Mỹ ghi nhận thêm trên 63.000 ca nhiễm COVID-19 mới

11:37' - 23/07/2020
BNEWS Theo số liệu công bố sáng 23/7 của Đại học Johns Hopkins, trong 24 giờ qua, trên cả nước Mỹ đã ghi nhận thêm 63.967 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo số liệu công bố sáng 23/7 (giờ Việt Nam) của Đại học Johns Hopkins, trong 24 giờ qua, trên cả nước Mỹ đã ghi nhận thêm 63.967 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 3.955.860. Số ca tử vong hiện là 142.942 ca, tăng 1.059 ca.

Sau một thời gian tình hình dịch bệnh có sự cải thiện, Mỹ hiện đang chứng kiến số ca nhiễm mới gia tăng trong vài tuần qua, nhất là ở miền Nam và Tây nước này.

Với tổng cộng gần 415.000 ca mắc COVID-19, California đã vượt New York, trở thành bang có số ca nhiễm cao nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, bang miền Tây này có số dân đông gấp đôi so với New York.

Hơn 7.800 người ở California đã tử vong do COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Mỹ, trong đó có cả 115 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Trong khi đó, bang Texas thông báo có thêm 197 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ dịch bệnh bùng phát, nâng tổng số ca tử vong ở bang này lên 4.348 ca.

Số ca nhiễm tại bang Texas hiện đã lên tới 351.618 ca, trong đó có 10.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.

Riêng tại  Houston, thành phố lớn nhất của bang Texas đã trở thành tâm dịch tại bang này với gần 40.000 ca mắc COVID-19 và 400 ca tử vong.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thị trưởng thành phố Washington Muriel Bowser đã thông báo siết chặt quy định về đeo khẩu trang ở thủ đô, yêu cầu người dân thành phố đeo khẩu trang ngay khi rời khỏi nhà.

Trong một thông báo, Văn phòng thị trưởng Muriel Bowser nêu rõ: "Người dân phải đeo khẩu trang khi rời khỏi nhà nếu họ có thể tiếp xúc với người khác trong một thời gian ngắn."

Theo thị trưởng Bowser, người dân thành phố nên đeo khẩu trang, đặc biệt là khi họ không thể duy trì giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, quy định mới cũng có một số ngoại lệ, như không phải đeo khẩu trang khi tập thể dục ngoài trời hoặc ở vị trí xa người khác.

Tương tự, ngày 22/7, Thống đốc bang Ohio Mike DeWine cũng yêu cầu người dân trên toàn bang đeo khẩu trang khi ở trong các cửa hàng và khi đi ra ngoài mà không thể thực hiện được giãn cách xã hội.

Lệnh này, bắt đầu có hiệu lực vào lúc 18h (giờ địa phương) ngày 23/7, cũng yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia hoặc điều khiển các phương tiện giao thông công cộng hay đi chung xe.

Hãng hàng không American Airlines cũng thông báo sẽ yêu cầu toàn bộ hành khách từ 2 tuổi trở lên phải sử dụng khẩu trang tại các sân bay và trên máy bay, bắt đầu từ ngày 29/7.

Chính sách mới của hãng sẽ yêu cầu hành khách đeo khẩu trang tại mọi khu vực của sân bay từ khi họ đến sân bay để xuất cảnh cho đến khi rời sân bay mà họ vừa nhập cảnh.

Những hành khách không chịu tuân thủ chính sách này của hãng sẽ bị cấm bay sau đó trong khoảng thời gian yêu cầu đeo khẩu trang của American Airlines có hiệu lực.

Cùng ngày, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio tuyên bố tới đầu tháng 9 tới, ông mới quyết định có mở lại các trường học tại thành phố New York hay không bởi vấn đề quan trọng nhất vẫn là phải đảm bảo an toàn cho người dân.

Ông cũng tuyên bố các trường chỉ được mở lại học trực tiếp toàn phần khi nước Mỹ có vaccine phòng chống COVID-19 phát cho người dân.

Dịch COVID-19 không chỉ làm cho hệ thống các trường ở New York tê liệt mà còn khiến thành phố vốn được mệnh danh là “thiên đường du lịch không bao giờ ngủ” mất đi cơ hội đón khoảng 65 triệu lượt khách du lịch tới đây hằng năm và thiệt hại 44 tỷ USD từ các khoản khách du lịch chi tiêu cho dịch vụ khách sạn, ăn uống và giải trí.

Một số điểm du lịch nổi tiếng của thành phố New York đã không thể trụ nổi qua đại dịch được ví như cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1970 tới nay.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, mỗi sáng Chủ Nhật, nhà thờ Thánh Patrick đón 15.000 người tới cầu nguyện và mỗi năm đón hơn 5 triệu lượt khách tới tham quan.

Tuy nhiên, giờ đây công trình lịch sử theo kiến trúc Gô-tích mới tọa lạc tại trung tâm của thành phố này vắng tanh. New York cũng vốn nổi tiếng với môn bóng chày và mỗi trận tại sân vận động Yankee thường thu hút khoảng 40.000 khách xem mà phần đông là người du lịch từ các bang khác tới.

Mùa giải năm nay sẽ bắt đầu vào ngày 23/7 nhưng hiện Hiệp hội Giải Bóng chày đã phải quyết định không đón khán giả tới xem vì lo ngại dịch bệnh lây lan.

Cộng đồng người nghèo mưu sinh bằng nghề bán đồ lưu niệm và đồ ăn uống quanh sân vận động cũng mất luôn nguồn thu nhập chính hàng năm của họ và hiện giờ đành thất nghiệp.

Sân khấu nhạc kịch Broadway - biểu tượng đầy tự hào của thành phố New York -  đã không thể tiếp tục sáng đèn mỗi tối kể từ ngày 12/3 và hiện Hiệp hội Biểu diễn sân khấu Broadway đã phải tuyên bố hoàn tiền vé đã bán cho các đêm diễn tính tới tận 3/1/2021. Trước khi xảy ra đại dịch, doanh thu của các sân khấu Broadway lên tới 1,8 tỷ USD/mỗi năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục