Nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu

22:56' - 26/06/2017
BNEWS Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa do những trở ngại chính có liên quan tới thủ tục kiểm tra hàng hóa chuyên ngành.
Nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Ngày 26/6 tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan phối hợp với Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) tổ chức Hội nghị tuyên truyền về cơ chế một cửa quốc gia, đề án kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại.

Sự kiện được tổ chức nhằm tạo điều kiện để tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp với lãnh đạo ngành hải quan.

Qua đó, nêu lên những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc triển khai và thực hiện hệ thống VINASS/VCIS, các quy định về kiểm tra chuyên ngành và việc thực hiện các giao dịch thương mại qua biên giới.

Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan nhận định, dù đã có những cải tiến mạnh mẽ về thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, song doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa do những trở ngại chính có liên quan tới thủ tục kiểm tra hàng hóa chuyên ngành.

Đây cũng được coi là một trong những “nút thắt” cần được cởi bỏ để cải cách thủ tục hành chính được ngày càng tích cực hơn, đúng với tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong khi thủ tục hải quan chỉ chiếm 28% thời gian thông quan hàng hóa thì thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 72% số thời gian còn lại và làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Ngọc Anh cho biết thêm, hiện nay, tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan còn rất cao (khoảng 30%), trong khi tỷ lệ không đạt yêu cầu lại rất thấp (chỉ dưới 1%).

Nghị quyết 19/NQ-CP đã yêu cầu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30% đến 35% xuống còn 15% vào năm 2016”, song mục tiêu này đến nay chưa đạt được.

Cùng chung quan điểm và bổ sung thêm thông tin, ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký VPSF cho rằng, cơ chế 1 cửa hải quan dù đã được triển khai từ lâu, song hiệu quả chưa thấy rõ. Đến nay cũng chưa được thông qua để hội nhập thực sự với ASEAN.

Mặc dù, hệ thống này mang lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế; hỗ trợ tích cực giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí kinh doanh…song năng lực nội thân của các đơn vị vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế. Chưa kể sự phối hợp giữa các bộ, ngành và cơ quan còn rất vướng mắc, nặng nề nhất là vấn đề kiểm tra chuyên ngành…

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng, Cục Giám sát quản lý (Tổng cục hải quan) kiến nghị một số giải pháp, cụ thể như: tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy; đổi mới căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành bằng cách chỉ áp dụng kiểm tra chuyên ngành có trọng tâm, trọng điểm và tại các thời điểm phù hợp trước khi thông quan, phát triển hệ thống kho, bãi bảo quản hàng hóa tại cửa khẩu, áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành, công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra hàng hóa và ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi dữ liệu điện tử về kết quả kiểm tra chuyên ngành.

Ngoài ra, cần tăng cường nguồn lực thực hiện hoạt động quản lý chuyên ngành như đầu tư trang thiết bị, phương tiện kiểm tra chuyên ngành hiện đại, điều kiện làm việc và nguồn nhân lực; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động quản lý chuyên ngành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục