Mỹ: Trung Quốc đi ngược các cam kết trong đàm phán thương mại

10:33' - 07/05/2019
BNEWS Các quan chức thương mại Mỹ cho rằng Trung Quốc đã đi ngược lại những cam kết đưa ra trong các cuộc đàm phán thương mại, buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump phải tuyên bố áp thuế bổ sung.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 6/5, các quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ cho rằng Trung Quốc đã đi ngược lại những cam kết mà nước này đưa ra trong các cuộc đàm phán thương mại, buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump phải tuyên bố áp thuế bổ sung, dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/5 tới.

Phát biểu trước báo giới, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết trong tuần qua, Mỹ nhận thấy Trung Quốc đã đi ngược lại những cam kết trong đàm phán và điều đó sẽ làm thay đổi thỏa thuận một cách căn bản. Ông khẳng định đây là điều mà Washington không thể chấp nhận.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng cho biết các cuộc đàm phán đã hoàn tất đến 90%, nhưng những ngày gần đây đã "thụt lùi đáng kể".

Ông Mnuchin cho biết, cuối tuần qua, phía Mỹ đã nhận được những "thông tin mới" cho thấy Trung Quốc đã đi ngược lại những cam kết trong đàm phán.

Tuy nhiên, ông không cho biết thông tin cụ thể liên quan, chỉ nói rằng Washington từng hy vọng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận trong tuần này.

Theo Bộ trưởng Mnuchin, đoàn đàm phán Mỹ sẽ khuyến cáo Tổng thống xúc tiến thực hiện kế hoạch tăng thuế nếu không thể ký kết một thỏa thuận với Trung Quốc vào cuối tuần này.

Theo một nguồn thạo tin, tranh cãi mới nhất xảy ra sau khi phía Trung Quốc muốn những thay đổi trong thỏa thuận được thực thi thông qua những hành động hành chính và bằng các văn bản dưới luật, thay vì phải sửa đổi luật pháp như đã thỏa thuận trước đó.

Nguồn tin này cho rằng điều đó "sẽ hủy hoại cấu trúc cốt lõi của thỏa thuận", bởi "việc không pháp điển hóa nhượng bộ sẽ gây khó khăn cho việc kiểm chứng và buộc Trung Quốc tuân thủ".

Một nguồn tin khác cho biết Tổng thống Trump đã lưu ý các cố vấn rằng ông sẽ không ký thỏa thuận với Trung Quốc nếu văn bản đó không đủ mạnh.

Trước đó, phía Mỹ đề nghị Trung Quốc thay đổi mạnh mẽ trong các chính sách kinh tế, trong đó có việc bảo vệ sở hữu trí tuệ tốt hơn, chấm dứt yêu cầu chuyển giao công nghệ bắt buộc đối với các công ty Mỹ và chấm dứt tình trạng đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ.

Mỹ cũng muốn các công ty của mình được tiếp cận dễ hàng hơn tới các thị trường rộng lớn của Trung Quốc, muốn Bắc Kinh bỏ trợ cấp công nghiệp và tăng mua hàng hóa Mỹ.

Lời giải thích trên của đại diện thương mại Mỹ được đưa ra sau khi Tổng thống Trump dọa tăng thuế từ 10% lên mức 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ông Lighthizer đã xác nhận rằng thuế bổ sung sẽ được thực thi từ 00h01' ngày 10/5 theo giờ Mỹ (tức 11h01' cùng ngày theo giờ Việt Nam). 

Tuy nhiên, ông khẳng định Washington vẫn sẵn sàng tiếp tục đàm phán, và hy vọng Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tham gia đoàn Trung Quốc đến Washington.   

  Trước đó, phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Trung Quốc đang nắm tình hình, đồng thời khẳng định đoàn đàm phán Trung Quốc đang chuẩn bị đến Mỹ.

Bắc Kinh hy vọng Mỹ có thể nỗ lực phối hợp với Trung Quốc để tìm điểm chung và đạt một thỏa thuận cùng thắng, đôi bên cùng có lợi, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. 

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế Trung Quốc, ít khả năng Bắc Kinh sẽ nhượng bộ thêm trong các cuộc đàm phán tới, bất chấp đe dọa áp thuế bổ sung của Tổng thống Trump.

 Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Đại học Phúc Đán Thượng Hải, ông Trương Quân  nhận định: "Trung Quốc đang gần đến giới hạn cuối cùng của mình. Nếu Tổng thống Trump đưa ra thêm nhiều yêu sách, Trung Quốc khó thay đổi giới hạn cuối cùng". 

Trong khi đó, chuyên gia tài chính tại Đại học Nhân Dân ở thành phố Bắc Kinh, ông Triệu Tích Quân cho biết: "Các hàng rào thuế quan chỉ là công cụ để Mỹ tăng cường sức ép đối với Trung Quốc".

Theo chuyên gia này, Trung Quốc từ trước đến nay luôn giữ lập trường là tìm cách đạt một thỏa thuận có lợi cho hai bên thông qua đàm phán.

Tuy nhiên, nếu những đòi hỏi của Mỹ vượt quá giới hạn cuối cùng của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không chấp nhận điều có thể gây hại cho họ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục