Nâng cao vai trò, vị thế, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thường trú TTXVN

18:59' - 11/11/2022
BNEWS Thời gian tới, kỷ nguyên công nghệ số đòi hỏi các cơ quan báo chí, trong đó có TTXVN phải đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức tác nghiệp và truyền phát thông tin theo hướng đa phương tiện.

Chiều 11/11, Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/ĐUTTXVN ngày 28/5/2012 của Đảng ủy TTXVN về “Nâng cao vai trò, vị thế, hiệu quả hoạt động của hệ thống phân xã Thông tấn xã Việt Nam” đã được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.

Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang; Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Tuấn Hùng; Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Hà Thị Mai An chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy TTXVN Hà Thị Mai An cho biết, hiện TTXVN có 63 cơ quan thường trú (trước đây là Phân xã) trong nước với 190 phóng viên và 30 cơ quan thường trú ngoài nước với 79 phóng viên.

Các cơ quan thường trú trong và ngoài nước thực hiện hai chức năng chính: nhiệm vụ công tác thông tin và đại diện TTXVN tại địa bàn thường trú.

 

Từ năm 2012-2022, TTXVN tổ chức hơn 30 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 700 lượt phóng viên cơ quan thường trú trong nước, gần 280 lượt phóng viên đi thường trú ngoài nước; đồng thời bồi dưỡng về công tác quản lý cho 74 Trưởng cơ quan thường trú...

Phát biểu chỉ đạo, Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang nhấn mạnh, sau 10 năm triển khai, Nghị quyết 01-NQ/ĐUTTXVN đã được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thường trú.

Công tác chỉ đạo, xử lý thông tin của TTXVN có nhiều đổi mới, linh hoạt. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống tác nghiệp NPS đã đáp ứng yêu cầu tác nghiệp trong tình hình mới.

Chất lượng thông tin của các cơ quan thường trú có bước chuyển biến rõ nét, đề cao sự hiện diện của phóng viên, nâng cao tính cập nhật và sức thuyết phục của thông tin.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: thông tin phản hồi, định hướng dư luận có lúc chưa thực sự nhạy bén; một số thông tin “nóng” chưa kịp thời. Một số cơ quan thường trú chưa bao quát tốt địa bàn phụ trách - Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang chỉ rõ.

Theo Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang, thời gian tới, kỷ nguyên công nghệ số đòi hỏi các cơ quan báo chí, trong đó có TTXVN phải đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức tác nghiệp và truyền phát thông tin theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng và đáp ứng yêu cầu của từng nhóm đối tượng; tiếp tục là kênh thông tin chính thức của Đảng, Nhà nước và là nguồn thông tin chuẩn xác, tin cậy của công chúng.

Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang đề nghị, trong bối cảnh đó, các cơ quan thường trú cần tăng cường tính chủ động, sáng tạo, tiếp tục chú trọng thông tin đa phương tiện, tăng cường thông tin báo cáo có chất lượng. Các đơn vị cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thường trú nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy tối đa nguồn lực chung toàn ngành và lưu ý, các đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị định số 87/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTXVN; rà soát lại các quy chế liên quan đến hoạt động của các cơ quan thường trú cho phù hợp với tình hình hiện tại.

Tại Hội nghị, Đảng ủy, Ban lãnh đạo cơ quan TTXVN tuyên dương, khen thưởng 6 đơn vị đã tích cực tham gia cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch năm 2022.

Trước đó, sáng 11/11, TTXVN đã tổ chức “Hội nghị toàn quốc các Trưởng cơ quan thường trú về nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan thường trú trong nước” và ra mắt chuyên trang thông tin chinhsachcuocsong.vn. Những năm qua, thông tin của các cơ quan thường trú trong nước được cập nhật, phong phú, đa dạng, đa chiều hơn.

Số lượng bài chuyên đề, chuyên sâu tăng lên, trong đó có nhiều loạt bài có sự kết hợp giữa phóng viên của nhiều cơ quan thường trú mang tính chất liên vùng. Nhiều tuyến tin, bài lớn, dài hơi được triển khai như: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; Biến đổi khí hậu; Khắc phục thẻ vàng IUU…

Nhiều phóng viên các cơ quan thường trú đã thực hiện tốt loại hình thông tin ảnh, truyền hình và tăng cả về chất lẫn lượng với nhiều tác phẩm có tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, đeo bám tới cùng vụ việc của phóng viên thường trú, tạo hiệu ứng xã hội lớn.

Tính chung trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, các cơ quan thường trú trong nước đã thực hiện hơn 57.300 tin, bài trong nước; hơn 180 báo cáo tham khảo nội bộ; gần 29.000 chủ đề ảnh; gần 15.700 tin, phóng sự truyền hình.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục