Mỹ: Bang California ban bố lệnh sơ tán bắt buộc do cháy rừng

09:21' - 02/07/2018
BNEWS Chính quyền bang California, Mỹ, đã phải ban bố cảnh báo và lệnh sơ tán bắt buộc sau khi hàng loạt vụ cháy rừng bùng phát tại đây do nắng nóng cao bất thường kèm theo gió lớn.

Theo Sở Cứu hỏa bang California, đến chiều 1/7, đám cháy mới nhất mang tên County Fire, bùng phát ở hạt Yolo trước đó một ngày, đã thiêu rụi 9.000 ha rừng và bắt đầu lan sang hạt láng giềng Napa (Na-pa). Hơn 100 xe cứu hỏa cùng khoảng 10 trực thăng đã được điều động dể dập lửa, song đến nay vẫn chưa thể khống chế đám cháy.

Cháy rừng dữ dội tại Clearlake Oaks, California, Mỹ ngày 1/7. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại các hạt Lake và San Joaquin, lực lượng cứu hỏa cũng đang nỗ lực chạy đua với thời gian để kiểm soát các đám cháy đến nay đã thiêu rụi hàng nghìn ha rừng. Đám cháy Pawnee đã được khống chế tới 73% sau khi thiêu rụi hơn 5.700 ha rừng, trong khi đám cháy được kiểm soát 75% sau khi nhấn chìm 5.000 ha rừng trong biển lửa.

Trước đó, ngày 25/6, Thống đốc bang California Jerry Brown đã ban bố tình trạng khẩn cấp do cháy rừng dữ dội gây mất điện, cản trở hoạt động giao thông và tiếp tục đe dọa các cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Năm 2017 là năm xảy ra cháy rừng gây thương vong lớn nhất tại California. Đám cháy có tên gọi Thomas, bùng phát ở khu vực Santa Barbara hồi tháng 12/2017, đã khiến 2 người thiệt mạng và phá hủy hơn 1.000 tòa nhà, trong đó có nhiều tòa nhà trị giá hàng triệu USD, đồng thời thiêu rụi hơn 105.000 ha. Đây được coi là vụ hỏa hoạn gây thiệt hại lớn thứ 3 kể từ năm 1932.

Trước đó, các đám cháy ở khu vực phía Bắc thành phố San Francisco tháng 10 năm ngoái đã cướp đi sinh mạng của hơn 40 người, phá hủy hơn 99.000 ha rừng và 7.000 tòa nhà.

Lịch sử cháy rừng tại California cũng từng ghi nhận hai thảm họa cháy rừng gây nhiều hậu quả nghiêm trọng là vụ cháy rừng ở công viên Griffith năm 1933 khiến ít nhất 29 người thiệt mạng và thảm họa cháy rừng ở khu vực Đồi Oakland năm 1991 khiến 25 người thiệt mạng./.

>>>Hàng nghìn người Mỹ phải sơ tán do cháy rừng ở bang California

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục