Nam bộ đối mặt với dịch rầy nâu

15:12' - 05/07/2017
BNEWS Ngày 5/7, tại thành phố Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức Diễn đàn với chủ đề Biện pháp phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa tại các tỉnh Nam bộ.
Nông dân tham gia diễn đàn đặt câu hỏi cho các chuyên gia. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, sau hơn 10 năm nằm trong tầm kiểm soát, tình hình rầy nâu và bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá có chiều hướng gia tăng trong năm 2017.

Vụ Đông Xuân 2016 – 2017, diện tích bị nhiễm rầy nâu ở các tỉnh Nam bộ đã lên hơn 50.000 ha. Sang vụ Hè Thu, trên 40.000 ha lúa bị nhiễm rầy và vàng lùn – lùn xoắn lá; trong đó, diện tích bị rầy nâu gây hại là hơn 32.000 ha.
Đặc biệt, vụ Hè Thu 2017, diện tích nhiễm bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá trong vùng là gần 8.291 ha, tăng 8.262 ha so với cùng kỳ 2016, chiếm 0,47% diện tích gieo trồng. Ổ dịch xuất hiện ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Tây Ninh và Đồng Nai.
Theo ông Lê Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam – Cục Bảo vệ thực vật, nguyên nhân khiến bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá tái bùng phát chủ yếu là do xuống giống lúa Xuân Hè quá sớm trong tháng 2 và kéo dài đến tháng 3.

Những diện tích lúa non dưới 20 ngày tuổi được xuống giống trong thời điểm này trùng khớp với rầy di trú rộ cuối vụ Đông Xuân với mật độ khá cao đã được dự báo. Đồng thời, số rầy nâu di trú trong khoảng thời gian này bị nhiễm virus ở tỷ lệ khá cao.
Bên cạnh đó, nông dân có tập quán sạ dày, bón nhiều phân đạm, phun thuốc trừ phổ rộng và phun sớm trước 40 ngày sau sạ. Ngoài ra, việc mất cân đối về cơ cấu giống lúa nhiễm rầy, nhiễm bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá cũng khiến dịch hại gia tăng.
Ông Cường cho hay, trong các vụ lúa gần đây diện tích gieo trồng giống OM5451 tăng nhanh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đây là giống có nguy cơ nhiễm vàng lùn – lùn xoắn lá khá nặng. Cũng theo ông Cường, trong năm có 3 cao điểm rầy di trú vào các tháng 3, 7, 11. Ở cao điểm tháng 7, do gió Tây Nam thổi rất mạnh đã đưa nguồn rầy di chuyển từ Đồng bằng sông Cửu Long ra các tỉnh Đông Nam bộ.
Số liệu của Cục Trồng trọt cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ sản xuất 832.000 ha lúa Thu Đông 2017, tăng hơn 7.000 ha so với năm 2016; năng suất ước đạt 55,9 tạ/ha, tăng 4,93 tạ/ha; sản lượng ước đạt hơn 4,65 triệu tấn, tăng gần 450.000 tấn so với vụ Thu Đông 2016.
Trong Hội nghị Sơ kết vụ lúa Hè Thu 2017 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ lúa Thu Đông, lúa Mùa năm 2017 tại Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức tại Cần Thơ vào cuối tháng 6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, nếu không chủ động phòng bệnh hiệu quả thì bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá sẽ quay lại và gây hại cho trà lúa giống như 10 năm về trước.
Ông Doanh yêu cầu các địa phương phải thực hiện nguyên tắc trên 2% diện tích lúa nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cần phải tiêu hủy ngay, không được chủ quan, Nơi nào để dịch bệnh này lan rộng thì phải chịu trách nhiệm.
Theo Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, trong các loại dịch hại trên cây lúa, rầy nâu là mối đe dọa nghiêm trọng hơn cả. Ngoài việc trực tiếp gây hại cho cây lúa, chúng còn là môi giới truyền các bệnh làm giảm năng suất và sản lượng lúa như bệnh lùn xoắn lá, bệnh lúa cỏ và bệnh vàng lùn.
Để quản lý rầy nâu và bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá, theo ông Chiến, việc áp dụng công nghệ sinh thái là rất cần thiết. Công nghệ này thực chất là bổ sung thêm một số loại cây có hoa xung quanh bờ ruộng với mục đích thu hút các loài côn trùng có ích đến tiêu diệt dịch hại.
Ông Chiến cho biết, các loại hoa phù hợp trồng trên bờ ruộng là xuyến chi, sao nhái, trâm ổi, mè, lạc dại. Thời gian trồng tốt nhất từ 10 – 15 ngày trước khi gieo sạ. “Các loại này có nhiều hoa với mật, phấn hoa và hương thơm, giúp thu hút nhiều côn trùng thiên địch mà lại dễ trồng, ít chăm sóc, không che rợp lúa và ra hoa quanh năm”, ông cho biết.
Hiện nay, tất cả 22 Chi cục Bảo vệ thực vật của các tỉnh, thành phía Nam đã có mô hình công nghệ sinh thái ở một số xã nông thôn mới. Tổng diện tích thực hiện mô hình là gần 16.000 ha với 7.400 lượt hộ nông dân tham gia. Tiến sĩ Hồ Văn Chiến chia sẻ, công nghệ sinh thái hay “ruộng lúa – bờ hoa” không phải là mô hình nhằm tăng suất mà chủ yếu hướng đến sản xuất bền vững.
Tham gia mô hình, nông dân được nâng cao hiểu biết về canh tác lúa, quản lý dịch hại, thay đổi nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy hiệu quả của thiên địch đối với sâu bệnh, hạn chế tối đa việc dùng thuốc hóa học. Theo thống kê, mỗi ha lúa áp dụng công nghệ sinh thái cho lợi nhuận tăng 3 triệu đồng so với ruộng không áp dụng.
Trong khuôn khổ diễn đàn, chiều ngày 4/7, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức khảo sát thực tế tình hình rầy nâu và bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá đang gây hại trên lúa Thu Đông tại Hậu Giang. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, vụ Thu Đông 2017, nông dân tỉnh này xuống giống hơn 50.000 ha. Đến thời điểm này, Hậu Giang đã có 30 ha bị mất trắng do bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục