Nắng nóng bao trùm, nhiều nước tìm cách ứng phó

08:57' - 13/04/2024
BNEWS Đợt nắng nóng hiện nay là do sự kết hợp của các yếu tố bao gồm biến đổi khí hậu do con người gây ra và hiện tượng thời tiết El Nino.

Từ đầu tháng 4 đến nay nhiều nước Đông Nam Á chứng kiến chuỗi những ngày nắng nóng gay gắt. 

Báo cáo của Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu Copernicus mới công bố đầu tháng 4/2024 cũng cho thấy tháng 3 vừa qua là tháng có nhiệt độ ở mức cao kỷ lục, đánh dấu tháng thứ 10 liên tiếp nhiệt độ trung bình hàng tháng trên thế giới bị phá.

Nắng nóng gay gắt đang bao trùm nhiều quốc gia Đông Nam Á với nhiều kỷ lục về nhiệt độ bị phá vỡ ở Thái Lan, Malaysia hay Philippines... Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu và các chuyên gia cảnh báo, các đợt nắng nóng khả năng cao sẽ kéo dài.

Theo các chuyên gia khí hậu, đây là một xu hướng khó tránh khỏi. Đông Nam Á phải chuẩn bị cho đợt nắng nóng khắc nghiệt trong những ngày còn lại của tháng 4 và hầu hết tháng 5.

Thái Lan là một trong những quốc gia Đông Nam Á chịu tác động mạnh nhất của đợt nắng nóng hiện nay. Tháng 4/2024 là tháng thứ 13 liên tiếp nhiệt độ tại nước này tăng cao kỷ lục, với độ nóng và độ ẩm không ngừng tăng lên. Các chuyên gia dự báo năm nay sẽ là một năm thời tiết khắc nghiệt nữa. Dự báo từ nay đến hết tháng 4, nhiệt độ ở thủ đô Bangkok sẽ không dưới 30 độ C, ngay cả vào ban đêm.

Để giải nóng, từ đầu tháng 3/2024, chính phủ Thái Lan đã tăng đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch, giếng khoan để cung cấp nước cho người dân sinh hoạt và tưới tiêu, tăng kinh phí cho công tác phòng chống và dập tắt cháy rừng, phát cảnh báo rộng rãi về nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn hán.

Còn tại Malaysia, ít nhất 2 trường hợp tử vong đã được ghi nhận liên quan đến nắng nóng. Nhiệt độ tăng cao cũng làm gia tăng các vụ cháy, đặc biệt là tại bang Sabah với hơn 300 đám cháy tại các trang trại, đồn điền và rừng chỉ trong tháng 2.

Tại Singapore, một số trường học đã yêu cầu học sinh mặc đồ tập thể dục rộng rãi, mát mẻ hơn cho đến khi có thông báo mới, do nhiệt độ cao liên tục trong những tuần gần đây. Còn tại Philippines, hàng trăm trường học đã cho học sinh nghỉ học sau khi nhiệt độ hàng ngày tăng mạnh lên tới 42 độ C.

Trong khi đó, khu vực Nam Bộ ở Việt Nam đang trải qua chuỗi ngày  nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ.

Mặc dù nhiệt độ trung bình ở Đông Nam Á tăng lên mỗi thập niên kể từ năm 1960, song một trong những đặc điểm đáng lo ngại nhất của đợt nắng diện rộng tại khu vực hiện nay là thời gian kéo dài.

Nhóm nghiên cứu khí hậu Thụy Sĩ IQ Air cho rằng, đợt nắng nóng hiện nay là do sự kết hợp của các yếu tố bao gồm biến đổi khí hậu do con người gây ra và hiện tượng thời tiết El Nino. Điều này đã dẫn đến nhiệt độ cao chưa từng thấy trên toàn khu vực.

 
Người dân nên hạn chế ra đường khi trời nóng. Ảnh: Kyodo/TTXVN

* Nhiệt độ Trái đất liên tiếp ở mức cao kỷ lục

Trong khi đó, châu Âu cũng trong tình trạng báo động khi thời tiết còn đang mùa Xuân mà đã nóng như mùa Hè. Các nước châu Âu có nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính đối với những cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng vì nắng nóng, hạn hán.

Giới chức châu Âu khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường khi trời nóng, đặc biệt vào những giờ cao điểm nắng gắt. Các nước cũng tăng cường giám sát rừng để hạn chế tối đa khả năng xảy ra cháy rừng trong điều kiện thời tiết khô nóng.

Trong thông báo mới công bố ngày 8/4/2024, Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu Copernicus cho biết Trái Đất tiếp tục ghi nhận nhiệt độ ở mức cao kỷ lục mới trong tháng 3 vừa qua, theo đó cả nhiệt độ không khí và nhiệt độ các đại dương trên thế giới đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Đây cũng là tháng thứ 10 liên tiếp người dân ở Hành tinh Xanh sống trong nền nhiệt cao kỷ lục.

Theo dữ liệu của Copernicus, trong tháng 3 vừa qua, nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở mức 14,14 độ C, ấm hơn 1,68 độ C so với mức nhiệt trung bình trong các tháng 3 của những năm từ 1850-1900, giai đoạn tham chiếu của thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp. Kể từ tháng 6/2023, nhiệt độ Trái Đất liên tiếp xác lập kỷ lục mới, với sự góp phần của các đợt nắng nóng khắp các đại dương trên toàn cầu.

Giới khoa học đã lường trước xu hướng này do diễn biến mạnh của El Nino - hình thái thời tiết gây nhiệt độ cao tại vùng trung tâm Thái Bình Dương và tác động tới các hiện tượng thời tiết trên toàn cầu. Khi El Nino suy yếu, mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu hằng tháng sẽ giảm bớt.

Các nhà khoa học về khí hậu cũng nhấn mạnh rằng phần lớn nguyên nhân khiến nhiệt độ tăng cao kỷ lục hiện nay là do tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra, như lượng phát thải khí carbon dioxide và methane từ quá trình sử dụng than, dầu và khí đốt tự nhiên.

Theo dữ liệu của Copernicus, Trái Đất hiện đã trải qua 12 tháng với nhiệt độ trung bình hằng tháng cao hơn 1,58 độ C so với ngưỡng nhiệt áp dụng trong Hiệp định Paris. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu 2015 đặt mục tiêu kìm hãm đà tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp.

Theo các nhà khoa học, tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra chính là nguyên nhân chính dẫn đến các đợt nắng nóng kỷ lục trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về hệ lụy của những đợt nắng nóng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất làm việc, hệ sinh thái và nền kinh tế của người dân các nước. Điều này khẳng định tính cấp thiết của việc phải nhanh chóng cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc cho biết, lượng khí thải trên thế giới phải giảm mạnh 43% từ nay đến năm 2030 để khống chế mức tăng nhiệt không quá 1,5 độ C. Hiện, có khoảng 150 quốc gia đã đưa ra cam kết chung về mục tiêu phát thải ròng bằng 0, tương đương giảm 88% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do con người thải ra trên toàn thế giới. Tuy nhiên, mới chỉ có 13% trong số các nước này đưa ra ít nhất một cam kết cụ thể về loại bỏ dần việc sử dụng, sản xuất hoặc thăm dò than, dầu hay khí đốt.

Theo các chuyên gia, để đạt được hiệu quả bền vững, cần phải duy trì các cam kết toàn cầu. Các nước giàu phải dẫn đầu sự chuyển đổi năng lượng và cung cấp cho các quốc gia đang phát triển các biện pháp cần thiết để thực hiện mục tiêu này.  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục