Năm 2025, Bộ Công Thương sẽ tăng tỷ lệ cung ứng hàng Việt trên nền tảng số

11:03' - 28/12/2024
BNEWS Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa giữa doanh nghiệp Việt Nam và kênh phân phối trong nước trên môi trường trực tuyến.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng và Chính phủ để xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm; đồng thời, phối hợp các bộ, ngành, hiệp hội đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa giữa doanh nghiệp Việt Nam và kênh phân phối trong nước trên môi trường trực tuyến. Đặc biệt, qua các nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định, ứng dụng công nghệ số vào chuỗi sản xuất, cung ứng hàng Việt. Mặt khác, phát triển thương mại điện tử hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống phù hợp với các cam kết Việt Nam đã tham gia.

Báo cáo tình hình thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng năm 2024 và phương hướng triển khai Cuộc vận động năm 2025 của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Bộ Công Thương chỉ rõ, trong năm 2024, Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức Lễ Phát động Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi của chính mình. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại thông qua hoạt động đa dạng.

 
Trước bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước, việc khởi kiện, điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ hợp pháp các ngành sản xuất trong nước. Đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng tổng cộng 30 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu.

Mặt khác, để thúc đẩy phát triển thương hiệu Việt, Bộ Công Thương đã hỗ trợ sản xuất, phân phối, tiêu dùng hàng Việt cùng nhiều hoạt động thiết thực như phê duyệt Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại. Ngoài ra, hỗ trợ các đơn vị chủ trì thực hiện 35 đề án phát triển thị trường trong nước với tổng kinh phí hỗ trợ từ Chương trình hơn 20 tỷ đồng tập trung vào nội dung như hội chợ, triển lãm cấp vùng; tuyên truyền và nâng cao nhận thức công đồng về hàng hóa Việt Nam đến người tiêu dùng, tổ chức lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, tổ chức Phiên chợ hàng Việt về miền núi, hải đảo.

Nhờ vậy, Chương trình đã hỗ trợ gần 3.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã trên cả nước tham gia gần 3.500 gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá tới người tiêu dùng các sản phẩm đặc trưng vùng miền, sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân địa phương. Đây cũng là cơ hội cho người dân địa phương giao lưu, mua sắm, tiếp cận hàng Việt chất lượng tốt, giá cả hợp lý; từ đó xây dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiện giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, làm nền tảng cho sự phát triển thương mại trong nước bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã triển khai thành công 6 chương trình tập huấn tại Lào Cai, Hà Nội, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Nghệ An, Bắc Giang nhằm xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, hàng Việt trên nền tảng số. Bên cạnh đó, khởi tạo 4 phiên livestream Tự hào hàng Việt trên nền tảng Tiktok, quảng bá sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền và đã đạt hiệu quả cao.

Theo thống kê, các phiên bán hàng đạt tổng doanh thu trên 2 tỷ đồng với 8.000 đơn hàng bán ra, tiếp cận hơn 50 triệu lượt xem và tương tác, hưởng ứng tích cực của đông đảo khách hàng nội địa. Đáng lưu ý, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp thuộc Bộ đã tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và kêu gọi đơn vị thành viên tích cực nghiên cứu, tham gia các hội nghị kết nối tìm kiếm nhà cung cấp nguyên vật liệu trong nước thay thế hàng nhập khẩu trong sản xuất, kinh doanh.

Đơn cử, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa điện về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần quan trọng trong công cuộc hiện đại hoá, công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. 100% số xã trên cả nước đã có điện. Số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 99,6%. Tương tự, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) cung cấp các dịch vụ truyền hình vệ tinh, game Online, VTC Mobile, VTC Pay, đào tạo số.

Hay Tổng công ty Lâm nghiệp đẩy mạnh việc phát triển những loài cây lâm nghiệp đa mục đích (cây dẻ, macca, dó bầu…) vào các vùng Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Bắc; một số đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP tiếp tục phân phối sản phẩm đến nông thôn, miền núi...; Tập đoàn Hoá chất Việt Nam luôn khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thường xuyên cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ vậy, các đơn vị thành viên đã chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau để Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ngày càng lan toả mạnh mẽ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục