Nắng nóng kỷ lục ở Trung Quốc, nhu cầu điện tăng đột biến

15:12' - 05/08/2024
BNEWS Ở miền Đông và Tây Bắc Trung Quốc, nhiệt độ tại Chiết Giang, Giang Tô, Thượng Hải, An Huy, Tân Cương trong những ngày gần đây lên tới 43,9 độ C.

Miền Đông Trung Quốc đang trải qua những ngày nắng nóng khắc nghiệt với nền nhiệt vẫn ở mức rất cao. Theo dự báo, nắng nóng gay gắt sẽ kéo dài ở nhiều địa phương trong khoảng 10 ngày nữa, khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Ở miền Đông và Tây Bắc Trung Quốc, nhiệt độ tại Chiết Giang, Giang Tô, Thượng Hải, An Huy, Tân Cương trong những ngày gần đây lên tới 43,9 độ C.

Thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục 41,9 độ C vào ngày 3/8 và dự kiến tiếp tục vượt ngưỡng 40 độ C cho đến ngày 11/8.

 

Cơ quan dự báo thời tiết Trung Quốc cho biết trong những ngày tới, nhiều khu vực xung quanh đồng bằng sông Dương Tử dự kiến ghi nhận mức nhiệt trên 37 độ C, sau khi nhiệt độ tối đa hằng ngày tại 7 trạm thời tiết quốc gia vượt ngưỡng cực đại lịch sử tại địa phương.

Tỉnh Giang Tô cũng đã ban hành cảnh báo đỏ về nắng nóng vào ngày 4/8 sau khi nhiệt độ cao trong hơn một tuần và tiếp tục tăng. Tại các thành phố Vô Tích, Thường Châu và Trấn Giang, nhiệt độ có thể lên tới 40 độ C.

Trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục kéo dài, lượng điện tiêu thụ cũng đã tăng đột biến do nhu cầu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ tăng cao, gây nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. Chính quyền các địa phương cũng như các công ty điện lực đã phải đưa ra các khuyến nghị sử dụng điện tiết kiệm, như tắt các thiết bị điện không cần thiết, hoặc khuyến nghị chủ xe điện sạc xe vào đêm muộn để phân chia thời gian sử dụng điện so với giờ cao điểm ban ngày. Bên cạnh đó, cơ quan dự báo thời tiết quốc gia ngày 5/8 cũng đưa ra cảnh báo nguy cơ hỏa hoạn do tiêu thụ điện quá mức và quá tải điện.

Các nhà khí tượng học Trung Quốc cho biết nhiệt độ kỷ lục trong năm nay do tình trạng nóng lên toàn cầu, ngay cả khi hiện tượng thời tiết La Nina mang lại nhiệt độ bề mặt biển mát hơn mức trung bình ở vùng xích đạo Thái Bình Dương.

Đầu năm nay, Trung Quốc đã trải qua mùa Xuân ấm nhất kể từ năm 1961, thời điểm bắt đầu biên soạn dữ liệu khí hậu hiện đại. Tiếp theo là tháng 5 nóng nhất, gây ra nhiều tuần hạn hán ở miền Trung, ảnh hưởng đến mùa màng và sinh kế của các cộng đồng nông dân trong khu vực.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục