Nam Định cam kết giải quyết trực tiếp phản ánh của doanh nghiệp

09:38' - 11/10/2022
BNEWS Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Nam Định Trần Xuân Ngữ cho biết, các doanh nghiệp phản ánh, vào giữa năm 2022 các ngân hàng thương mại trong tỉnh đều tạm dừng hoặc cho vay rất ít vốn.

Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Trường hợp bị cán bộ ở bộ phận giải quyết thủ tục hành chính có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, doanh nghiệp có thể phản ánh trực tiếp với lãnh đạo tỉnh để xử lý.

 

Đây là cam kết của lãnh đạo tỉnh Nam Định tại Hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Nam Định Trần Xuân Ngữ cho biết, các doanh nghiệp phản ánh, vào giữa năm 2022 các ngân hàng thương mại trong tỉnh đều tạm dừng hoặc cho vay rất ít vốn, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đề nghị, ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh kiến nghị với ngân hàng Trung ương ra hạn tối thiểu trên 6 tháng đối với một khoản vay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp mong muốn, thời gian tới, chính quyền, cơ quan chức năng có biện pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong bối cảnh giá nguyên, nhiên liệu đầu vào có chiều hướng tăng; thiếu hụt lao động cục bộ; khó khăn trong tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh; tồn tại một số vướng mắc, rào cản về pháp lý; quy mô, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn hạn chế...

Ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (chuyên sản xuất lúa gạo ở huyện Ý Yên) cho hay, khảo sát thực tế tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Nam Định có tình trạng không ít diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang rất lãng phí. Doanh nghiệp muốn thuê lại để xây dựng cánh đồng lớn, nâng cao hiệu quả sản xuất song gặp vô số khó khăn vướng mắc từ quy trình, thủ tục theo quy định của lĩnh vực đất đai.

Vì vậy, UBND tỉnh Nam Định, cơ quan chức năng cần xem xét, nghiên cứu thành lập một đơn vị có thẩm quyền đứng ra giúp doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục theo quy định.

Ông Toản cho rằng, các doanh nghiệp vừa trải qua một thời gian khá dài chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19 nên Nhà nước, chính quyền địa phương, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, xem xét giảm lãi suất cho vay...

Theo ông Tomohisa Fukunari, Giám đốc Kỹ thuật của Dự án Top Textiles tại Khu Công nghiệp Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng) mong muốn, chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Nam Định sớm hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp này, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối và các điều kiện phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp có điều kiện hoạt động hết công suất thiết kế, với 60 triệu mét vải/năm để sớm trở thành một trong những dự án dệt nhuộm lớn nhất tại miền Bắc.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị khẳng định, tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Nam Định. Tất cả những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, UBND tỉnh giao và yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các doanh nghiệp, tìm biện pháp tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, không để tồn đọng, kéo dài.

Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng. Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. UBND tỉnh đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh để hướng dẫn, làm đầu mối tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính của các cấp, ngành.

Tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Tổ trưởng để trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vướng mắc trong đầu tư dự án của doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt thông tin để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp; xem doanh nhân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ không phải là đối tượng quản lý.

Những năm qua và thời gian tới, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, viễn thông, khu, cụm công nghiệp, góp phần cải thiện vị thế địa kinh tế, thu hút đầu tư.

Hiện Nam Định có trên 10.950 doanh nghiệp; trong đó, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục