Nâng cơ hội hút vốn "ngoại" cho doanh nghiệp niêm yết

13:46' - 07/08/2024
BNEWS Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết muốn thu hút nguồn vốn nước ngoài cần cập nhật để bộ báo cáo tài chính đáp ứng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.

Ngày 7/8, Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (Vietnam Industial – Parks Financial Associatin – VIPFA) phối hợp với Công ty cổ phần Đại An tổ chức Hội thảo “Tổng quan chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và thực tiễn thanh tra kiểm tra thuế hiện nay” tại Khu Công nghiệp Lai Cách, Hải Dương.

TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam cho biết, để mở đầu cho chuỗi các hoạt động đào tạo từ nay đến hết năm 2024, Liên chi hội đã chọn Công ty Cổ phần Đại An làm đối tác để tổ chức hội thảo “Tổng quan chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS ) & thực tiễn thanh tra kiểm tra thuế hiện nay”.

Liên chi hội đã xây dựng một kế hoạch đào tạo từ nay đến cuối năm 2024 với nhiều chủ để thiết thực nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp thành viên thông tin mới nhất về cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực như: thuế, kế toán, hải quan, tài chính và quản trị doanh nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, xúc tiến đầu tư,..., qua đó tăng cường nhận thức của các hội viên để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.

 

Ở góc độ doanh nghiệp đang vận hành 3 khu công nghiệp tại Hải Dương và Hưng Yên có tổng diện tích gần 1.000 ha, thu hút 120 nhà đầu tư nước ngoài đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD, bà Tường Quỳnh Hương – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại An đánh giá cao những thông tin hữu ích thu nhận được tại hội thảo. Đặc biệt là những thông tin về tình hình áp dụng IFRS tại Việt Nam, các thách thức thường gặp khi áp dụng IFRS trong doanh nghiệp Việt Nam cũng như các cơ hội, lợi ích và các giải pháp áp dụng IFRS tại các doanh nghiệp Việt Nam cũng như thông tin về xu hướng thanh tra kiểm tra thuế hiện nay và một số giải pháp giúp doanh nghiệp chuẩn bị tốt cho việc thanh/kiểm tra thuế.

Hai giảng viên là bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Đào tạo Trung tâm đào tạo AudiCare Việt Nam (ACV) và ông Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Thuế Doanh nghiệp - Công ty cổ phần tư vấn E&Y ViệtNam trình bày về hai chủ đề: các thách thức và cơ hội khi áp dụng bộ chuẩn mực kế toán quốc tế - IFRS tại Việt Nam; và thực tiễn thanh tra kiểm tra thuế tại Việt Nam hiện nay.

Với kinh nghiệm của kế toán trưởng một doanh nghiệp FDI, bà Nguyễn Thị Thủy chia sẻ thông tin về thách thức và cơ hội khi áp dụng bộ chuẩn mực kế toán quốc tế - IFRS tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang trong lộ trình thực hiện bộ chuẩn mực kế toán quốc tế - IFRS. “Báo cáo tài chính phản ánh tình hình hoạt động của doanh nghiệp sẽ là căn cứ để nhà đầu tư quyết định đầu tư. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết muốn thu hút nguồn vốn nước ngoài cần cập nhật để bộ báo cáo tài chính đáp ứng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế”, bà Thủy lưu ý.

Áp dụng IFRS mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm việc cải thiện tính minh bạch và so sánh của báo cáo tài chính, từ đó nâng cao sự tin cậy của nhà đầu tư và các bên liên quan. Đặc biệt, việc áp dụng IFRS có thể giúp doanh nghiệp mở rộng cơ hội huy động vốn trong nước và quốc tế, gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trả lời câu hỏi làm thế nào doanh nghiệp để không bị đánh giá rủi ro từ ngành thuế, ông Nguyễn Chí Dũng lưu ý, doanh nghiệp cần biết có rủi ro về thuế hay không bằng việc xây dựng, nâng cao được quy trình quản trị nội bộ; đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về thuế, thường xuyên cập nhật chính sách thuế… Các doanh nghiệp có thể sử dụng đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để đảm bảo kiểm soát tốt việc tuân thủ quy định về thuế.

Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam có vai trò là cầu nối giữa Nhà nước với các doanh nghiệp hội viên; cập nhật cung cấp thông tin về các cơ chế chính sách và pháp luật liên quan đến hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp tới các doanh nghiệp hội viên; tổng hợp, phản ánh, kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề các vướng mắc của các doanh nghiệp liên quan đến chính sách, cơ chế quản lý, vận hành các khu công nghiệp, khu kinh tế; tạo dựng mối liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp khu công nghiệp, khu kinh tế; khu công nghiệp, khu kinh tế với các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục