Nâng sức cạnh tranh của nhóm hàng "tỷ đô"

08:24' - 19/05/2025
BNEWS Việc đạt được các chứng nhận quốc tế từ các tập đoàn đa quốc gia giúp nâng cao uy tín, tạo thuận lợi mở rộng thị trường xuất khẩu hàng điện tử và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc đạt được các chứng nhận quốc tế từ các tập đoàn đa quốc gia mang lại nhiều giá trị thiết thực cho doanh nghiệp điện tử Việt Nam, giúp nâng cao uy tín, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường xuất khẩu và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là nhận định của bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam.

Những năm gần đây, điện tử là ngành hàng phục hồi xuất khẩu nhanh và nằm trong nhóm hàng xuất khẩu "tỷ đô". Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), 4 tháng năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử đạt 47,06 tỷ USD; trong đó, ngành hàng máy tính, điện tử và linh kiện đạt 29,259 tỷ USD; còn điện thoại và linh kiện đạt 17,799 tỷ USD.

 
Theo các chuyên gia, ngành điện tử Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Một trong số đó là sự phụ thuộc đáng kể vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi khối doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn gặp khó khăn trong việc đầu tư công nghệ, quản lý chất lượng và tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam không thể chỉ dừng lại ở vai trò gia công đơn thuần, mà cần từng bước làm chủ công nghệ, thiết kế, sản xuất và quản lý chất lượng theo chuẩn mực quốc tế.

Trong bối cảnh đó, việc đạt được các chứng nhận quốc tế là tín hiệu tích cực, thể hiện năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập sâu rộng của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường toàn cầu. Đây cũng là cơ sở để các tập đoàn lớn đánh giá cao và tin tưởng hơn vào năng lực nội tại của doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, điều này cũng cho thấy các doanh nghiệp đang thực hiện đúng định hướng của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Bà Đỗ Thị Thúy Hương nhấn mạnh.

Ngoài ra, các chứng nhận quốc tế còn giúp doanh nghiệp có vị thế tốt hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng cơ hội nhận đơn hàng và tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực. Điều này khiến các doanh nghiệp nước ngoài có sự nhìn nhận tích cực hơn đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những đơn vị có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất bảng mạch điện tử (PCB) công nghệ cao, đặt tại Khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh), Công ty Cổ phần HANEL PT đã chứng minh được năng lực kỹ thuật, tinh thần kỷ luật công nghiệp và sự trưởng thành vượt bậc của một doanh nghiệp Việt. Khởi đầu từ một đơn vị chuyên lắp ráp, gia công theo quy trình và thiết bị do khách hàng cung cấp, đến nay HANEL PT đã chuyển mình thành nhà cung cấp dịch vụ OEM/ODM làm chủ toàn bộ quy trình từ thiết kế đến sản xuất, quản lý chất lượng và cung ứng sản phẩm cho nhiều đối tác lớn trong và ngoài nước.

Trong quá trình hợp tác và cung cấp dịch vụ cho các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực điện tử và ô tô, HANEL PT không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và từng bước nâng cao năng lực nghiên cứu - phát triển (R&D). Mới đây, doanh nghiệp này đã vinh dự nhận Chứng nhận Giải thưởng Chất lượng năm 2025 từ Tập đoàn Brother - một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới về công nghệ và thiết bị điện tử. Trải qua nhiều vòng đánh giá nghiêm ngặt từ các đối tác quốc tế, HANEL PT được ghi nhận là doanh nghiệp tiên phong trong đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Theo ông Trần Đức Tùng, Phó Tổng Giám đốc HANEL PT, chứng nhận này mang lại nhiều giá trị thiết thực cho doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường và gia tăng sự hiện diện trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này không chỉ nâng cao uy tín của doanh nghiệp như một đối tác công nghệ cao đáng tin cậy mà còn mở ra nhiều cơ hội nhận thêm đơn hàng từ cả khách hàng hiện tại và tiềm năng. Với các đối tác quốc tế, chứng nhận đóng vai trò như một cam kết chất lượng được xác thực, giúp doanh nghiệp mở rộng hợp tác trong và ngoài nước, đặc biệt là với các tập đoàn đang tìm kiếm nguồn cung ứng tin cậy tại Việt Nam. Đây cũng là dấu ấn góp phần nâng cao hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao vốn đòi hỏi độ chính xác và tính tin cậy tuyệt đối, qua đó khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng và đồng hành cùng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, vai trò của các hiệp hội ngành cũng rất quan trọng trong việc hỗ trợ mở rộng thị trường và nâng cao vị thế doanh nghiệp. Bà Đỗ Thị Thúy Hương cho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều hoạt động thiết thực như: kết nối doanh nghiệp với các doanh nghiệp hàng đầu chuỗi sản xuất trong và ngoài nước, hỗ trợ tìm kiếm đơn hàng, cập nhật thông tin về tiêu chuẩn và quy chuẩn mới của ngành nhằm giúp doanh nghiệp nội địa đảm bảo năng lực cạnh tranh. Hiệp hội luôn đóng vai trò là đầu mối kết nối doanh nghiệp với các cơ quan Chính phủ, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác và nâng cao chất lượng thông tin chiến lược. Đây là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững và hội nhập hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục