 2 nhà cung cấp tên lửa chính cho Lầu Năm Góc kể từ năm 2020 theo chương trình Giai đoạn 2. Chương trình này trao cho ULA 60% tổng số nhiệm vụ phóng tên lửa vũ trụ của Lầu Năm Góc cho đến năm 2027, trong khi SpaceX nhận được phần còn lại. Tuy nhiên, trong Giai đoạn 3 của chương trình, Lầu Năm Góc đã tìm kiếm nhiều công ty hơn cho các sứ mệnh vũ trụ trong thập kỷ tới, chủ yếu nhằm kích thích sự cạnh tranh hơn trong lĩnh vực phóng tên lửa của Mỹ.

Tên lửa Falcon 9 có thể tái sử dụng một phần của SpaceX đã "thống trị" lĩnh vực phóng tên lửa. Hiện công ty này đang thử nghiệm tên lửa Starship thế hệ tiếp theo. Mẫu tên lửa này được thiết kế để có thể tái sử dụng toàn bộ mà tỷ phú Musk coi là yếu tố then chốt để đưa con người bay vào vũ trụ và phóng các vệ tinh lớn lên quỹ đạo.

Trong khi tên lửa Atlas 5 chủ lực của ULA sắp "nghỉ hưu", thì tên lửa Vulcan thế hệ tiếp theo của hãng này đang được định vị trở thành thiết bị phóng chủ lực của công ty.

Chương trình Giai đoạn 3 của Lầu Năm Góc được chia thành hai hạng mục mang tên Lane 1 và Lane 2. Trong đó, Lane 1, được công bố vào ngày 13/6, cho phép các tên lửa mới hoặc chuyên dụng hơn thực hiện các nhiệm vụ an ninh quốc gia có yêu cầu ít khắt khe hơn. Dự kiến sẽ có thêm nhiều công ty, chẳng hạn như Rocket Lab, được bổ sung vào Lane 1 trong những năm tới.

Lane 2, dự kiến sẽ công bố vào mùa Thu, sẽ chọn 3 công ty sở hữu tên lửa có khả năng đáp ứng nhiều yêu cầu nhiệm vụ an ninh quốc gia hơn, cho thấy những công ty giàu kinh nghiệm như SpaceX và ULA sẽ phù hợp nhất để trúng thầu.

Sự cạnh tranh gay gắt này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đổi mới, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả cho các sứ mệnh vũ trụ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục