Năng suất và đổi mới, sáng tạo là điều kiện quan trọng để hội nhập quốc tế

15:06' - 24/11/2017
BNEWS Năng suất và sáng tạo, đổi mới được xác định là hai yếu tố, là điều kiện quan trọng hàng đầu để chủ động hội nhập quốc tế trong bối cảnh xuất hiện làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Toàn cảnh hội thảo Năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam: Phát hiện từ nghiên cứu thực chứng.Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Tung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Tổ chức hỗ trợ phát triển Ailen (Irish Aid) tổ chức hội thảo Năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam: Phát hiện từ nghiên cứu thực chứng.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, hội thảo mong muốn tiếp nhận sự đóng góp ý kiến của các học giả, nhà nghiên cứu cũng như gợi ý về giải pháp thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế theo hướng nhanh, bền vững tại Việt Nam; trong đó gắn liền với mục tiêu hiện đại hoá nền kinh tế.

Đặc biệt, năng suất và sáng tạo, đổi mới được xác định là hai yếu tố, là điều kiện quan trọng hàng đầu để chủ động hội nhập quốc tế trong bối cảnh xuất hiện làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như đáp ứng đòi hỏi tham gia vào chuỗi cùng ứng toàn cầu, tiếp cận, phát huy và làm chủ công nghệ số trong hoạt động sản xuất...

Theo TS Đặng Đức Anh - Trưởng Ban Phân tích và Dự báo (Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã khai thác nhiều nguồn lực “cổ điển” như: vốn, tài nguyên, lao động rẻ để phát triển kinh tế theo mô hình chiều rộng, dẫn đến cạn kiệt nguồn lực cũng như chất lượng tăng trưởng không cao, thiếu bền vững.

Nếu tiếp tục xu hướng này sẽ dần đến nguy cơ lạc hậu, ô nhiễm môi trường và mất sức cạnh tranh về lâu dài, tụt hậu ngày càng xa so với khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với khu vực. Nói cách khác, chất lượng nguồn nhân lực chưa thật sự là động lực của tăng trưởng năng suất lao động. Tỷ lệ lao động trẻ chưa qua đào tạo rất lớn, là rào cản đối với mục tiêu tăng năng suất lao động của Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Dù số liệu tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân giai đoạn 2006 - 2016 của 20 ngành kinh tế cấp 1 cho thấy bức tranh sáng lạn, tất cả các ngành kinh tế đều có tốc độ tăng trưởng dương, tuy nhiên có tới 11/20 ngành kinh tế đạt được giá trị tăng trưởng dương không phải do đóng góp chủ yếu của tăng năng suất lao động.

Trong đó, có 4/20 ngành suy giảm năng suất lao động bình quân giai đoạn 2006 - 2016 và 7/20 ngành tăng trưởng giá trị tăng thêm dựa vào tăng trưởng lao độngtrong tốc độ tăng trưởng chưa đạt mức lý tưởng 60%.

Từ đó, các cơ quan nghiên cứu đã khuyến nghị Chính phủ cần tăng tốc cải cách, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước một cách hiệu quả, quyết liệt. Dự kiến, nếu nếu làm tốt mục tiêu trên thì có thể tăng 10% sản lượng của nền kinh tế thông qua tăng năng suất.

Theo tính toán, nếu tăng 2% năng suất xủa doanh nghiệp nhà nước thì sẽ tăng được 1,14% GDP và 2,26% sản lượng công nghiệp và 1,15% sản lượng xuất khẩu. Yêu cầu tăng trưởng nhanh cũng đòi hỏi sự tham gia tích cực và rộng rãi của khu vực kinh tế tư, nhân với lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa là nòng cốt.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới, hiện đại sẽ làm tăng năng suất các nhân tố tổng hợp thêm 25%.

Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam có tới 1/2 số ngành tăng trưởng giá trị thêm không dựa vào tăng năng suất lao động. Riêng về vấn đề đổi mới, sáng tạo đang trông đợi vào nhận thức và sự chủ động phát huy lợi thế, trí tuệ, bản lĩnh của giới chủ doanh nghiệp.

TS Đặng Đức Anh cũng cho rằng, tình hình tăng trưởng của Việt Nam là khá ấn tượng, duy trì được sự ổn định; trong đó xuất khẩu đạt kết quả kha quan. Tuy nhiên, xuất khẩu cũng như tăng trưởng GDP lại phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; trong khi doanh nghiệp trong nước và hiệu quả đầu tư nhìn chung chưa có sự cải thiện rõ nét. Các lợi thế so sánh và dư địa theo phương thức cũ cho tăng trưởng không còn nhiều.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến năng suất lao động Việt Nam thấp chính là chất lượng giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, thiếu lao động chất lượng cao, chưa chú trọng đào tạo lại và đào tạo nâng cao. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tụt hậu về nguồn nhận lực, đang dần mất đi lợi thế về chi phí lao động thấp...

Để nâng cao năng suất lao động, các chuyên gia đề xuất, Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần tập trung cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để phục vụ doanh nghiệp kết hợp với tăng tốc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Đặc biệt, cần hun đúc tinh thần khởi nghiệp, hỗ trợ đào tạo đội ngũ doanh nhân cũng như tăng cường chất lượng giáo dục nói chung để có những doanh nhân có tầm hiểu biét, kiến thức tốt khi bước vào con đường khởi nghiệp hoặc để họ sẵn sàng mở rộng quy mô hoạt động lên tầm mức cao hơn, cho ra đời những sản phẩm chất lượng và giá trị gia tăng cao thông qua đổi mới công nghệ sản xuất.

GS John FitzGerald - Khoa Kinh tế, Đại học Trinity Dublin chia sẻ, để cải thiện năng suất, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào 3 yếu tố: Vốn, khoa học công nghệ và con người; trong đó, quan trọng nhất, để phát triển kinh tế một cách bền vững và bảo đảm bắt kịp các nước đã phát triển thì Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào thúc đẩy tăng năng suất thông qua phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật;

đồng thời, cần phải giải quyết đồng bộ nhiều yếu tố tác động đến năng suất lao động như: Công nghệ, cơ cấu kinh tế, trình độ, kỹ năng người lao động, môi trường làm việc, thị trường, thủ tục hành chính.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục